Công an cảnh báo đường dây mua bán người sang Campuchia

Nhiều gia đình đã phải bán nhà, đất; cầm cố tài sản chuộc con em về sau khi bị dính chiêu lừa đảo đi làm việc nhẹ, lương cao.

Video: Công an cảnh báo đường dây mua bán người sang Campuchia

Ngày 7-6, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Bình Thuận đã có thông tin về thủ đoạn của các đối tượng mua bán người xuyên quốc gia. Đồng thời, công an đề nghị người dân cần cảnh giác trước những chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo, mời gọi những thanh niên trẻ Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao.

Bán đất, bán nhà chuộc con

Theo PC02, gần đây em NBHN (16 tuổi) ngụ huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có nhu cầu tìm việc làm để phụ giúp gia đình, nên đã vào fanpage “Việc Làm Phan Thiết – Bình Thuận” trên Facebook để tìm việc

Trên trang này, em đọc được thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 23 triệu đồng/tháng của một tài khoản Facebook tên NL.

Một cô gái bị sập bẫy sang Campuchia vừa được giải cứu. Ảnh TH.

Một cô gái bị sập bẫy sang Campuchia vừa được giải cứu. Ảnh TH.

Em N rủ bạn tên D chủ động liên hệ với L và được người này hướng dẫn đi sang cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Tại đây, hai em được một số người tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc trong sòng bạc do người Trung Quốc quản lý.

Sau khi ký kết hợp đồng lao động, các em được hướng dẫn cách thức lừa đảo người khác thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Telagram… hoặc tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trực tuyến.

Mỗi ngày phải làm việc liên tục từ 15 – 16 tiếng/ngày, bị quản lý công ty thường xuyên đánh đập, lúc này em N mới biết bị lừa, nên sau 3 ngày làm việc, N xin nghỉ thì công ty yêu cầu phải trả 90 triệu đồng gọi là tiền chi phí và “bồi thường hợp đồng lao động". Hết cách, em N đã phải liên lạc về gia đình mang tiền sang Campuchia chuộc đưa về Việt Nam.

Trường hợp tương tự là em NQK cũng 16 tuổi, ngụ thị xã La Gi, Bình Thuận tin theo những lời hứa hẹn đưa sang Campuchia làm kế toán với mức lương 17 triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên, sau khi được đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh thì em K bị đưa vào khu sòng bạc do người Trung Quốc làm chủ, bị buộc làm việc 16 giờ/ngày, với công việc lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trực tuyến.

Thấy công việc không phù hợp em K xin nghỉ, trốn về Việt Nam thì bị phía Công ty bắt lại đánh đập và bán em lại cho Công ty kinh doanh sòng bạc khác ở biên giới gần cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang buộc tham gia lừa đảo qua mạng xã hội. Lúc này, em K mới biết mình bị lọt vào đường dây mua bán người nên đã tìm cách bỏ trốn lần nữa nhưng đã bị bắt được và đánh đập.

Ngày 20-5, em K đã phải liên lạc với gia đình cầu cứu gia đình vay mượn số tiền 120 triệu đồng để sang Campuchia chuộc em về Việt Nam.

Các thanh niên Việt bị buộc lừa đảo trên mạng trong giờ ăn trưa dưới quản lý nghiêm ngặt. Ảnh em C cung cấp.

Các thanh niên Việt bị buộc lừa đảo trên mạng trong giờ ăn trưa dưới quản lý nghiêm ngặt. Ảnh em C cung cấp.

Một trường hợp khác là anh TTV (22 tuổi) ở Châu Phú, An Giang cũng sập bẫy và bị lừa sang Shihanoukville, Campuchia từ tháng 3-2022 đến nay.

Chiều 6-6, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, mẹ anh V cho biết, sau khi con trai cầu cứu yêu cầu phải có 130 triệu đồng để chuộc về nhưng gia đình quá nghèo nên sau đó, nhóm người ở Campuchia đồng ý giảm xuống với giá 100 triệu đồng. “Gia đình khó khăn quá nên dù vay mượn cũng không kiếm được số tiền trên đành gạt nước mắt và chỉ biết cầu nguyện con được may mắn, sống sót mà trở về với gia đình”- mẹ anh V nói trong nước mắt.

Những cuộc giải cứu khó khăn

Theo nhóm Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải ở Bình Dương, từ đầu năm đến nay nhóm đã nhờ giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng; Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Cảnh sát Hoàng gia Campuchia giải cứu được 4 trường hợp mà không tốn đồng nào.

Cảnh sát Hoàng gia Campuchia tham gia giải cứu. Ảnh TH.

Cảnh sát Hoàng gia Campuchia tham gia giải cứu. Ảnh TH.

Tuy nhiên để giải cứu được phải mất thời gian rất lâu trong khi phụ huynh thì luôn mong sớm đưa con về.

Các trường hợp này, người nhà phải làm đơn gởi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để nơi này gởi cho Cảnh sát Hoàng gia Campuchia xác minh với điều kiện nạn nhân phải có ảnh, định vị, số phòng, khu vực chính xác nơi ở bởi các đặc khu kinh tế của Trung Quốc tại Campuchia như Shihanoukville ít chịu hợp tác với nhà chức trách sở tại nếu không đưa ra được bằng chứng xác đáng.

Khu vực ở của một nạn nhân chụp lại gởi về gia đình.

Khu vực ở của một nạn nhân chụp lại gởi về gia đình.

Theo anh Nguyễn Thanh Hải, để phối hợp với các gia đình giải cứu con em bị sập bẫy, anh đã phải đi lại như con thoi và hộ chiếu không còn chỗ đóng dấu thị thực.

Nhiều gia đình vì quá xót con nên bán cả nhà cửa, ruộng vườn để tìm cách chuộc con về nhưng số người bị sập bẫy do cả tin việc làm lương cao kẹt ở Campuchia vẫn còn rất nhiều dù một số nạn nhân cố gắng chụp ảnh nơi làm việc, định vị nơi ở gởi về cho gia đình ở Việt Nam cầu cứu.

Một nạn nhân gởi định vị nơi mình ở nhờ giải cứu.

Một nạn nhân gởi định vị nơi mình ở nhờ giải cứu.

Em Đoàn Hồng C (17 tuổi) ngụ Phú Yên may mắn được giải cứu về sau khi người cha viết đơn cầu cứu Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, các bạn trẻ nên hết sức cảnh giác những lời quảng cáo lương cao trên các trang tuyển dụng online. Đừng nên nhắn tin hay trả lời nhiều với các người đại diện tuyển dụng vì như thế sẽ dễ dàng bị dụ dỗ.

C cho biết, khi em bị dụ dỗ đến làm cho một nhóm người Trung Quốc ở thị xã Bavet (Svay Rieng, Campuchia) đúng là mức lương rất cao như lời quảng cáo nhưng chưa ai cầm được bao giờ. Mỗi tháng người lao động Việt chỉ nhận được rất ít còn phần lớn tiền lương họ cho biết sẽ giữ lại hết.

Những nơi các nạn nhân Việt bị lừa đều canh gác rất nghiêm ngặt.

Những nơi các nạn nhân Việt bị lừa đều canh gác rất nghiêm ngặt.

“Nếu ai phản ứng sẽ bị chích điện hoặc bán lại cho công ty khác dù quản lý người Việt luôn hứa nếu làm tốt sẽ giữ lại không bán đi. Cách tốt nhất để không sập bẫy là đừng bao giờ tin vào những tuyển dụng online trên mạng”, em Đoàn Hồng C chia sẻ kinh nghiệm sập bẫy của mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Bắt tạm giam 3 người buôn lậu 56 kg vàng từ Campuchia về Việt Nam

Hôm nay (29/1), Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hoàng Hiếu (32 tuổi), Trần Quốc Tuấn, (38 tuổi) và Trần Kim Ngọc (54 tuổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nam ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN