Trở về từ Gạc Ma: Vò võ nuôi con

Chồng hy sinh nơi đảo xa, một mình thui thủi nuôi con thơ, nỗi nhọc nhằn của những người vợ liệt sĩ Trường Sa như nhân đôi nhưng họ luôn gắng gượng vượt qua.

25 năm sau ngày người lính hải quân Phan Huy Sơn hy sinh ở đảo Gạc Ma - Trường Sa, chị Trần Thị Ninh, vợ anh, chưa lúc nào thôi vất vả vì một mình thui thủi nuôi 2 con, trong đó có một người bị bệnh tâm thần.

Oằn vai người vợ trẻ

“Lúc nhỏ, con tôi đã có biểu hiện không bình thường, lớn lên bệnh càng nặng. Nó đi lang thang khắp nơi, về nhà thì thường lên cơn rồi đập phá. Không có tiền chữa trị nên bệnh nó ngày càng nặng, không biết chết sống ra sao. Mất chồng, giờ tôi lại có nguy cơ mất luôn giọt máu của anh ấy” - chị Ninh sụt sùi.

Năm 1981, chị Ninh kết hôn với chàng trai cùng quê, học cùng lớp Phan Huy Sơn. Một năm sau, anh lên đường nhập ngũ rồi được phân làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Ngày đứa con đầu lòng chào đời, anh Sơn vẫn biền biệt nơi đảo xa.
 
“Bao thương nhớ, hy vọng đặt lên con trai nhưng thật sự, đó là chuỗi ngày mà tôi luôn sống trong lo âu, buồn tủi. Không có chồng ở bên chia sẻ, chứng kiến con trai càng lớn càng không bình thường, tôi chỉ biết lặng lẽ khóc” – chị Ninh chua xót.

Trở về từ Gạc Ma: Vò võ nuôi con - 1
 
Chị Trần Thị Ninh trong lần giỗ thứ 25 của chồng, liệt sĩ Phan Huy Sơn. Ảnh: HẢI VŨ

Năm 1987, Sơn được về phép thăm nhà. Chưa hết phép, anh đã nhận được lệnh phải quay lại đơn vị gấp. Đó là lần cuối chị nhìn thấy mặt chồng, đứa con thứ hai còn trong bụng mẹ. “Tháng 3-1988, nghe đài thông báo anh Sơn cùng 63 chiến sĩ khác đã hy sinh và mất tích khi bảo vệ đảo Gạc Ma, tôi vẫn hy vọng anh trôi dạt đâu đó trên biển. Chẳng bao lâu sau, khi nhận giấy báo tử, tôi chết lặng, suy sụp rất lâu mới gượng dậy nổi” - chị Ninh nhớ lại.

Chồng hy sinh, chị Ninh một mình bươn chải nuôi nấng 2 con, bao gánh nặng cuộc sống đè oằn đôi vai người vợ góa nghèo ở quê nhà Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu - Nghệ An. “Tội nghiệp đứa con đầu, người ta nói đưa đi bệnh viện chữa trị sẽ đỡ nhưng biết đào đâu ra tiền?” - chị xót xa.

Mọi kỳ vọng giờ đây chị Ninh đều dồn lên người con thứ hai đang theo học năm thứ 2 Trường ĐH Y khoa Vinh. “Gia đình tôi giờ chỉ sống dựa vào thu nhập từ 3 sào ruộng. Đứa đầu đã vậy thì chịu thôi nhưng với con trai thứ 2, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, tôi cũng ráng lo cho nó học hành nên người để hương hồn anh Sơn được an lòng” - chị tâm sự.

Không ngớt lo toan

Trong căn nhà nhỏ ở phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh - Khánh Hòa, chị Đỗ Thị Hà - vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, người đã hy sinh cùng chiếc tàu HQ-604 trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 - 25 năm nay vẫn vò võ nuôi con.

Trở về từ Gạc Ma: Vò võ nuôi con - 2

Chị Đỗ Thị Hà bên bàn thờ chồng, liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. Ảnh: KỲ NAM

Cưới nhau 27 năm, vậy mà đến 25 năm chị Hà phải làm thuê, làm mướn một mình nuôi con, cuộc sống không lúc nào ngớt lo toan. “Không có chồng bên cạnh, sự vất vả như nhân đôi. Khi bé Đinh Thị Mỹ Lệ được 2 tuổi thì tôi nghe tin anh ấy hy sinh. Nhìn đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn, tôi nén nỗi đau để gắng gượng làm thuê, làm mướn, phụ hồ kiếm sống” - chị bồi hồi.

Thời gian nhọc nhằn đằng đẵng rồi cũng trôi qua, Lệ thi đỗ vào đại học. “Lúc đó tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì thấy Lệ từng bước trưởng thành nhưng tôi lo lắm vì sợ mình yếu rồi, không đủ sức khỏe để kiếm tiền nuôi con. May mà đến năm 2007, tôi bắt đầu nhận được trợ cấp liệt sĩ. Khoản tiền tuy không lớn, chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng nhưng thật ý nghĩa trong lúc khó khăn. Cùng với khoản tiền ấy, tôi dồn sức đi giữ trẻ, làm thuê, bắt ốc, bắt sò… kiếm tiền lo cho con” - chị Hà nói.

Giờ thì Lệ đã ra trường, có công việc ổn định tại TPHCM. “Ước nguyện lớn nhất của tôi là con gái được ăn học đàng hoàng và vững bước vào đời, nay đã thành hiện thực. Dù hài cốt chồng tôi vẫn còn nằm lại nơi đảo xa nhưng tôi tin anh ấy đã ấm lòng” - chị Hà thổ lộ.

Có lẽ cũng được ấm lòng như liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh là đồng đội của anh - thiếu úy đảo phó Gạc Ma Trần Văn Phương, người lính hải quân anh hùng nổi tiếng với câu nói trước khi ngã xuống: “Thà hy sinh chứ không được để mất đảo. Hãy để máu mình tô thắm cờ Tổ quốc và truyền thống Quân chủng Hải quân”. Trải qua bao nhọc nhằn, vợ anh - chị Mai Thị Hoa - cũng đã nuôi nấng người con thơ khôn lớn, trưởng thành.

Trần Thị Thủy, con gái anh Phương, giờ là cán bộ văn thư của chính Lữ đoàn 146, đơn vị mà cha cô công tác năm xưa. “Hiện nay, dù biên chế trong quân đội nhưng em chỉ là công nhân viên quốc phòng. Em chỉ mơ ước là được trở thành đồng đội của bố, được là một người lính hải quân đích thực như ông” - Thủy khát khao.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Vũ - Kỳ Nam (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN