Đến tận tòa án bắt người, cướp tài sản

Không quen biết, không nợ nần, nhưng chị Thương lại bị một số đối tượng đưa lên xe máy chở thẳng đến một quán karaoke đánh đập. Quỳ lạy, van xin không được, chị phải gọi điện cầu cứu chồng mang tiền đến chuộc thân.

Vụ bắt cóc trắng trợn

Hôm qua (21/3), TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với các bị cáo: Nguyễn Đức Kính (SN 1950), trú ở phường Hạp Lĩnh; Nguyễn Ngọc Chiến (SN 1967, cán bộ tín dụng một ngân hàng ở Bắc Ninh), trú tại phường Vạn An, cùng TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên và Nguyễn Việt Anh (SN 1977), trú phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội. Cả bốn bị cáo đều bị VKSND TP Hà Nội cáo buộc tội “Cướp tài sản”. Bị hại trong vụ án là chị Vũ Thị Thanh Thương (ở quận Hoàng Mai) có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa.

Đến tận tòa án bắt người, cướp tài sản - 1

Các bị cáo tại phiên tòa

Sáng 19/4/2011, chị Thương đến tòa án Hà Nội tham dự phiên tòa xét xử một đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Đức Kính và Nguyễn Ngọc Chiến cũng có mặt ở đây. Sau khi HĐXX tuyên bố nghỉ trưa, chị Thương vừa đi ra khỏi phòng xử án thì bất ngờ có một số thanh niên lạ mặt, trong đó có Nguyễn Việt Anh ép chị ra ngoài đường nói chuyện. Tại cổng tòa án Hà Nội, Việt Anh ép chị Thương lên xe máy, rồi cùng nhiều đối tượng (hiện chưa xác định được lai lịch) áp giải đến một quán karaoke trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. Điều khiển xe ô tô bám sát nhóm Việt Anh là Phạm Thị Xuân (SN 1967), trú ở phường Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng. Trong một phòng hát ở quán karaoke này, Xuân dùng vỏ chai bia cùng đám “giang hồ” thay nhau đánh đập chị Thương. Không chịu được sự tra tấn dã man, người phụ nữ này phải quỳ lạy, van xin nhưng không kết quả.

Nhận thấy bị hại đã sợ đòn, Xuân liền ép chị Thương phải viết giấy vay nợ 138.000 USD và 280 triệu đồng, đồng thời yêu cầu: “Hôm nay mày phải lo cho tao 1 tỷ”. Chưa hết, Xuân còn bắt chị Thương phải viết thêm một tờ giấy với nội dung “chán đời nên tự tử”. Mục đích của Xuân là nếu phát hiện ra sự can thiệp của công an sẽ lập tức ném nạn nhân cùng tờ giấy xuống sông. Chuẩn bị xong, “nữ quái” này bắt chị Thương gọi điện cho chồng mang tiền đến chuộc người. Khoảng 18h50 cùng ngày, khi Xuân đang nhận bọc tiền từ chồng nạn nhân trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên thì bị lực lượng công an ập đến bắt quả tang.

Không vay vẫn phải trả

Trong quá trình điều tra, Phạm Thị Xuân được xác định mắc bệnh hiểm nghèo và hiện đang phải điều trị thêm cả bệnh tâm thần. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tạm đình chỉ bị can đối với đối tượng. Đối với một số đối tượng liên quan trực tiếp đến hành vi bắt giữ chị Thương tại tòa án Hà Nội, do chưa xác định được “tung tích” nên cũng được tách rút hồ sơ, xử lý sau.

Tại phiên xét xử, Nguyễn Đức Kính khai nhận ngay trước lúc phiên tòa ngày 19/4/2011 mở, Xuân đã liên lạc với đối tượng và Chiến để nắm rõ “hành tung” của chị Thương. Sau khi được Kính cho biết người phụ nữ này có mặt ở tòa, Xuân đã tức tốc phóng ô tô đến và thống nhất kế hoạch bắt giữ người cướp tài sản. Để vụ việc “gọn gàng”, Xuân nghĩ ngay tới một đám “giang hồ” ở Hà Nội và gọi điện cho Nguyễn Thế Hùng đến giúp sức. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, Hùng kêu mệt nên đã “điều” Việt Anh dẫn theo nhiều đối tượng đến số 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội để bắt người.

Lý giải lý do cướp tài sản của chị Thương, Nguyễn Ngọc Chiến khai nhận, năm 2009, đối tượng và Xuân hùn tiền cho anh Vũ Đức Nam (trú ở quận Ba Đình, Hà Nội) vay 6 tỷ đồng. Đến hẹn, Xuân đòi nhiều lần nhưng anh Nam không trả và sau đó anh này đã tuyên bố gán món nợ cho chị Thương. Thế nhưng cho tới tận khi bị đám “giang hồ” bắt giữ, chị Thương vẫn không tự nguyện chấp nhận sự lắt léo này. Vì thế Chiến và Xuân mới thực hiện thu hồi nợ bằng “luật rừng”. Bị HĐXX thẩm vấn, Thế Hùng và Việt Anh thừa nhận hành vi gây ra đối với bị hại, song cho rằng chỉ phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Lý do để hai bị cáo này chối tội là Hùng chỉ bảo Việt Anh đến “giúp” Xuân, hoàn toàn không biết cách thức giúp đỡ như thế nào. Việt Anh thì quả quyết, chỉ “đưa” nạn nhân đến quán karaoke chứ không tham gia đòi tiền từ chồng nạn nhân. Mặc dù vậy, đại diện VKS khẳng định đây là vụ án có tổ chức với sự tham gia của nhiều đối tượng ở những giai đoạn khác nhau.

Sau 1 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Đức Kính, Nguyễn Ngọc Chiến cùng mức án 18 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Được thay đổi tội danh sang “Bắt giữ người trái pháp luật” nên Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Việt Anh chỉ phải nhận cùng mức 5 năm tù giam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Long (An Ninh Thủ Đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN