Thủy điện Sông Tranh 2: Dân nên đi hay ở?

Sau 1 đêm suy nghĩ về vấn đề Sông Tranh 2 mà các ĐB Quốc hội hỏi trước đó, sáng 13/11 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát về sự an toàn tuyệt đối của đập thủy điện này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ dám khẳng định sẽ an toàn nếu có điều kiện như: “Nếu mức tràn dưới 161m cao trình thì đập gần như tuyệt đối an toàn, bà con không phải đi đâu hết”.

Trước đó, chiều 12/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về vấn đề an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nghi ngại: trước đó đã khẳng định đập vẫn an toàn nhưng tại sao không cho tích nước để tiếp tục nghiên cứu, thăm dò, khảo sát kéo dài? Có ý kiến cho rằng đập sẽ không vỡ nhưng sẽ bẻ ngang, gây hoang mang cho dư luận.

Do đó ĐB đề nghị: "Bộ trưởng nói rõ đập an toàn, dân cứ ở đó không sao, bên cạnh đó phụ cấp cho dân, mua bảo hiểm cho dân. Thứ hai là công bố chưa thể yên tâm, mời bà con đi tái định cư nơi ở khác. Hoặc chúng ta dũng cảm và trách nhiệm nói với dân là chưa yên tâm, dừng công trình. Cuối cùng, nếu đập vỡ thì xin Bộ trưởng cho biết ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc này?"

Thủy điện Sông Tranh 2: Dân nên đi hay ở? - 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Sau 1 đêm được chuẩn bị “bài”, sáng 13/11, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh, Bộ trưởng Dũng không trả lời thẳng vào vấn đề mà cho biết, đập thủy điện tuân thủ các quy trình về kiểm tra chất lượng. Khảo sát thiết kế có tư vấn độc lập của Nhật Bản và khẳng định an toàn. Khi đập được đưa vào sử dụng xảy ra hiện tượng thấm nước thì việc xử lý ngay lập tức được thực hiện và lượng thấp đã xuống dưới mức yêu cầu.

Bộ trưởng cũng cho biết, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng đã yêu cầu chủ đầu tư thuê nhà tư vấn độc lập khác kiểm tra toàn bộ an toàn đập. Nhà tư vấn của Thụy Sỹ đã kết luận đập an toàn cả về chất lượng thi công, nền móng và có khả năng chịu được động đất 5,5 độ richter.

“Người dân còn lo lắng nên quan điểm của Chính phủ, Hội đồng nghiệm thu là tập trung xử lý mọi góc độ để đảm bảo an toàn, lấy an toàn là mục tiêu số 1. Đó cũng là yêu cầu an dân. Dân còn lo lắng thì không tích nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Thủy điện Sông Tranh 2: Dân nên đi hay ở? - 2

Theo các thông số kỹ thuật và kết quả khảo sát tới thời điểm này thì tạm thời yên tâm về an toàn đập Sông Tranh 2

Ngoài ra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết các nhà tư vấn độc lập khác tiếp tục được mời đến khảo sát, đánh giá động đất ở khu vực Bắc Trà My. Hiện các nhà địa chất của Nga đã đến khu vực Sông Tranh, tiếp là các nhà tư vấn Ấn Độ, Nhật Bản. Các chuyên gia sẽ nghiên cứu toàn diện để khẳng định động đất ở khu vực này có vượt quá 5,5 độ richter hay không, từ đó sẽ có những giải pháp và bước đi tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định, nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì các cá nhân, cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên Bộ trưởng không nói cụ thể người chịu trách nhiệm là ai mà chỉ nói: “nếu mức nước tràn không vượt quá 161m cao trình thì đập gần như tuyệt đối an toàn. Bà con hoàn toàn yên tâm, không đi đâu hết”.

Đối với những ngôi nhà bị ảnh hưởng, hư hại do động đất, dư chấn ở khu vực Sông Tranh 2, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ đã cử nhiều đoàn vào khu vực Bắc Trà My kiểm tra và có hướng dẫn khắc phục.

Về vấn đề an toàn đập Sông Tranh 2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Theo các thông số kỹ thuật và kết quả khảo sát tới thời điểm này thì tạm thời yên tâm về an toàn đập. Công tác khảo sát, kiểm tra, nghiên cứu tiếp tục được thực hiện và khi có kết quả chính thức mới có hướng xử lý dứt khoát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN