Bố bị giết khi lén thăm con: Nỗi đau còn mãi

Trong cuộc chiến giành con, ly gián tình cha con, tình mẫu tử, những người cha, người mẹ quên rằng người thiệt thòi nhất, đau đớn nhất chính là những đứa con mà họ cùng yêu thương.

Mấy tháng gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng đau đớn trước những người cha bị vợ hoặc nhà vợ giết chết khi đến thăm con, chơi với con. Câu chuyện những người đàn ông sau li dị bị vợ cấm cửa, tuyệt giao với chính những đứa con mình yêu thương vẫn diễn ra từ lâu, âm thầm và phổ biến, nhưng kết cục khủng khiếp như vậy thì không ai có thể lường trước được. Trong cuộc chiến giành con, ly gián tình cha con, tình mẫu tử, những người cha, người mẹ quên rằng người thiệt thòi nhất, đau đớn nhất chính là những đứa con mà họ cùng yêu thương.

Bố bị giết khi lén thăm con: Nỗi đau còn mãi - 1

Anh Trần Trung Hiếu lén đến thăm con trong bóng tối

Ngày 24-4-2012, anh Trần Văn Quang (SN 1986, ngụ phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) đến phòng trọ của vợ là Nguyễn Thị Thi (SN 1986, tạm trú phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài) để thăm con. Cuộc cãi vã, bùng nổ trong khi anh Quang đang chơi đùa với con trai. Khi người chồng giận dữ quay lưng bỏ đi, người vợ lấy dao đâm nhiều nhát vào lưng khiến chồng cũ gục ngay tại chỗ. Bà con hàng xóm và chủ nhà trọ ngỡ ngàng không thể tin nổi người mẹ hiền lành, "bình thường không dám cắt tiết gà" lại là người giết chết cha của con mình.

Vợ chồng Quang và Thi ly thân nhau từ cuối 2011 do những mâu thuẫn bất đồng ngày càng nặng nề không thể cứu vãn. Sau khi vợ bỏ đi cùng đứa con nhỏ bụ bẫm, đáng yêu, Quang hết sức buồn bã và nhớ con. Không ai ngờ kết cục của cuộc viếng thăm yêu thương, tình cảm lại là sự ly biệt đau đớn, trong sự ngây thơ của đứa con chưa nhận biết sự đời và người vợ hoảng loạn trước tội ác mình gây ra trong lúc giận dữ bùng phát không kiềm chế được.

Cách đó không lâu, ngày 4/1/2012, anh Trần Trung Hiếu (27 tuổi, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cũng bị Trần Minh Việt - em trai vợ cũ đâm chết khi đến thăm con. Anh Hiếu và chị T.N.M.N đã ly thân vào cuối năm 2011, sau 4 năm chung sống. Con trai 18 tháng tuổi được ở với mẹ. Sau khi ly thân, gia đình vợ cũ ngăn cấm không cho anh đến thăm con mình. Trước khi bị sát hại, người cha với nỗi đau xa con đã tự thiết kế đoạn clip ghi lại nhật ký của mình trong những ngày phải lén lút thăm con ở nhà vợ cũ. Clip đã lan nhanh khắp cộng đồng mạng và dấy lên sự cảm thông với tình cha con và sự phẫn nộ với sự cấm cản tình cha con của vợ anh và gia đình. Đoạn clip ngắn chỉ kéo dài 3 phút chứa đựng tình yêu thương lớn lao và niềm hạnh phúc tuyệt vời của một người cha với đứa con nhỏ: "Khi Mẹ sinh Con ra, Ba mới hiểu được rằng: “Trở thành bố là điều tuyệt vời nhất. Con là điều kỳ diệu nhất mà ông Trời và cuộc đời đã ban cho ba... Chỉ cần thấy con cười là cha quên hết nhọc nhằn. Nhưng quyền được gặp cha của con phải nhường chỗ cho sự ích kỷ, háo thắng của người lớn".

Nhìn những hình ảnh trên clip, nhiều người không cầm được nước mắt. Đó là cảnh người cha đến thăm con trong đêm tối, con ở trong song sắt, cha ở ngoài song sắt, con nắm tay cha, chạm vào mặt cha. Những người hàng xóm nhà vợ cũ anh Hiếu cũng xác nhận việc anh Hiếu không được vợ mở cửa cho vào thăm con dù anh chờ rất lâu ngoài chiếc ghế đá, trong đêm tối và mùi hôi thối do nước triều cường dâng lên ngập chân. Dù nhiều lần đến thăm con bị ngăn cản, cãi cọ, sỉ nhục nhưng anh vẫn nhẫn nhịn, đến thăm con đều đặn.

Cảm động với tình cha con của anh Hiếu, cư dân mạng dấy lên làn sóng phẫn nộ trước cái chết đau đớn của anh. Hội Đòi lại công lý cho người cha đến thăm con bị đâm chết được thành lập trên một mạng xã hội, thu hút hàng nghìn người tham gia. Tối 5/1, sau khi anh Hiếu mất, trang YouTube đã đăng tải clip Tình cha con, bố bị đánh và đâm chết vì thăm con trai. Bên dưới đoạn clip có phần ghi chú "khi bạn xem clip này thì người cha đã ra đi vì sự ác độc của gia đình bên vợ! Gửi đến con bố Hiếu: Mong rằng có một ngày con sẽ xem được clip này để biết rằng bố con đã yêu thương con đến thế nào. Con hãy sống cho nên người, biết phải trái, đúng sai, để cho người cha đã khuất của con được mỉm cười nơi chín suối con nhé!"

Hiện tại, thủ phạm giết người Trần Minh Việt đang bị tạm giam phục vụ công tác điều tra và vụ án sẽ được xét xử trong tháng 5/2012. Thượng tá Trương Văn Hòa, Phó phòng Cảnh sát Điều tra về Trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM cho rằng không đơn giản chỉ vì đến thăm con mà anh Hiếu bị đâm chết. Theo Thượng Tá Hoà, chưa thể khẳng định nguyên nhân sâu xa cũng như nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ án mạng nếu chỉ dựa vào những thông tin trên các trang mạng. Theo lời khai ban đầu từ hung thủ và gia đình, nguyên nhân chắc chắn là vấn đề mâu thuẫn sâu sắc giữa anh Hiếu với vợ cũ và gia đình vợ.

Luật Hôn nhân và gia đình quy định về Quyền thăm nom con sau khi ly hôn như sau: Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Theo đó, trách nhiệm của người đang trực tiếp nuôi con là phải tạo điều kiện cho người kia được tới lui, thăm hỏi, chăm sóc và giáo dục con. Nếu như người trực tiếp nuôi con gây khó khăn, ngăn cấm, cản trở người kia trong việc thăm con thì đây là hành vi bạo lực gia đình, sẽ bị phạt theo qui định pháp luật.

Con trẻ gánh chịu nỗi đau vì sự ích kỷ của người lớn

Trong khi những nguyên nhân ẩn tàng của các vụ án đang được làm sáng tỏ, thì nỗi đau khủng khiếp đã đè nặng lên vai những đứa con bé bỏng và sẽ theo các em suốt cả cuộc đời. Đứa con chưa đầy 2 tuổi đầu ngây thơ, bé bỏng của anh Hiếu đã vĩnh viễn mất đi người cha hết mực thương yêu em. Sẽ chẳng bao giờ còn cảnh cha con chạy xe đồ chơi, cười đùa, bàn tay to nắm bàn tay nhỏ... tình cảm, ấm áp như trong clip tình cha con mà anh ghi lại. Dù nguyên nhân dẫn đến các vụ sát hại là gì thì con trẻ vẫn là người thiệt thòi nhất, đau đớn nhất chỉ vì sự ích kỷ, những mâu thuẫn, bất đồng của người lớn.

Bố bị giết khi lén thăm con: Nỗi đau còn mãi - 2

Những hình ảnh đau đớn

Hai câu chuyện đau lòng đều bắt nguồn từ những vấn đề, mâu thuẫn chưa được giải quyết, những nỗi giận dữ căm thù còn lại sau ly hôn giữa hai vợ chồng. Với những cặp vợ chồng đã có con chung, ly hôn không phải là sự kết thúc hoàn toàn mối quan hệ. Trẻ em cần phải có cả bố lẫn mẹ để có thể phát triển một cách lành mạnh, dù bố mẹ không còn yêu nhau và ở bên nhau nữa. Bởi vậy, khi đã quyết định ly hôn, các cặp vợ chồng cần vượt qua cảm giác bị tổn thương, giận dữ, xây dựng được mối quan hệ lành mạnh với người kia vì lợi ích chung của con mình. Nếu sự tức giận, căm phẫn vẫn xâm lấn người vợ hoặc người chồng thì chắc chắn người chịu thiệt thòi nhiều nhất là đứa con, khi bị lôi kéo, tranh giành trong cuộc chiến của bố mẹ. Kết cục còn bi thảm hơn khi cơn giận chất chứa đến mức mù quáng khiến người phụ nữ hiền lành như chị Nguyễn Thị Thi giết chết chính cha của con mình.

Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được phép cản trở. Tuy vậy, những trường hợp người cha, người mẹ bị cấm cửa, gây trở ngại cho việc thăm nuôi con vẫn diễn ra phổ biến. Vì chạy theo sự đau đớn, tức giận, hờn trách, nhiều người vợ, người chồng nói xấu, xa lánh người cũ, ngăn cản mối quan hệ của con với người cũ. Vì cảm xúc cá nhân, sự ích kỷ, vì sự giận dữ che mờ mắt, họ đã tước đi của con mình quyền được yêu thương, chăm sóc bởi chính cha/ mẹ đẻ của mình. Đó là một thiệt thòi không thể bù đắp nổi, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm lý, tương lai và hạnh phúc của con. Nhiều người cha/ mẹ nghĩ rằng họ đã chiến thắng trong việc kéo được con về phe mình, con cái yêu quý và trung thành với mình hơn người cũ. Họ không lường trước được tương lai, khi con lớn lên sẽ quay lại oán trách cha/mẹ, sẽ nhận ra cha/mẹ làm như vậy chỉ vì sĩ diện, ích kỷ của bản thân.

Theo các chuyên gia tâm lý, sau ly hôn, những người làm cha, làm mẹ cần phải xây dựng mối quan hệ, mối liên minh tích cực với bạn đời cũ nhằm hạn chế nỗi đau cho con, cùng nhau hành động vì lợi ích của con. Để làm được điều đó, cha/ mẹ cần tránh nói xấu, chửi bới người kia, tạo điều kiện cho việc thăm nom thay vì ngăn cản, cấm đoán. Mặc dù người kia đã làm những điều xấu, gây tổn thương nặng nề, cha/ mẹ cũng không nên vì thế ma lôi kéo con về phía mình, hoặc trút cảm giác tổn thương, tức giận lên con trẻ. Hai bên cần thỏa thuận và thương lượng với nhau về thời gian thăm con ngày thường, ngày lễ và các dịp khác trong năm, đồng thời trao đổi với ông bà nội ngoại hai bên để có sự thống nhất. Việc cha mẹ cùng nhau bàn bạc trao đổi, gạt bỏ cái tôi của bản thân và nỗi đau trong quá khứ để tập trung vào đáp ứng nhu cầu của con, vì hạnh phúc của con sẽ làm giảm thiểu nỗi đau cha mẹ ly dị và nhiều hậu quả đáng tiếc khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đời sống gia đình
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN