Để trẻ chết vì sặc cháo, bị đề nghị ba năm tù

Luật sư và đại diện gia đình bị hại đề nghị xem xét trách nhiệm của chủ cơ sở mầm non.

Ngày 21-8, kết thúc phần thẩm vấn vụ án bé Trần Nhật Hương (12 tháng tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) tử vong do sặc cháo tại Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ (thuộc KĐT Việt Hưng, Long Biên), đại diện VKS đề nghị tòa phạt bị cáo Ngô Thị Hà Quyên 24-36 tháng tù về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy chế nghề nghiệp. Bị cáo Đinh Thị Hồng bị đề nghị 18-24 tháng tù treo với cùng tội danh.

Tử vong sau hai ngày tới trường

Theo hồ sơ, vào khoảng 10 giờ ngày 27-8-2013, mẹ đưa cháu Hương đến trường.

Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, giáo viên của trường thông báo với gia đình là cháu đang được cấp cứu tại BV Đức Giang. Gia đình lập tức đến nơi, cháu đã tử vong. Đây mới là ngày thứ hai bé Hương được gia đình gửi tại đây.

Tiếp nhận đơn trình báo, công an quận đã trưng cầu giám định pháp y.

Lúc đầu, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Cháu Hương tử vong do bệnh nhồi máu phổi do thuyên tắc huyết khối diễn biến thầm lặng. Việc sặc cháo chỉ làm tăng mức độ suy hô hấp, thúc đẩy tử vong.

Trước đó, sức khỏe cháu bé bình thường nên gia đình yêu cầu cơ quan điều tra giám định lại. Đầu tháng11-2013, Viện Pháp y Quốc gia Bộ Y tế kết luận: Cháu bé tử vong do ngạt dị vật đường thở và cháu không có tổn thương bệnh lý về tim…

Sau đó, Hội đồng Giám định Quốc gia (cấp cao nhất theo Luật Giám định) “gút”: Kết luận của Hội đồng Giám định Viện Pháp y Quốc gia Bộ Y tế là chính xác. Từ đó công an đã khởi tố hai bị can để điều tra.

Để trẻ chết vì sặc cháo, bị đề nghị ba năm tù - 1

Từ phải qua, bị cáo Hồng, Quyên tại phiên tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

“Dỗ cho cháu ngủ khi thấy cháu “ê, a””

Tại phiên tòa, bị cáo Quyên khai nhận: Sau khi đón bé Hương, bị cáo Hồng bón cháo cho bé. Do bé quấy khóc, ăn ít nên khoảng 30 phút sau, Hồng tiếp tục cho bé uống chừng 100 ml sữa. Khi đặt bé ngồi chơi cùng các bạn trong lớp, bé nôn hết sữa ra ngoài. Dọn dẹp, vệ sinh xong, Quyên ru ngủ, đặt cháu bé nằm xuống sàn nhà lát gỗ.

Thấy các bé trong lớp đã ngủ hết, Quyên và Hồng ăn trưa ngay trước cửa lớp, sau đó nằm nghỉ. “Nằm sát cháu nên tôi đã dỗ cho cháu ngủ khi thấy cháu “ê, a”. Khoảng 30 phút sau, khi đi vệ sinh vào, thấy cháu nằm im ở tư thế ban đầu, tôi kiểm tra thì thấy mặt, môi bé gái có biểu hiện tím tái. Lay người cháu không phản ứng nên bế xuống tầng 1, hô gọi mọi người sơ cứu” - Quyên khai.

Bị cáo Quyên cho hay mình cùng bị cáo Hồng được phân công phụ trách chăm sóc và dạy trẻ độ tuổi 24-36 tháng. Tại thời điểm đó lớp có sáu bé, trong đó cháu Hương (12 tháng) và một cháu khác (sáu tháng) là chưa đủ tuổi.

“Hôm đó, các cháu được ăn cùng một loại cháo thịt xay với cà chua” - nữ giáo viên khai nhận.

Lý giải việc đặt cháu bé nằm dưới sàn thay vì trên giường, Quyên nói: “Bé mới đến lớp, chưa quen nên bị cáo muốn đặt bé gần mình, chỗ bị cáo vẫn ngủ hằng ngày để tiện quan sát”.

Còn bị cáo Hồng khai nhận: “Lúc các cháu đang ngủ, bị cáo có dùng điện thoại để lên mạng nên cũng không quan sát hết được…”.

Nhà trường chỉ bị “rút kinh nghiệm”

Hồng khai là đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm chuyên ngành tiểu học, không có chuyên môn mầm non nên chỉ làm các công việc phụ như quét dọn, vệ sinh, trông các cháu…

Còn bị cáo Quyên cho biết bằng CĐ Sư phạm Trung ương, chuyên ngành mầm non của Quyên là giả nhưng “bị cáo tự tin với khả năng chăm trẻ của mình vì đã có hai con nhỏ” - Quyên khai.

Đại diện VKS nhận định Hồng sử dụng điện thoại trong quá trình trông trẻ nên không phát hiện cháu có biểu hiện bất thường. Còn bị cáo Quyên đã vào nhà vệ sinh (một phút 48 giây) mà không hề bàn giao cho người khác là đã vi phạm vào quy chế giáo dục mầm non “cấm làm việc riêng trong quá trình chăm sóc trẻ”.

“Chủ cơ sở phải rút kinh nghiệm về việc tuyển mộ người không đủ bằng cấp quản lý” - VKS nhận định.

Tranh luận về trách nhiệm của các bị cáo, các luật sư cho rằng kết luận giám định pháp y còn nhiều điều chưa rõ; việc vi phạm quy tắc nghề nghiệp của các bị cáo cũng chưa đúng. “Trong vụ án này cũng cần phải xem xét trách nhiệm của nhà trường chứ không thể chỉ truy cứu với riêng hai bị cáo” - luật sư đề nghị.

Cha cháu bé và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích gia đình bị hại cũng cho rằng “cần phải xem xét trách nhiệm của chủ nhà trường vì hoạt động trước thời gian cho phép thành lập, không có phòng y tế, cơ sở vật chất không đảm bảo…”.

Phiên xử kết thúc muộn (19 giờ) và tòa sẽ tuyên án vào sáng 25-8.

Chỉ vì hai phút đi vệ sinh

Nói lời sau cùng, bị cáo Quyên bật khóc: “Trước hết, bị cáo xin chia buồn cùng gia đình. Xuất phát từ tình yêu với trẻ nên bị cáo mua bằng để được chăm sóc các cháu… Chỉ vì hai phút đi vệ sinh mà hậu quả ra thế này, mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN