Cuộc truy lùng băng trộm đột nhập chuyên phá song cửa

Sự kiện: Tin pháp luật

Từ công tác lưu trữ thông tin, dữ liệu thông qua việc điều tra, khám phá các ổ nhóm trộm cắp tài sản trên địa bàn, Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã làm rõ, bóc gỡ một đường dây tội phạm chuyên đột nhập nhà dân hoạt động hết sức tinh vi.

Xuất phát từ những thanh niên tỉnh ngoài ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề đánh giày, quá trình hành nghề, các đối tượng đã “nghiên cứu” sơ hở của các hộ dân để đêm đến rủ nhau đột nhập, trộm cắp tài sản…

1.Đầu năm 2018, tại các khu đô thị mới thuộc địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm liên tiếp xảy ra các vụ trộm đột nhập nhà dân vào ban đêm trộm cắp tài sản. Đêm 7-2, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc (ở ngõ 167 đường Quang Tiến, phường Đại Mỗ) bị mất trộm 1 máy tính xách tay Dell, 1 iPad, 4 điện thoại iphone và 253 triệu đồng.

Cuộc truy lùng băng trộm đột nhập chuyên phá song cửa - 1

Cơ quan Công an đưa một đối tượng tới hiện trường thực hiện lại hành vi phá song sắt cửa sổ đột nhập trộm cắp tài sản.

Trong khi cơ quan Công an đang điều tra thì đêm 2-3, tại ngõ 17, tổ dân phố Ngọc Đại (phường Đại Mỗ), 2 hộ dân cùng bị trộm đột nhập gồm gia đình anh Đàm Mạnh Dũng bị mất trộm 2 điện thoại iphone, tiền mặt, trang sức... tổng trị giá  105 triệu đồng.

Cuộc truy lùng băng trộm đột nhập chuyên phá song cửa - 2

Anh Lê Hồng Quân bị trộm lấy đi 1 con lợn đất bên trong có số tiền tiết kiệm 5 triệu đồng. Khám nghiệm hiện trường các vụ trộm cho thấy, các gia đình đều bị kẻ gian phá song sắt cửa sổ tại tầng một và đột nhập theo hướng này.

Trung tá Đặng Mạnh Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm nhớ lại: Sau khi trực tiếp xem xét, khám nghiệm hiện trường 3 vụ trộm đột nhập tại phường Đại Mỗ, anh nhận định,  thủ  đoạn đột nhập giống nhau trong 3 vụ trộm cho thấy nhiều khả năng do 1 nhóm đối tượng gây ra. Anh Cường chợt nhớ tới “siêu trộm đột nhập” Đào Xuân Soạn (31 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) mà Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm đã điều tra, bắt giữ khoảng 1 năm trước.

Cuộc truy lùng băng trộm đột nhập chuyên phá song cửa - 3

Các đối tượng trong ổ nhóm trộm đột nhập bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ cùng tang vật.

Soạn xuất thân từ đánh giày và bán hàng rong, ra Hà Nội lang thang kiếm sống đã nhiều năm, sau tụ tập các đối tượng cùng quê Thanh Hóa thành một ổ nhóm chuyên trộm cắp tài sản nhà dân bằng phương thức đột nhập.

Nhóm trộm mà Soạn cầm đầu khá cao cấp. Chúng thuê khách sạn ở. Ban ngày trong vai đánh giày và bán hàng rong, chúng tới từng khu dân cư, đặc biệt tập trung vào các khu đô thị mới còn thưa dân và công tác đảm bảo an ninh trật tự chưa được chú trọng, từ đó quan sát, “thám thính” từng ngôi nhà trong lúc gia chủ đang đi làm vắng.

Chúng thăm dò các điểm có thể đột nhập như cửa sổ trước và sau, cửa ngách... Nhà nào không chốt trong, chúng sẽ đánh dấu để ban đêm quay lại đột nhập, dùng cờ lê hoặc kìm phá song sắt chui vào nhà lục soát tài sản.

Quái dị hơn, mỗi khi “hành nghề”, nhóm của Soạn còn mang theo một số chiếc khóa chữ U để khóa cửa chính ngôi nhà đột nhập và các nhà hàng xóm xung quanh, phòng trường hợp nếu bị phát hiện thì chủ nhà và mọi người bị cản trở, không truy đuổi được chúng.

Đào Xuân Soạn là một tên trộm tinh ranh bởi hắn đã có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, bị Công an các quận Thanh Xuân, Long Biên bắt giữ từ năm 2007, 2008 và 2012. Sau này, Soạn khai nhận trong thời gian ở tù đã được các đàn anh trong trại “truyền nghề”  cùng các mánh khóe, thủ đoạn đột nhập nhà dân vào ban đêm để trộm cắp tài sản.

Cuối năm 2012, Đào Xuân Soạn cùng đồng bọn gây ra một loạt vụ đột nhập, bẻ hoặc tháo hoa sắt cửa sổ nhà dân tại quận Thanh Xuân và các quận khác, lấy trộm những tài sản gọn nhẹ có giá trị cao như tiền, vàng, điện thoại di động, máy ảnh, máy tính xách tay...

Sau khi bị Công an quận Thanh Xuân điều tra bắt giữ và bị xử 38 tháng tù, cuối năm 2015, Đào Xuân Soạn được ra trại. Nằm im một thời gian nghe ngóng, Soạn lại tìm đồng bọn cùng gây án. Lần này, Soạn chuyển sang địa bàn quận Nam Từ Liêm, một địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh và nhiều khu đô thị mới.

Tuy nhiên, sau một lần đột nhập nhà dân tại phường Mỹ Đình I, tháng 10-2017, Đào Xuân Soạn đã bị Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ. Qua khai thác mở rộng, Soạn khai nhận còn gây ra 2 vụ trộm đột nhập khác tại địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tại cơ quan điều tra, Đào Xuân Soạn khai đã “dạy nghề” cho nhiều đối tượng cùng quê Thanh Hóa, cũng hoạt động dưới vỏ bọc đánh giày, bán hàng dạo như Soạn. Để đối phó với cơ quan Công an thì sau khi gây án, chúng lại di chuyển sang một địa bàn mới.

2. Trở lại việc điều tra các vụ trộm đột nhập nhà dân tại phường Đại Mỗ vào đầu năm 2018. Tập trung điều tra theo hướng các ổ nhóm chuyên trộm đột nhập, Trung tá Đặng Mạnh Cường và các điều tra viên Công an quận Nam Từ Liêm đã khẩn trương lật lại hồ sơ của “siêu trộm” Đào Xuân Soạn, kiểm tra, rà soát xem Soạn và đồng bọn đã ra tù chưa và những đối tượng nghi vấn trước đây có liên quan trong ổ nhóm do Soạn cầm đầu. Kết quả rà soát cho thấy Đào Xuân Soạn vẫn đang trong tù. Như vậy, các đối tượng gây án có thể là đám đàn em của Soạn ở ngoài.

Từ nhận định này, Đội Cảnh sát hình sự đã lập án đấu tranh,  truy tìm manh mối nhóm trộm người Thanh Hóa có xuất thân từ đánh giày, bán hàng rong; đồng thời rà soát và lần theo đường đi của những tang vật trong các vụ trộm đã được tiêu thụ.

Hướng điều tra chính xác này đã có kết quả. Ổ nhóm trộm chuyên đột nhập đêm đã được làm rõ gồm các đối tượng: Lê Trọng Đông (SN 1990), Đỗ Đình Khang (SN 1995), Đinh Văn Đức (SN 1996), Vũ Duy Giang (SN 1994), đều quê Thanh Hóa, thuê trọ tại quận Tây Hồ (Hà Nội). Cả 4 đối tượng này đều là đàn em của “siêu trộm” Đào Xuân Soạn và được đàn anh “dạy nghề”.  Sau khi thu thập tài liệu, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã đồng loạt thực hiện bắt giữ các đối tượng.

Cuộc truy lùng băng trộm đột nhập chuyên phá song cửa - 4

“Siêu trộm” đột nhập Đào Xuân Soạn (áo kẻ) từng bị Công an quận Thanh Xuân bắt giữ năm 2012.

 Quá trình khám xét nơi ở của Đỗ Đình Khang tại ngõ 32/15 An Dương, phường Yên Phụ, các điều tra viên bất ngờ thu được lá thư của “siêu trộm” Đào Xuân Soạn gửi đám đàn em.

Theo lời khai của các đối tượng thì nhân lúc bị đưa ra xét xử tại tòa án, Đào Xuân Soạn đã lén lút gửi một lá thư ngắn cho các đồ đệ, nội dung cảnh báo “Công an Nam Từ Liêm đang soi chúng mày đấy, đừng làm ở Nam Từ Liêm nữa”.

Sau khi nhận được cảnh báo, nhóm Đông, Khánh, Đức và Giang liền chuyển sang quận Tây Hồ thuê trọ để che giấu tung tích. Tuy nhiên, vốn bản chất trộm cắp nên chúng nhanh chóng quên mất lời dặn của đàn anh,  quay trở lại địa bàn quận Nam Từ Liêm gây án và đã bị bắt giữ.

Đấu tranh khai thác mở rộng, cơ quan điều tra làm rõ nhóm trộm này đã gây ra tổng số 11 vụ trộm đột nhập trên địa bàn Hà Nội, trong  đó 5 vụ ở quận Nam Từ Liêm, tổng giá trị tài sản trộm cắp lên tới hàng trăm triệu đồng. Hiện Công an quận Nam Từ Liêm đã hoàn tất  Kết luận điều tra, đề nghị truy tố nhóm trộm này trước pháp luật.

Theo lời khai của nhóm trộm đêm trên, khoảng 11h đêm là giờ chúng bắt đầu hoạt động, rời nhà trọ, thường thì 2 đối tượng thành một cặp chở nhau bằng xe máy, mang theo ba lô đựng đồ nghề phá cửa như cờ lê, kìm cộng lực, kìm thủy lực, mỏ lết, đục... đến các ngôi nhà đã tìm hiểu từ trước để gây án.

Thời gian đột nhập từ 2-4h sáng. Đây là thời điểm  gia chủ chìm vào giấc ngủ sâu nhất. Như trong vụ trộm nhà chị Nguyễn Thị Ngọc ở đường Quang Tiến (phường Đại Mỗ)  do Đỗ Đình Khang và Lê Trọng Đông gây ra. Khang đứng ngoài cảnh giới cho Đông bẻ gãy 2 thanh song sắt cửa sổ tầng 1 chui vào nhà.

Sau khi lục lọi ở tầng một nhưng không tìm được gì, Đông chuyển lên tầng 2, cả gia đình chị Ngọc ngủ say đến mức Đông 4 lần vào phòng chị Ngọc và con gái đang ngủ lục soát tài sản, mở hết các ngăn kéo bàn và tủ cho đến khi tìm được tiền mới chịu xuống tầng một và chui ra ngoài.

Khi về phòng trọ, chúng bỏ tiền ra đếm được 253 triệu đồng chia nhau. Sau khi chia tiền xong thì Đinh Văn Đức và Vũ Duy Giang cũng đi về, được Đông cho mỗi tên 2 triệu đồng.  Không chịu kém cạnh, Đức và Giang cũng tạo thành một cặp bài trùng chuyên “ăn đêm”.

Đêm 2-3-2018, hai tên chở nhau bằng xe máy đến tổ dân phố Ngọc Đại, phường Đại Mỗ gây án. Đức dùng đục và kìm ép cốt thủy lực bẻ gãy song sắt cửa sổ nhà anh Lê Hồng Quân cho Giang chui vào.

Sau khi lấy được con lợn đất ở tầng 2, Giang lên tiếp tầng 3 nhưng phòng ngủ đã bị khóa trong nên hắn đành quay ra, đập lợn lấy tiền. Thấy “chiến lợi phẩm” được ít quá, khi ra đến đầu ngõ, hai tên bàn nhau cậy cửa sổ nhà anh Đàm Mạnh Dũng, bẻ gãy song sắt đột nhập.

Lần này, chúng “vớ bẫm” khi gia chủ để túi xách đựng 84 triệu đồng ngay trên nắp máy giặt ở tầng 1. Giang còn mò lên phòng ngủ ở tầng 2, thấy 4 người đang ngủ nhưng vẫn vào lấy thêm được 2 điện thoại, 1 lắc vàng và 1 đồng hồ rồi mới quay ra.

Năm 2018, tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự của Công an quận đạt 83,9%, trong đó điều tra, khai thác mở rộng các vụ án đột nhập trộm cắp tài sản đạt trên 80%.

Theo Trung tá Đặng Mạnh Cường, sở dĩ tỷ lệ điều tra mở rộng các vụ án trộm cắp tài sản của Công an quận đạt tỷ lệ cao là do làm tốt công tác chỉ đạo định hướng điều tra và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an Hà Nội.

Tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng thường rất ngoan cố, chỉ nhận tội đối với những vụ việc đã rõ hoặc bị bắt quả tang. Do đó nếu chỉ “gói gọn” trong lời khai của đối tượng ở 1-2 vụ gây án thì tỷ lệ điều tra sẽ rất thấp.

Bên cạnh việc đấu tranh với đối tượng và rà soát các vụ án với thủ đoạn tương tự thì Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm đã tập trung rà soát, truy tìm tang vật trong các vụ án đã được đối tượng mang đi tiêu thụ, từ đó điều tra ngược lại những vụ việc trộm cắp tài sản xảy ra.

Thông qua các vụ trộm đột nhập đã khám phá, Trung tá Đặng Mạnh Cường khuyến cáo các hộ dân, đặc biệt ở những khu đô thị mới còn vắng người cần đặc biệt quan tâm tới việc phòng ngừa tội phạm.

Nhiều gia đình còn chủ quan, chỉ quan tâm gia cố cửa chính hoặc ỷ lại vào camera giám sát mà không chú trọng tới những “điểm yếu” của ngôi nhà như cửa sổ, cửa thông gió, cửa ngách...

Với hệ thống cửa sổ, nhiều gia đình làm hệ thống khung hoa sắt rất đẹp về thẩm mỹ nhưng lại không an toàn khi cả khung cửa được bắt vít, kẻ trộm dễ dàng tháo ra được hoặc dùng dụng cụ phá các mối hàn.

Khi đi ngủ, tốt nhất chủ nhà nên chốt trong phòng ngủ để đảm bảo an toàn. Thực tế đã có nhiều vụ việc trộm đột nhập bị phát hiện đã quay lại tấn công, thậm chí sát hại gia chủ.

”Ma nhớt” khỏa thân sờ mó nữ chủ nhà và những vụ trộm kì quặc nhất 2018

Tên trộm ngông cuồng để lại tâm thư cho gia chủ, trộm rồi ngủ quên ở lan can hay trần truồng đi trộm cắp là những vụ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Vũ ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN