Chôn nhan sắc và tuổi xuân ở trại giam

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Trời phú cho gương mặt ưa nhìn, làn da trắng trẻo, vóc dáng mảnh mai và giọng nói nhỏ nhẹ ngọt như mía lùi, nhưng Phan Thị Thảo Nhi lãng phí món quà của tạo hoá ban tặng, giam cầm tuổi xuân tươi đẹp nhất ở phía sau song sắt.

Bóng hồng phía sau vụ án từng gây xôn xao phố Núi

Khi biết có người lạ mặt tới tìm gặp, Phan Thị Thảo Nhi tỏ ra dè dặt, lúng túng và không muốn gợi nhớ về sai lầm phạm phải. “Quá khứ buồn đã qua rồi và em không muốn nhắc lại nữa chị ạ. Đó là một cú vấp ngã, một bài học nhớ đời đủ đau nhức để em khắc cốt ghi tâm. Giờ chỉ mong thời gian trôi thật nhanh, sớm mãn hạn tù để em có thể trở về làm lại cuộc đời và theo đuổi giấc mơ dang dở chưa kịp thực hiện”.

Ban đầu, Nhi khoác trên người một chiếc áo già dặn, trải đời, đề phòng người đối diện, nhưng có vẻ sự thân tình, cởi mở của tôi đã giúp Nhi thoải mái hơn. Cô bắt đầu giãi bày, chia sẻ về những năm tháng tuổi ấu thơ cũng như bi kịch dẫn tới án tù 6 năm cho tội danh giết người…

Đó là một buổi chiều muộn ngày 4/4 của 3 năm về trước, khi đang vi vu dạo phố cùng chị bạn tên Thảo Uyên thì Nhi nhận được cuộc điện thoại của đám bạn nhậu. Hai cô gái trẻ hăm hở tới quán thịt chó của ông Nguyễn Văn Hào trên đường Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku hội tụ cùng tụi bạn mà Nhi vẫn thường gọi là các "chiến hữu".

Trong cuộc nhậu la đà, Nhi kể cho Hường nghe việc Nhi bị một nhóm thanh niên hẹn gặp vào tối cùng ngày và rủ Hường đi cùng. Hường đem chuyện vặt vãnh này nói với Khoa và Nguyên thì hai cậu bạn cho rằng đó là Nguyễn Thế Thuận (tức Cu Lùn) – nên phải tìm Thuận để dằn mặt. Ý kiến của Nguyên đưa ra được cả hội đồng ý. Khoa chở Nhi đi mua 4 con dao Thái Lan tại tiệm tạp hoá trên đường Đinh Tiên Hoàng, P. Diên Hồng, TP. Pleiku. Sau khi mua xong dao, Khoa tiếp tục trở Nhi quay trở lại quán thịt chó của ông Hào.

Sau khi uống khoảng 2 lít rượu trắng, thanh toán tiền nhậu xong xuôi, cả đám nam thanh niên hẹn tập trung tại quán cà phê En Boy số 112 Lê Lợi, P. Hoa Lư, TP.Pleiku “chỉnh đốn” lực lượng và xe cộ, chuẩn bị cho cuộc truy tìm nhóm địch thủ do Thuận cầm đầu. Tại đây, Khoa phát dao cho đồng bọn, sau đó cả bọn lên xe Honda lao đi trong đêm tối, nhằm hướng Ngô Gia Khảm, P. Phù Đổng tìm dấu vết hội của Thuận.

Trên đường đi, đến ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Viết Xuân, Nhi điều khiển xe tách nhóm rẽ phải vào công viên Nguyễn Viết Xuân để tìm người hẹn Nhi nhưng không thấy. Lúc này, Hường giành điều khiển xe chở Nhi và Uyên chạy vào đường Ngô Gia Khảm hướng phường Trà Bá. Khi chạy đến ngã 3 đường Ngô Gia Khảm-Trường Chinh thì gặp 3 xe của nhóm Nguyên nên Hường đi theo.

Khoảng 20h, khi cả bọn đến trước số nhà 35 đường Ngô Gia Khảm, phường Phù Đổng thì thấy một nhóm nam, nữ thanh niên đang ngồi chơi bên đường. Nguyên nói Hải tấp xe vào, sau đó xuống xe cầm dao đi lại gần nhóm thanh niên này và hỏi Nguyễn Đức Long (SN 1989, trú tại thôn 1, xã Diên Phú, TP. Pleiku, là sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, phân hiệu tại Gia Lai): "Mày tên gì?". Anh Long không trả lời mà lấy xe máy định chạy đi. Thấy vậy, Nguyên rút chìa khoá xe Long ra, Hậu cầm dao đi tới đâm một nhát trúng vào bả vai của Long. Anh Long bỏ chạy về phía cuối đường Ngô Gia Khảm thì bị Nguyên, Lâm, Hậu, Khoa cầm dao đuổi theo.

Anh Long chạy được khoảng 10m thì bị Lâm đuổi kịp và dùng dao đâm 2 nhát vào phía ngoài chân trái trên đầu gối của Long, làm Long ngã xuống đường. Lúc này, Nguyên cũng vừa chạy tới, dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực Long. Chưa dừng lại ở đó, tên côn đồ này còn đâm tiếp một nhát mạnh vào lưng Long. Sau đó, Lâm còn nhặt cục đá ném vào đầu Long khiến Long ngã gục và chết tại chỗ.

Hành động côn đồ của nhóm Nhi nhanh chóng bị cơ quan Công an phát giác và truy tố hình sự. Tại phiên toà phúc thẩm, TAND tỉnh Gia Lai kết tội giết người và tội không tố giác tội phạm cho những kẻ côn đồ hung hãn. Trong đó Phan Thị Thảo Nhi bị tuyên phạt mức án 6 năm tù giam với tội danh giết người.

Cô gái ngông cuồng và ước mơ nhen nhóm những ngày trong trại giam

Khi phiên toà kết thúc, những kẻ có tội phải nhận bản án đích đáng mà pháp luật trừng trị, tuy nhiên dư âm đau xót của phiên toà vẫn khiến những người dự khán buồn bã, đặc biệt là cú sốc của những người làm cha, làm mẹ như ba má của Thảo Nhi. Họ quá tin tưởng vào con gái và không ngờ chỉ một phút lơ đễnh, con gái họ đã gây nên tội lớn. Những kẻ gây án tại thời điểm đó đều quá trẻ, chúng còn cả một tương lai rộng mở, tươi sáng ở phía trước vẫy gọi. Bước vào sau cánh cửa trại giam, giá trị của nhan sắc trở nên vô nghĩa và tương lai hứa hẹn phía trước tạm thời bị trì hoãn với vô vàn cơ hội, dự định bị ngưng trệ.

Nhi là con gái cả trong nhà. Được ba mẹ cưng chiều, yêu thương hết mực. Tất cả đòi hỏi của Nhi đều được ba mẹ đáp ứng vô điều kiện. Thay bằng việc chăm ngoan, cố gắng học giỏi, Nhi ham chơi, thích tụ tập đàn đúm bạn bè. Nhắc tới những chốn ăn chơi của phố Núi, Nhi kể vanh vách không trật địa chỉ nào, nhưng nhắc tới con đường học hành, cô ậm ừ, luống cuống trong cuống họng, thốt không nên câu. Lần thi tuyển vào trung học, đi thi làm bài không tốt Nhi không dám về nhà báo cáo tình hình kết quả với ba mẹ. Cô dạt tới nhà bạn tá túc tạm thời. Sau cả ngày đỏ mắt ngược xuôi đợi, tìm kiếm con gái, ba má Nhi dò được địa chỉ nhà bạn và nửa đêm tới đón cô con gái bướng bỉnh về nhà.

Vào học lớp 10, Nhi thường xuyên bỏ học, tụ tập cùng chúng bạn la cà quán xá. Nhi thích ăn vận đẹp, thích chải chuốt, son phấn điệu đà. Chuyện học tập, bút nghiên, sách vở Nhi theo đuổi cũng chỉ để ba mẹ yên tâm. Rời nhà đến trường đều đặn như vắt chanh hòng che mắt ba mẹ, nhưng nửa đường dạt vào quán chơi điện tử đến mức chủ quán điện tử còn quen mặt Nhi hơn cả thầy cô giáo. Chuyện cắt cúp, bỏ tiết học của Nhi nhanh chóng bị nhà trường phát hiện và báo về cho gia đình. Lần đầu tiên Nhi bị ba đánh là vì đó.

Nhi kể, đôi lúc cô cảm thấy mệt mỏi vì bị ba má quản thúc chặt chẽ quá. Trước lúc đi chơi luôn phải “báo cáo” rõ đi chơi với ai, hẹn mấy giờ về như thể Nhi còn bé bỏng lắm. Sự quan tâm đúng mức của ba mẹ trở thành sức nặng đối với cô con gái không hiểu lý lẽ của yêu thương. Vì thế, Nhi có nhiều mánh khoé để qua mặt được sự quản lý chặt chẽ của ba mẹ.

Khi tham gia vụ án gây xôn xao phố Núi, Nhi đang là cô nữ sinh trung học. Nhi được hoãn thi hành án để tiếp tục hoàn thành cấp phổ thông và lấy bằng tốt nghiệp. Cuối năm 2011, Nhi nhận được giấy thông báo đi trả án. Khi nhận quyết định đó, Nhi bần thần nghĩ tới cuộc sống không có ba mẹ, bạn bè ở bên cạnh. Dẫu đã chuẩn bị tâm lý từ hai năm trước, nhưng khi sự thật diễn ra, Nhi không giấu được nỗi buồn và sự sợ hãi.

Nhi vốn là công chúa nhỏ của gia đình, không phải làm bất cứ việc gì, quen được ba mẹ cung phụng, nâng niu, nên môi trường trại giam là bước tập dượt tự lập đầu tiên trong đời cô. Nghĩ được như thế, nên Nhi không còn cảm thấy nặng nề, lo lắng. Cô tự nhận mình đã trưởng thành hơn rất nhiều kể từ ngày đi cải tạo. Cô biết trân trọng tình yêu thương ba mẹ dành cho, biết giá trị của lao động và những giọt mồ hôi. Nhi được phân công làm việc tại trung tâm A Jun (thuộc trại giam Gia Trung – Gia Lai), cô dồn tâm trí và sự cố gắng vào những đường kim mũi chỉ, vừa rèn luyện sự khéo léo, tỉ mỉ cần thiết của người phụ nữ, vừa dạy những người lầm lạc như Nhi đức tính cẩn thận, chuyên cần.

Nhi hồn nhiên chia sẻ: “Sau khi gây nên án mạng, ngoài sự hối hận, dằn vặt, trong em còn nhen nhóm ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người. Em muốn trở thành bác sĩ có thể xoa dịu phần nào nỗi ám ảnh về sai lầm cũ”. Tạm biệt Nhi, tôi cầu chúc cho mong ước của Nhi trở thành hiện thực, bởi cô còn rất trẻ và còn cả một quãng đời dài rộng ở phía trước đang chào đón trong ngày trở về.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Du Mục (Công An Nhân Dân)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN