Bị hủy án vì... buộc người chết thực hiện nghĩa vụ
Gần đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định hủy hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ tranh chấp đòi nhà đất giữa bà K. (Việt kiều Mỹ, đã chết năm 2011) với vợ chồng ông T. (ngụ huyện Diên Khánh, Khánh Hòa).
Theo hồ sơ, năm 2006, bà K. khởi kiện vợ chồng ông T. ra TAND tỉnh Khánh Hòa để đòi lại một nửa nhà đất tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh có trong khối tài sản chung với chồng bà (đã chết từ năm 1996). Bà K. cho rằng khi vợ chồng bà xuất cảnh (khoảng năm 1988-1989) chỉ nhờ vợ chồng ông T. giữ giùm nhà đất.
Tháng 9-2009, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm lần đầu đã chấp nhận một phần yêu cầu của bà K., buộc bà K. phải trả cho vợ chồng ông T. một nửa giá trị nhà phần của chồng bà vì vợ chồng ông T. là người quản lý tài sản hợp pháp của chồng bà.
Vợ chồng ông T. kháng cáo. Tháng 6-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng) đã hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng (có hội thẩm cùng lúc tham gia xét xử hai vụ án khác nhau, vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục).
Tháng 10-2010, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm lần hai đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà K., buộc bà K. có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông T. các khoản tiền làm thêm vật kiến trúc.
Vợ chồng ông T. kháng cáo. Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm lần hai thì bà K. chết. Vợ chồng ông T. đã cung cấp giấy chứng tử của bà K. cho tòa phúc thẩm và đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm cả về nội dung cũng như thủ tục tố tụng. Tòa Phúc thẩm đã đưa những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà K. vào tham gia vụ án nhưng lại tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vợ chồng ông T. khiếu nại giám đốc thẩm. Tháng10-2014, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm.
Trong quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chỉ ra hai vi phạm của các cấp tòa sơ, phúc thẩm, dẫn đến hậu quả là các bản án đã tuyên không thể thi hành.
Thứ nhất, bà K. đã chết trước khi xét xử phúc thẩm. Tòa cấp phúc thẩm đã đưa những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà vào tham gia vụ án nhưng vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm về quyết định, tức là buộc một người đã chết phải thực hiện nghĩa vụ nên không thể thi hành án được.
Thứ hai, bà K. kiện vợ chồng ông T. yêu cầu trả lại nhà, đất mà vợ chồng bà tạm giao cho vợ chồng ông T. vào năm 1988-1989. Trong khi đó, vợ chồng ông T. cho rằng vợ chồng bà K. đã cho đứt nhà đất và họ đã được trước bạ sang tên sở hữu nên không đồng ý trả. Do đó, quan hệ pháp luật trong vụ án là “tranh chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”, đồng thời đây là giao dịch được xác lập trước ngày 1-7-1991, có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều xác định là quan hệ “đòi tài sản” và không áp dụng Nghị quyết 1037/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991, có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia) để giải quyết vụ án là chưa đúng.
Từ đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại từ đầu.