Rơi lệ vì ớt
Ớt muôn đời vẫn được xem là biểu tượng cho vị cay trên khắp hành tinh.
Nhiều thế kỷ trước, Christopher Colombus từng lầm ớt với tiêu bởi vị cay nồng. Ngày nay, thế giới ẩm thực vẫn có nhiều loại gia vị cay đến “xé lòng” như hoa tiêu, mù tạc… nhưng vượt trên tất cả, ớt muôn đời vẫn được xem là biểu tượng cho vị cay trên khắp hành tinh
Ớt càng ngày càng dễ “gây nghiện”. Nhiều người ăn ớt đến giàn giụa nước mắt, nóng ran cổ họng nhưng vẫn cứ thấy mất ngon nếu thiếu ớt. Có thể bạn cho rằng mình ăn được nhiều ớt nhưng có bao giờ bạn thử “đo lường” xem, liệu mình đã ăn cay tới đâu!
Ớt càng ngày càng dễ “gây nghiện” (Nguồn ảnh: internet)
Sức “công phá” kỳ lạ
Có bao giờ bạn nghe đến loại ớt có sức mạnh như một thứ vũ khí hoa học mà nếu một người bình thường nếm thử có thể bị bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, phá hỏng khứu giác… Những loại ớt cay vô tận này chứa hơi cay mạnh đến nỗi có thể đốt cháy găng tay khi thu hoạch, buộc người nấu bếp phải sử dụng bảo hộ khi chế biến, là nguyên nhân của các vụ nổ nhà bếp hoặc được chế tạo như một loại lựu đạn để vô hiệu hóa kẻ xấu. Nhà tâm lý học người Mỹ Paul Rozin từng ví von việc ăn ớt cay như làm một việc mạo hiểm, tương đương với đi tàu lượn siêu tốc hay trải qua những cảm giác đau đớn, sợ hãi cực điểm.
Nhiều người thích ăn cay và đồng nghĩa với việc xảy ra những cuộc tranh cãi, đại loại như: Ai là người ăn cay giỏi nhất, đâu là loại ớt giữ vị trí cay khủng khiếp... Và độ “nóng” của những cuộc tranh cãi này chưa bao giờ hạ nhiệt, khi vị trí dẫn đầu của loại ớt cay nhất thế giới luôn bị đe dọa. Trên thực tế, sức nóng của ớt là do hóa chất capsaicin trong ớt kích thích các tế bào cảm nhận đau đớn của miệng và báo cho bộ não rằng vừa có thứ gì đó nóng khủng khiếp đi qua. Mỗi người đều có khả năng “chịu đựng” khác nhau trước những cơn cay này. Vậy nên, để đo “sức nóng” của ớt người ta nghĩ ra một phương pháp đo lường dựa trên số lần một lượng chiết xuất ớt được pha loãng với dung dịch nước đường đến khi không thể cảm nhận được capsaicin nữa. Phương pháp này được gọi là xác định độ cay dựa trên đơn vị nhiệt Scoville (SHU).
Bạn có thể sẽ nghĩ loại ớt cay nhất được chào đời từ những địa danh vốn có nhu cầu về thực phẩm cay nóng cao độ như Thái Lan, Mexico hay Ấn Độ nhưng thật ra sở hữu kỷ lục về độ cay đương nhiệm lại vào tay một người trồng ớt tại bang New South Wales, Australia. Loại ớt có kích thước tương đương đồng xu này chứa hơn 1,46 triệu đơn vị cay, so với 1,38 triệu đơn vị cay của Naga Viper của Anh được xác định là cay nhất trước đó và ớt ma Bhut Jolokia của Ấn Độ, với hơn 1 triệu đơn vị cay về thứ 3.
Trên bàn ăn Hàn lạnh giá luôn nổi bật với các món ăn từ ớt trở thành nét văn hóa tồn tại lâu đời (Nguồn ảnh: internet)
Xuýt xoa hương vị cay nồng
Xuất hiện và trở thành cây trồng đầu tiên ở châu Mỹ cách nay gần 10.000 năm, ớt nhanh chóng được chồng khắp nơi trên thế giới. Bởi, dân tộc nào cũng khoái dùng ớt như là gia vị, nguyên liệu trong bữa ăn. Nếu như trên bàn ăn Hàn lạnh giá luôn nổi bật với các món ăn từ ớt trở thành nét văn hóa tồn tại lâu đời trong giới đầu bếp, thì người Ấn bao giờ cũng thích thú với việc hòa trộn các loại ớt cho các món ăn của mình. Ăn cay giỏi phải kể đến người Bhutan với sự xuất hiện gần như tuyệt đối của ớt trong các món ăn, ngay cả món tráng miệng. Không hề “kém cạnh”, đất Việt cũng có khá nhiều loại ớt được liệt vào hàng cay xé lưỡi: ớt hiểm, ớt chìa vôi, ớt chỉ thiên… và thói quen nhai ớt rau ráu dường như trở nên quen thuộc. Với câu ví “không cay, không chua thì không phải món Thái”, nhiều người đã lên kế hoạch du lịch đến Thái chỉ để kiểm chứng xem mức độ cay của mình đến đâu.
Ớt được chế biến theo nhiều cách tuy nhiên, nếu dạ dày của bạn khá nhạy cảm với anh bạn “cay cú” này, tốt nhất là nấu chín ớt ăn để làm giảm khả năng kích thích tiêu hóa của ớt. Tuy cay và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhưng những món ăn cay xé lưỡi luôn có sức hút kỳ lạ đối với thực khách. Đơn cử như món bò xào ớt chỉ thiên, loại ớt được mệnh danh là vua ớt Đông Nam Á tại Thái Lan; món lẩu Tứ Xuyên được nấu từ loại ớt nổi tiếng với độ cay đến tê liệt có thể khiến bạn “một đi không trở lại”; món cà ry cay nhất thế giới Phall – món ăn luôn là nỗi ám ảnh của những tín đồ ăn cay, hay “tận hưởng” cảm giác như bị điện giật khi thử qua món cocktail tôm từ Hawaii…