Chích điện cướp tiền, một hay hai tội?

Một quan điểm cho rằng bị cáo chỉ phạm tội cướp, ý kiến khác bảo tội giết người, người khác lại cho rằng phạm cả hai tội.

Mới đây, TAND TP.HCM hoãn phiên xử phúc thẩm vụ Hồ Tứ Ân bị truy tố tội cướp tài sản. Vụ án gây tranh cãi về tội danh của bị cáo bởi hành vi chích điện là nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người khác nên phải bị truy cứu thêm tội giết người...

Ra tay với bảo vệ

Ân khai: “Bị cáo thường xuyên bán hàng phế liệu cho Công ty Hiệp Hưng (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh). Trong quá trình giao hàng, có lúc bị cáo nhận tiền trực tiếp từ giám đốc công ty, có lúc nhận từ bảo vệ là ông Trịnh Thành. Chiều 13-6-2012, trong lúc ngồi nhậu, bị cáo nảy ý định cướp tiền từ ông Thành nên gọi điện thoại báo cho giám đốc công ty biết đã chuẩn bị đủ hàng trị giá 40 triệu đồng, ngày mai sẽ giao. Tiếp đó, bị cáo đề nghị giám đốc gửi tiền trước chỗ bảo vệ để lúc giao hàng rồi lấy tiền luôn. Phía này đồng ý và giao tiền cho ông Thành giữ để đưa lại cho bị cáo”.

Theo hồ sơ, rạng sáng hôm sau, Ân bí mật trèo vào công ty, lẻn vào phòng bảo vệ cắm đoạn dây điện đã chuẩn bị sẵn vào ổ điện rồi kéo ra ngoài. Sau đó, Ân đứng trước cửa công ty gọi ông Thành. Người này vừa mở cửa thì bị Ân chích điện vào mặt. Ông Thành giằng co bỏ chạy nhưng Ân vẫn không buông tha, tiếp tục đuổi chích điện vào nạn nhân. Do dây điện bị đứt và ông Thành tri hô nên Ân hoảng sợ bỏ trốn khỏi hiện trường...

Chích điện cướp tiền, một hay hai tội? - 1

Bị cáo Hồ Tứ Ân đang chờ tòa hội ý. Ảnh: HOÀNG YẾN

Với hành vi trên, Ân bị khởi tố, truy tố về tội cướp tài sản. Xử sơ thẩm cuối năm 2012, TAND huyện Bình Chánh nhận định bị cáo dùng thủ đoạn nguy hiểm để khống chế người bị hại cướp tiền, thể hiện ý thức phạm tội cao. VKS truy tố bị cáo về tội cướp tài sản là chính xác. Tòa tuyên phạt bị cáo chín năm tù.

Tội gì mới đúng?

Tại phiên xử phúc thẩm vừa qua, công tố viên đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm án của bị cáo vì không có căn cứ.

Sau khi nghị án, tòa lại trở lại phần thẩm vấn và hỏi xoáy vào vấn đề bị cáo có biết chích điện có khả năng làm chết người không. Sau đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, không tuyên án như dự kiến.

Một thành viên của HĐXX cho biết vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội giết người. Bởi bị cáo đã sử dụng thủ đoạn nguy hiểm, chích điện vào người khác tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả chết người, nạn nhân thoát chết là ngoài ý muốn của bị cáo.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) cho biết: “Trong trường hợp này tội cướp đã hoàn thành. Ngoài ra bị cáo còn phải bị xử lý thêm tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên, để không đi ngược lại với nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo, cấp phúc thẩm có thể y án sơ thẩm sau đó kiến nghị cấp giám đốc hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm, điều tra, xét xử lại. HĐXX cũng có thể đề nghị khởi tố tại tòa thêm vụ án giết người…”.

Tội giết người để thực hiện tội phạm khác

Hành vi của bị cáo Ân dùng điện chích người bị hại cùng một lúc đã xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác và xâm phạm sở hữu tài sản của người khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong vụ án này chỉ truy cứu bị cáo tội giết người với tình tiết định khung tăng nặng là giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác (khoản 1 Điều 93 BLHS). Để giải quyết triệt để vụ án, không làm xấu tình trạng bị cáo, cấp phúc thẩm nên kiến nghị giám đốc thẩm hủy án để điều tra xét xử lại từ đầu theo thủ tục chung như quan điểm của phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre.

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM
(Viện Phúc thẩm III, VKSND Tối cao)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Yến (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN