Con đường sa ngã của thầy giáo xứ Thanh

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Những cám dỗ của cờ bạc, đỏ đen đã biến tôi từ một thầy giáo được học trò tin yêu, được đồng nghiệp yêu mến, tin tưởng trở thành một kẻ tiếp tay cho cái chết trắng.

Tôi đã phải trả giá bằng 16 năm tù giam, nhưng vẫn không nguôi ân hận về những gì tôi đã làm, về bài học đắt giá mà tôi đã phải nhận.

Tôi có một tuổi thơ yên bình bên dòng sông Mã xứ Thanh. Khi còn trẻ, ước mơ trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng trước những ánh nhìn trẻ thơ, tôi đăng ký xin thi vào trường sư phạm.

Ra trường, tôi được phân công công tác về một huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa. Tôi vẫn nhớ ngày tôi lên đường nhận công tác mới, bắt đầu cuộc sống xa nhà, cha mẹ cùng nhau tất bật chuẩn bị từ bộ quần áo đến đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho tôi và bảo ban tôi những điều chân thành, mong tôi thành người có ích cho xã hội, cho quê hương.

Những năm đầu mới đi dạy, tôi được học trò yêu thương, đồng nghiệp quý mến. Năm 1999, tôi lần đầu tiên được cử về tỉnh dự thi giáo viên có giờ dạy tốt. Năm đó, tôi được tặng giấy khen lao động giỏi cấp tỉnh.

Mẹ đã rất tự hào khi thấy con trai mẹ đã có những thành công đầu tiên trong nghề nghiệp. Đó là món quà lớn nhất mà tôi – một đứa con trai có thể tặng cho mẹ. Khi đó, mẹ nói tôi đã thực sự khôn lớn, trưởng thành và mẹ tin tôi nhất định sẽ có một tương lai tươi sáng.

5 năm sống ở vùng cao, nỗi buồn xa quê, xa gia đình cứ ngấm dần vào tôi, nhất là những buồi chiều sương mù giăng đầy trên những đỉnh núi.

Một phần buồn vì cuộc sống xa nhà, một phần vì không mãn nguyện trong chuyện tình cảm, lại không làm chủ được bản thân, tôi bắt đầu lao vào trò đỏ đen thâu đêm giết thời gian.

Lâu dần, thói quen đó trở thành một thứ cám dỗ nguy hiểm, ngấm sâu vào tiềm thức của tôi. Tôi đã lãng quên lời dạy bảo của mẹ, lãng quên cả trách nhiệm của một người làm con, làm anh và làm thầy.

Lao theo thói cờ bạc đỏ đen, đồng lương hàng tháng của tôi không đủ để tôi chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày nữa. Tôi lâm vào nợ nần, uy tín với đồng nghiệp giảm sút. Là người luôn theo sát tôi, nên mẹ biết hết những biến cố, thay đổi của tôi.

Có lần mẹ lật đật lên thăm tôi, khuyên bảo tôi những chuyện phải trái và giải quyết nợ nần cho tôi. Những lúc đó, tôi thương mẹ thật nhiều. Trước mặt mẹ, tôi không nói gì, nhưng trong thâm tâm, tôi thầm cảm ơn mẹ đã tha thứ và cưu mang tôi.

Năm 2005, sau 6 năm công tác ở vùng cao, thực hiện đủ nghĩa vụ, tôi trở về công tác ở vùng xuôi, được sống cùng gia đình. Những năm đầu tiên làm việc ở huyện nhà, tôi được mẹ lo cho từ bữa ăn đến giấc ngủ, tôi mãn nguyện với công việc cao quý của mình:

Nghề đưa những chuyến đò qua sông. Cuộc sống sẽ không còn gì có thể tuyệt vời hơn đối với tôi nếu như tôi không tự đánh mất mình. Tôi vẫn tiếp tục lao theo thói đỏ đen, lô đề. Trong một lần quá đà, tôi đã nợ một khoản tiền rất lớn.

Trong hoàn cảnh bế tắc, không biết làm sao có đủ tiền để trả nợ, thì vào dịp tết năm 2006, trong một lần ngồi chơi bài bạc, tôi có quen với một người bạn. Người này gợi ý cho tôi một công việc làm ăn hái ra tiền: anh ta đề nghị tôi đi xách thuê ma túy với công cao.

Nhận tiền xong, tôi lập tức lên đường quay trở lại huyện vùng cao Mường Lát nơi tôi đã công tác. Tôi đến nhà một người đàn ông tên Ly, thuộc xã Trung Lý, huyện Mường Lát, một đối tượng bán heroin trong vùng và nhanh chóng thực hiện việc mua bán.

Nhưng khi vừa ra khỏi đó chưa lâu, tôi đã bị các cán bộ Đồn Biên phòng 495 bắt giữ và chuyển về trại tạm giam Cầu Cao.

Tôi bị tòa tuyên án 16 năm tù. Ngày ra tòa, tôi nhìn mẹ gục ngã mà nước mắt tuôn trào trong đau khổ. Tôi không khóc nhưng thấy mắt cay xè. Lúc đó, tôi chỉ muốn quỳ trước mặt mẹ, mong mẹ tha thứ.

Những ngày cải tạo tại trại giam Thanh phong, cứ hai ba tháng, mẹ lại vào thăm tôi, lại dành phần tôi đồng tiền, phần quà bằng mồ hôi và nước mắt của mẹ. Mẹ như già đi cả chục tuổi sau khi tôi bị bắt.

Gần 6 năm sống trong vòng lao lý, tôi không dám gửi cho mẹ một lá thư nào, bởi tôi biết viết gì, biết nói gì được nữa. Mọi việc đã lỡ dở cả rồi. Tôi có viết cho mẹ một bức thư mà không dám gửi, nên đành giữ lại coi như kỉ niệm về quãng đời lầm lỗi này.

Duy nhất mỗi lần mẹ vào thăm, nói được với mẹ một câu: “Mẹ ơi, con đã lầm đường rồi, con không làm mẹ tự hào, con đã phụ công mẹ. Nhưng con xin mẹ đừng buồn. Mẹ coi như đã mất con, nhưng mẹ còn hy vọng vào các em con nữa. Chúng sẽ không để mẹ thất vọng như con”.

Nghĩ về cuộc đời mình, về những sai lầm đã phạm phải, tôi coi như gương đã vỡ, ván đã đóng thuyền, số phận xem như đã an bài. Tôi đã làm tan nát cõi lòng của mẹ. Vì tôi mà giờ mẹ phải đón nhận nụ cười mỉa mai của người đời.

Giờ đây tôi phải làm gì để chuộc lỗi với mẹ? Tôi đã tự hỏi mình câu hỏi đó từ hôm qua đến hôm nay và có lẽ sẽ còn rất lâu sau này nữa. Nghĩ theo hướng tích cực, tôi cũng là người hiểu biết, nhưng vì ham chơi, hám lợi, tôi đã đẩy mình vào ngõ cụt.

Tôi biết mình mang đầy tội lỗi, bát nước đổ đi rồi không lấy đầy lại được nữa. Tôi chỉ hy vọng nhận được sự tha thứ của gia đình và xã hội. Kể từ khi về cải tạo tại trại giam Thanh Phong, tôi luôn cố gắng phấn đấu, không ngừng chấp hành tốt nội quy của trại.

Mặc dù đến hôm nay, tôi chưa được ghi tên mình vào đợt giảm án, nhưng sự phấn đấu không ngừng ấy đã cho tôi liên tiếp 10 kỳ được xếp loại cải tạo khá.

Tuy không nói nhưng mỗi lần mẹ lên thăm, biết được con trai của mẹ nhìn thấy được lỗi lầm và đang tích cực sửa chữa lỗi lầm đó, ánh mắt mẹ lấp lánh niềm vui.

Tôi nhìn vào ánh mắt ấy và tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, hòa nhập với xã hội và làm vơi đi nỗi khổ tâm của mẹ. Đấy là điều duy nhất mà tôi đã và đang phấn đấu trong những năm tháng đã qua và những năm tháng sắp tới.

Từ trong lao lý, tôi đã chứng kiến nhiều đồng phạm có nhiều hoàn cảnh đặc biệt, tôi danh cao. Trong số họ có những người phạm tội vì một phút sai lầm nông nổi, có những người là cả một quá trình dài trượt dốc.

Có những người phạm tội do hoàn cảnh đưa đẩy chứ thật sự bản chất của họ đều là người tốt. Tôi nhìn họ và hiểu hơn về cuộc đời, hiểu hơn về bản chất cuộc sống và bản chất của những lỗi lầm mà con người ta có thể phạm phải. Nếu không luôn tự ý thức nhắc nhở mình, người ta có thể phạm phải sai lầm bất cứ lúc nào.

Nhớ lại những ngày đầu vào trại giam còn bỡ ngỡ, được các quản giáo như thầy Hoa, thầy Ổn dạy cho lẽ phải, dạy cho cách sống, cách cư xử, điều hơn, lẽ thiệt, tôi dần trưởng thành lên.

Từ những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu trong công việc và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tôi đã tự nhìn thấy sự tiến bộ của mình. Nếu trước đây tôi được mẹ lo lắng, chăm sóc cho từng li từng tí thì bây giờ tôi tự biết phải làm gì để trưởng thành hơn mỗi ngày.

Những phạm nhân khác, họ cũng như tôi, đều được các cán bộ trại giam cảm hóa, giáo dục để mai này khi được tự do, họ là con, là trụ cột trong gia đình, góp phần nhỏ xây dựng quê hương.

Những năm tháng là phạm nhân của tôi còn lại rất nhiều. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, tôi đã một lần sai lầm và quyết không mắc sai lầm thêm nữa. Tôi đã và đang cố gắng hết sức để không làm mẹ và thầy buồn lòng vì mình.

Nếu có một điều ước quay ngược lại quá khứ, tôi ước mình sẽ không bao giờ dính vào cái chất bột trắng chết người ấy. 16 năm quả thực là một bài học đắt giá, một sự trừng phạt khủng khiếp nhưng xứng đáng dành cho tôi.

Việc tôi làm, tôi phải chịu. Nhưng tôi không chỉ làm sự nghiệp dang dở mà còn làm mẹ già và những người thân muộn phiền, âu lo.

Tôi mong ngày trở về, nếu xã hội vẫn mở rộng vòng tay đón nhận, tôi sẽ tình nguyện cầm phấn đứng trên bục giảng trong trại trẻ mồ côi, tìm lại nụ cười cho mẹ, trả lại một phần công cho các thầy và chuộc lại một phần lỗi lầm mà thời tuổi trẻ tôi đã gây ra.

Phạm nhân Lê Ngọc Tài (Trại giam Thanh Phong)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PV ghi ([Tên nguồn])
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN