Những món "chưa ăn chưa biết" ẩm thực đất Mũi

Lẩu mắm U Minh, chả mực trứng, ba khía Rạch Gốc... là những món ăn nhất định bạn nên thử khi đến vùng tận cùng của Tổ quốc.

Lẩu mắm U Minh

Mùi mắm nồng, thậm chí khá khó ăn nhưng cũng là một mùi gây nghiện. Chính vì vậy mà lẩu mắm U Minh luôn kích thích khứu giác, vị giác, thị giác, xúc giác và hấp dẫn nhiều thực khách khi đến Cà Mau.   

Những món "chưa ăn chưa biết" ẩm thực đất Mũi - 1

Lẩu mắm hấp dẫn bởi được ăn kèm với rất nhiều các loại rau và nước lẩu có mùi mắm rất đặc trưng. Ảnh: I.T

Nguyên liệu chính của món lẩu mắm U Minh là mắm sặc (nhưng phải là mắm ngon). Mắm được lược kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẩu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sả băm mịn, phần gốc sả đập dập cho vào lẩu. Để cho nước lẩu có vị béo, thơm và sánh người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích.

Nhưng lẩu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng. Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc bự hoặc cá trê trắng. Ngoài cá ra, lẩu mắm có thể được bổ sung thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi. Nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẩu mắm là được thưởng thức rất nhiều loại rau đồng. Lẩu mắm là món quy tụ nhiều loại rau hoang dã nhất. Có thể đúng khi nói rằng, không có món ăn nào trên thế giới lại được ăn kèm với nhiều loại rau như lẩu mắm.

Chả trứng mực

Với những người con xa xứ, những vị khách phương xa lần đầu đến đất Mũi, món chả trứng mực Cà Mau luôn gây ấn tượng khó quên. Đây là món ăn độc đáo từ cách chọn nguyên liệu chế biến và cả hương vị biển đậm trưng khác biệt chẳng giống nơi nào. Tại sao là trứng mực mà không phải thịt mực, tại sao chỉ làm chả mà không phải nấu, nướng... Đó có lẽ bởi mỗi lần đi biển dài cả tuần, đây là cách để ngư dân bảo quản được hải sản, chế biến lại  nhanh.

Mực có nhiều trứng nhất vào thời điểm từ tết cho đến tháng 5 âm lịch, con nào con nấy bụng căng phồng. Vì thế, ngư dân đi đánh bắt xa thường mang theo ít thịt và gan heo cùng trứng vịt để chế biến chả trứng mực ngay trong chuyến đi. Trứng mực là một khối dẻo trong suốt bên trong bụng mực. Trứng mực nhẹ cân nên muốn có 1 ký mực trứng, người ta phải làm thịt từ 10 đến 12 kg mực tươi. Bởi vậy, món chả trứng mực mới trở nên quý hiếm khó tìm, không phải có tiền là ăn được.

Người chế biến sẽ lấy cả trứng mực và hai nang sữa tươi đã rửa sạch cho vào cối, quết đều tay đến khi thấy đầu chày có dính keo thì thôi. Trong lúc quết thêm chút gia vị tiêu, bột ngọt, muối cho vừa khẩu vị; hoặc hấp dẫn hơn sẽ cho thêm thịt, trứng vịt hay gan heo vào quết cùng. Sau đó, dùng bao giấy có thấm dầu ăn nắn hỗn hợp trên thành từng cục tròn, dùng lực bàn tay ép dẹp như chả cá hay làm. Chả làm xong có thể ăn ngay hoặc để dành bằng cách phơi nắng cho se mặt rồi cất vào tủ lạnh.

Miếng chả được chiên nóng màu vàng rộm cộng thêm mùi thơm đặc trưng thật khiến người khác chảy nước miếng. Cắn miếng thứ nhất thấy béo ngậy, cắn miếng thứ hai thấy thơm bùi, miếng thứ ba thứ tư thì hết cả chén cơm, chén bún. 

Ba khía Rạch Gốc 

Ba khía Rạch Gốc đã có thương hiệu từ xưa đến nay vì chỉ có địa phương này con ba khía mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hằng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn quả mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác.

Những món "chưa ăn chưa biết" ẩm thực đất Mũi - 2

Ba khía là món đặc sản bạn nên thử khi đến Cà Mau. Ảnh: I.T

Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không muối nhạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, còn nếu lạt quá thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.

Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ. Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách.

Vọp nướng chấm muối tiêu

Món vọp nướng chế biến rất đơn giản. Chỉ cần lựa chọn những con vọp còn sống, rửa sạch, để ráo nước rồi để lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Gia vị cho món vọp nướng gồm muối tiêu chanh thêm bột ngọt, các loại rau cải gồm rau răm, rau thơm, húng lủi...

Những món "chưa ăn chưa biết" ẩm thực đất Mũi - 3

Vọp nướng mỡ hành đốn tim bất kỳ du khách nào khi tới Cà Mau. Ảnh: I.T

Khi chế biến món vọp nướng, cũng có thể cho thêm một ít mỡ hành, đậu phộng để làm gia tăng thêm hương vị bùi bùi, béo béo của món ăn dân dã này. Khi nướng, vọp há miệng là vừa chín tới, ăn rất ngọt, để lâu sẽ chín quá, khô nước, thịt dai và ăn không còn ngon, ngọt. Bạn sẽ thấy vị ngọt của vọp, vị thơm của các loại rau ăn kèm, vị chua cay tiêu chanh và vị mặn của muối, hòa quyện trong đó là mùi hương đặc trưng của than củi của khói bếp lò phảng phất…tất cả đã làm nên món ăn ngon, đặc sắc mang hương vị của rừng, của biển có thể níu chân bất cứ du khách nào khi đến với Đất Mũi.

Về ”miền gái đẹp Tây Đô” thưởng thức món ngon trứ danh

Bánh hỏi heo quay, ốc nương tiêu, chuối nếp nướng là những món ăn nổi tiếng ở xứ Tây Đô, luôn níu chân du khách gần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Phương ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN