3 cái chết ở đầm tôm: lời chủ tịch xã
Chính quyền đã làm gì trước nhiều cái chết trong nhiều năm ở địa bàn mà họ quản lý?
Liên tục trong thời gian qua, Báo đã có bài phản ánh ba cái chết bí ẩn tại vuông tôm ông Cao Văn Liền (tự Chín Liền, ngụ ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Chính quyền địa phương nói gì? Công tác quản lý tạm trú, tạm vắng tại địa phương ra sao? Chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Dân, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận.
* Ông biết gì về vợ chồng chủ rừng - tôm Cao Văn Liền?
- Ông Chín Liền thuê vuông tôm của Bộ đội biên phòng Cà Mau khoảng 12 năm nay. Vợ chồng ông ta có hai con nhỏ. Do vuông rộng, Chín Liền thuê nhiều nhân công. Phạm Minh Phụng chết năm 2005 tại chòi tôm và Phạm Minh Hiếu vừa tìm thấy xác trong rừng vào ngày 12/6/2012. Đời sống ông Chín Liền khá giả. Bà Trần Nguyệt Phượng và ông Cao Văn Liền có đăng ký hộ khẩu tại địa phương.
* Là lãnh đạo địa phương, theo ông những người cho con cháu đi làm thuê nhà ông Chín Liền có quan hệ thế nào?
- Bà Trương Thị Hằng làm em nuôi vợ chồng Chín Liền. Người chị của bà Hằng là Trương Thu Hoài có đàn con nhỏ, thất học, nghèo khổ nên cho ở với vợ chồng Cao Văn Liền. Những đứa trẻ đi làm thuê rất sớm, được xem như là con cháu của vợ chồng Chín Liền.
* Trước đây, cũng tại chòi tôm ông Chín Liền có một thiếu nữ chết rất khó hiểu. Địa phương có biết không?
- Trường hợp cô Út (Trương Thị Út) treo cổ, gia đình có báo chính quyền, công an bảo vệ hiện trường. Công an huyện Đầm Dơi đến hiện trường và gia đình thỏa thuận chôn cất tại Giá Rai. Tôi biết, Công an tỉnh Cà Mau có khám nghiệm tử thi để tìm nguyên nhân. Kết quả cho biết, Út thắt cổ tự tử nhưng không biết nguyên nhân. Dư luận cho rằng Út thất tình, thắt cổ mà không biết ai là tình nhân.
* Một năm sau, Phạm Minh Phụng chết vào năm 2006, lại không được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ?
- Trường hợp Phạm Minh Phụng chết có báo cáo với chính quyền. Hai bên thỏa thuận chôn cất, chi phí do Chín Liền bỏ ra. Gia đình Phạm Minh Phụng không có yêu cầu gì, nên thôi.
* Có phải hai cái chết không được điều tra, xác minh nên xảy ra cái chết thứ ba là Phạm Minh Hiếu?
- Tôi chưa dám cho đó là nguyên nhân, có tiền lệ anh chết trước nên em chết sau. Tuy vậy, chúng tôi theo dõi tình hình, không phát hiện gì bất thường. Quan hệ của vợ chồng Chín Liền với các cháu này giống như họ hàng, người trong nhà nên khó biết. Vả lại, nhà Chín Liền làm vuông ở rất xa, hẻo lánh, khó tiếp cận.
* Ông biết gì về việc ông Chín Liền sử dụng lao động trẻ em?
- Chúng tôi có thiếu sót trong việc quản lý tạm trú, tạm vắng tại địa phương. Đây là bài học đắt giá, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Các cháu làm thuê từ nhỏ nên không kiểm tra sử dụng lao động vì cho là con cháu trong nhà. Ấp Lưu Hoa Thanh có gần 1.300 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu sống ven biển, ven rừng rất khó kiểm soát. Việc quản lý tạm trú, tạm vắng còn lỏng lẻo do địa bàn phân tán, cách trở, hẻo lánh.
Vuông tôm của ông Chín Liền và nhiều cái chết vẫn chưa được làm sáng tỏ
Trước khi phát hiện xác chết tại vuông tôm Chín Liền, huyện Đầm Dơi phát hiện vụ hành hạ người làm công dã man. Ngày 25/11/2010, vợ chồng Huỳnh Thanh Giang (SN 1980) và Mã Ngọc Thơm (SN 1977), đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.Hồ Chí Minh xét xử tội “cố ý gây thương tích” và tội “hành hạ người khác”, tuyên phạt mỗi bị cáo 23 năm tù.Trong vụ án này, cơ quan tố tụng của tỉnh Cà Mau kết luận, giữa tháng 10/2008, chị Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh, ngụ ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã gửi con đến làm thuê cho vợ chồng Giang - Thơm ở trại tôm giống Minh Đức (ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi). Công việc chính của Hào Anh là đập ốc làm thức ăn cho tôm, nấu cơm, giặt đồ, chăm sóc con nhỏ cho Giang - Thơm và một số công việc khác với mức lương 500.000 đồng/tháng. Những ngày làm việc tại đây, Hào Anh đã bị vợ chồng Giang - Thơm hành hạ dã man và mang thương tật với tỷ lệ lên tới 66,83%. Hành vi phạm tội của vợ chồng Giang - Thơm được xác định là rất tàn ác, vô nhân tính, gây căm phẫn trong dư luận cả nước. |