Bi kịch của nữ phạm nhân nhiễm HIV từ chồng

Sự kiện: Tin pháp luật

"Chồng tôi vẫn đang bị biệt giam chưa đi trả án, năm ngoái con trai lại bị bắt về tội cướp", Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1972, ở Chi Ly, thành phố Bắc Giang) tâm sự. Ngà là người đàn bà đẹp nổi danh một thời, hiện đang cải tạo ở trại giam Ngọc Lý. Chị ta bị căn bệnh thế kỷ giai đoạn cuối tàn phá, mỗi bước đi là đau buốt trong xương thịt, nhưng gương mặt vẫn giữ được những nét đẹp gọn gàng, tươi tắn.

Số phận như giễu cợt người đàn bà có nước da trắng sứ khi Ngà quyết định rũ bỏ người chồng đầu tù tội, làm vợ một trai tân Hà thành để rồi khi vướng vòng lao lý, mới biết mình lây nhiễm HIV từ người chồng thứ hai.

Hai lần lấy nhầm chồng

Nếu như không được trung tá Trần Thị Vĩnh Thủy, phụ trách khu bệnh xá Trại giam Ngọc Lý "bật mí", tôi sẽ không thể biết rằng nữ phạm nhân đứng trước mặt chúng tôi chính là Nguyễn Thị Ngà, người đàn bà đẹp nổi danh một thời nhưng số phận thì đa đoan hiếm thấy.

"Tôi bị nhiễm HIV giai đoạn cuối nên ngày nào cũng phải uống thuốc ARV (thuốc kháng vi rút dành cho người nhiễm HIV). Đợt này hạch mọc đầy người, không ăn không ngủ được nên tôi phải nằm bệnh xá, tối mới về buồng giam", Ngà mở lời một cách tự nhiên, không giấu giếm.

Phạm nhân Nguyễn Thị Ngà.

Phạm nhân Nguyễn Thị Ngà.

Dường như đến lúc sự sống được đếm bằng ngày thì những sân si, thù hận trên đời chẳng còn gì ý nghĩa nữa, Ngà tỏ ra nhẹ nhàng, cởi mở hơn. Thậm chí khi nhắc đến đứa con trai duy nhất vừa mới bị bắt, giọng nói của Ngà cũng không hề thay đổi.

"Thằng Huy con tôi nghe đâu mới bị bắt vì tội cướp giật, đi trại 6 cải tạo thì phải", Ngà kể. Chỉ khi nhắc đến chồng, người đàn ông đang khoác áo tử tù, người đàn bà này mới tỏ ra ngập ngừng. Chị ta thì thầm: "Nghe nói anh ấy giờ gầy lắm vì căn bệnh HIV hành hạ. 14 năm sống trong buồng biệt giam mà vẫn chưa thi hành án, chắc anh ấy cũng nản lắm rồi".

Rồi Ngà ngước ánh mắt khắc khoải nhìn ra phía ngoài sân, nơi có những vuông cỏ được cắt tỉa gọn gàng, trở nên tươi mới hơn vì những chậu hoa trạng nguyên đỏ thắm.…Nhắc đến chồng con, người đàn bà này cũng thể hiện nỗi đau theo những cung bậc khác nhau.

Theo lời kể của nữ phạm nhân này thì chị ta là con út trong một gia đình có tới 8 anh chị em. Nhớ lại ngày đó, Ngà bảo 14 tuổi đã không thể tập trung học hành được vì suốt ngày… bị đám con trai tán tỉnh, quấy phá. Họ tới nhà không được thì đón đường cô đi học rồi chờ ở cổng trường, thậm chí những phút giải lao giữa giờ học Ngà cũng không có bởi chỉ cần giáo viên ra khỏi lớp là những gương mặt khác giới ái mộ cô đã xuất hiện ở cửa lớp, cửa sổ.

Giữa năm lớp 8, Ngà bỏ học, ở nhà được 2 năm thì lấy chồng. Với Ngà, cuộc hôn nhân này không cho cô nhiều dấu ấn kỷ niệm bởi khi làm mẹ của hai đứa con nhỏ thì chồng đi tù. Cùng thời điểm ấy, chị gái Ngà cũng bị bắt vì liên quan đến ma túy.

Hỏi Ngà gặp người chồng bây giờ trong hoàn cảnh nào, Ngà khẽ trầm ngâm: "Tôi lấy chồng trong tâm thế chạy trốn một cuộc tình ngang trái. Chúng tôi có tình cảm với nhau nhưng không thể đến với nhau được. Không phải vì cùng huyết thống mà vì nó trái với luân thường đạo lý".

Câu nói của Ngà khiến tôi chợt nhớ tới buổi trò chuyện với phạm nhân Đỗ Thị Liên, cô bạn học và cũng là đồng phạm của vợ chồng Ngà trong đường dây ma túy. Liên có kể rằng Ngà có tình cảm với anh rể và cả hai đã phải tìm cách chạy trốn khỏi nhau. Người chồng thứ hai của Ngà khi đó là một thanh niên Hà thành, lên Bắc Giang mở xưởng sản xuất bánh kẹo.

Người đàn ông ấy đã mê mẩn trước nhan sắc mặn mòi của người đàn bà hai con nên quyết theo đuổi bằng được. Còn Ngà khi đó không chỉ đang chật vật kiếm tiền nuôi con mà tâm hồn đang khắc khoải bởi những phân vân, day dứt. Thế nên cô không nghĩ nhiều lắm khi nhận lời Vinh (tức tử tù Nguyễn Văn Vinh- PV). Cô đâu biết cái xưởng bánh kẹo mà Vinh mở ra ấy thực chất chỉ là bình phong để anh ta buôn bán ma túy.

Y sĩ Trần Thị Vĩnh Thủy cấp phát thuốc cho phạm nhân Nguyễn Thị Ngà.

Y sĩ Trần Thị Vĩnh Thủy cấp phát thuốc cho phạm nhân Nguyễn Thị Ngà.

Và nguy hiểm hơn, cái vẻ phong lưu, bất cần đầy chất trai phố bề ngoài của Vinh đã khiến Ngà choáng ngợp mà đâu biết rằng, thực chất anh ta là một kẻ chơi bời trác táng, đang mang trong người căn bệnh thế kỷ. Chỉ đến khi Ngà mang thai, cô mới biết mình lây bệnh từ chồng.

"Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi không oán trách anh ấy. Có trách thì trách mình sao phận mỏng", Ngà tâm sự.

Chống chọi với bệnh tật

Tháng 3-2004, Nguyễn Văn Vinh bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt giam về tội mua bán ma túy. Vinh khai, từ tháng 10-2003 đến lúc bị bắt, anh ta nhiều lần lên Mộc Châu (Sơn La) mua ma túy của một đối tượng tên Pùa A Chứ mang về Bắc Giang tiêu thụ. Với hành vi này, Vinh bị kết án tử hình.

Sau 2 lần kháng cáo xin giảm nhẹ Vinh vẫn bị xử y án sơ thẩm, Vinh đã gửi đơn lên Ban Giám thị trại giam, đề nghị được gặp cơ quan điều tra để khai báo lại. Và từ những lời khai của Vinh, những tên đồng bọn, trong đó có vợ anh ta là Nguyễn Thị Ngà bị bắt giữ. Ngà bị kết án buôn bán 20 bánh ma túy, nhưng do thời điểm đó đang mang thai nên thoát án tử. Bị kết án chung thân, Ngà về Trại giam Ngọc Lý cải tạo.

Hỏi Ngà có cảm giác thế nào khi biết chính Vinh là người đã khai ra đồng bọn khiến Ngà bị bắt, nữ phạm nhân này chỉ cười nhẹ: "Pháp luật khoan hồng không khép tôi vào tội chết, nhưng án tử hình thì chồng tôi đã tặng tôi lâu rồi. Còn cảm giác nào đau hơn khi biết mình mang căn bệnh thế kỷ lây từ chồng không hả chị"?

Rồi bình thản như không còn gì vướng bận, Ngà kể về những ngày phải vật lộn để giành giật sự sống cho cái bào thai đang mang trong người. Ấy là những ngày thai nghén, Ngà phải bịt mũi để ăn, để uống mà thức ăn chỉ muốn trào hết ra ngoài vì cổ họng lúc nào cũng có cảm giác như vật gì đó ngọ ngậy bên trong, nhưng vẫn phải cố nuốt để có chất bổ dưỡng nuôi con. Có những đêm tê dại chân tay, hai bên sườn như có ai dứt từng miếng thịt nhỏ vì căn bệnh thế kỷ hành hạ...

Các phạm nhân Trại giam Ngọc Lý sau giờ lao động.

Các phạm nhân Trại giam Ngọc Lý sau giờ lao động.

9 tháng mang thai, với Ngà là một khoảng thời gian cùng cực, đau đớn và giành giật. May mắn đã mỉm cười như một sự an ủi cho sự chịu đựng của Ngà khi đứa con mà chị ta sinh ra không hề lây nhiễm căn bệnh của bố mẹ. Ngà đã khóc vì điều đó và với chị ta, đấy là một món quà quí giá nhất.

"Khi tôi sinh con ra, các bác sỹ đã làm xét nghiệm rất kỹ. Ngay cả khi về trại giam nuôi con, cháu cũng mấy lần được làm xét nghiệm và lần nào cũng cho kết quả giống nhau. Nó hoàn toàn là một đứa trẻ khỏe mạnh", Ngà kể.

Con gái Ngà được nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài và các y sĩ ở bệnh xá trại giam đã giúp Ngà rất nhiều trong thời gian nuôi con nhỏ. Họ giúp chị ta thoát ra khỏi những bức bối vì cương sữa; giúp chị ta chăm sóc con nhỏ, nâng giấc bé những khi đau ốm, mua sắm quần áo cho bé và khi Yến Nhi tròn 3 tuổi, bé được ông bà nội lên đón về nuôi. Kể từ đó, Ngà chỉ được gặp con qua những lần gọi điện về nhà.

"Việc của tôi bây giờ là hằng ngày phải uống thuốc đều đặn để kéo dài sự sống được ngày nào hay ngày đó thôi. Những việc khác, kể ra thế là tôi cũng hoàn thành rồi", Ngà kể.

Hai đứa con với người chồng đầu, đứa lớn đã yên bề gia thất; đứa thứ hai cải tạo ở Trại giam số 6. Ngà bảo như thế cũng coi như xong nhiệm vụ, vì cả hai đều đã trưởng thành rồi, cuộc sống sau này tốt xấu ra sao là do tự chọn. Ngay cả đứa con gái bé bỏng vừa được gửi về cho người nhà, Ngà cũng bảo coi như đã tạm xong vì "bây giờ mỗi bước tôi đi là trăm ngàn đau đớn, khiến tôi lắm lúc chỉ mong được ngủ một giấc dài không bao giờ thức lại thì làm sao có thể mong tới ngày chăm sóc con".

Những con virus HIV giai đoạn cuối đang tàn phá chút sức tàn của Ngà. Từng đám hạch nổi khắp cơ thể, khiến cho Ngà từng cử chỉ lại thêm đau đớn. Thế nhưng nét mặt cô vẫn tỏ ra bình thản. Ngà vẫn có thể cười, vẫn có thể pha trò. Ngà bảo, tuy mang trong mình mầm bệnh chết người, nhưng sự tàn phá ấy chỉ bào mòn sức khỏe của chị ta chứ không hề khiến gương mặt thay đổi hay méo mó. Với Ngà đó cũng là một đặc ân.

"Từ nhiều tháng nay, tôi không phải đi lao động nữa mà hầu như ngày nào cũng có mặt ở bệnh xá, nhận thuốc uống và nghỉ ngơi, đến tối mới quay lại buồng giam. Chuyện gì xảy đến với tôi bây giờ cũng được. Chỉ mong sao trước khi tôi rời khỏi thế giới này, chồng tôi cũng trả án xong rồi", Ngà nói với đôi mắt chớp liên hồi nhưng rất nhanh sau đó, chị ta lại toét miệng ra cười trong khi đôi mắt vẫn đỏ hoe.

Chắc hẳn sau những ngày day dứt, ân hận và nuối tiếc, Ngà đã hiểu được rằng, có những thứ nếu không giữ được thì nên buông bỏ cho lòng mình vợi bớt và thanh thản. Cũng có thể những nỗi đau đã lặn vào trong, nếu không, làm sao Ngà có thể cười, có thể bình thản nói về chồng, về con như thế…

Nguồn: [Link nguồn]

”Chỗ dựa” của người đàn bà thoát án tử

Bị người tình rủ rê đi buôn ma túy, Ly Thị Mai, sinh năm 1987, ở xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) không ngờ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Hà ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN