Phố ở rừng

Dân bản khăn áo tươm tất vi vu trên những chiếc xe máy đắt tiền, ôtô con xuôi ngược trên con đường thảm nhựa phẳng lì từ phố núi ra trung tâm thị trấn biên ải.

Phố ở rừng - 1

 Một góc bản Ka Tăng mới. Ảnh: H.T

Bản Ka Tăng mới ăn sâu vào thung lũng trập trùng núi đồi ở mạn phải Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo trên đỉnh Trường Sơn kỳ vĩ, nhà cửa cao tầng san sát gối nhau. Dân bản khăn áo tươm tất vi vu trên những chiếc xe máy đắt tiền, ôtô con xuôi ngược trên con đường thảm nhựa phẳng lì từ phố núi ra trung tâm thị trấn biên ải.

Khu tái định cư (TĐC) Ka Tăng ở thị trấn Lao Bảo của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được xây dựng trên diện tích 25 hécta với kinh phí 50 tỷ đồng, là nơi sinh sống của 68 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Kiên trì vận động dân

Ka Tăng được ví như khu TĐC kiểu mẫu không chỉ ở Hướng Hóa mà của cả tỉnh Quảng Trị nhờ vị trí địa lý, sự hoàn thiện của kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đồng thuận của người dân trước, trong và sau khi về nơi ở mới với thời gian lập quy hoạch và triển khai xây dựng vỏn vẹn hai năm. Huyện mạnh dạn cho dân ứng trước tiền để tự xây nhà.

Riêng điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao, khu vui chơi giải trí… huyện chỉ đạo BQL dự án và các nhà thầu gấp rút triển khai để dân “chộ” (thấy), dân “ưng cái bụng” mà chấp thuận vào nơi ở mới. Đó là những thông tin từ chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh trên đường dẫn phóng viên vào Ka Tăng.

“Dân bản ở đây được xây dựng nhà cửa, sống quây quần dưới chân núi Ka Tăng, nơi mà cách đây chỉ hai năm về trước, ai cũng ngại đến sinh sống, làm ăn. Nay bản làng đẹp đẽ khang trang không khác gì phố xá, cuộc sống đầy đủ nên ai cũng vui cái bụng”.

Ông Hồ Lệ, đội 4

Bản Ka Tăng cũ nằm trong Dự án quy hoạch, xây dựng và phát triển Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo nên phải di dời. Nhưng trong quá trình triển khai, chính quyền các cấp ở huyện Hướng Hóa gặp khó khăn lúc vận động, thuyết phục đồng bào chấp hành chủ trương chung. Đồng bào nêu lý do nơi ở mới nằm xa khu vực trung tâm thị trấn không thuận lợi trong làm ăn, sinh sống.

Lãnh đạo huyện Hướng Hóa đã hóa giải bằng việc kiên trì vận động. Đích thân chủ tịch Võ Thanh trực tiếp gặp gỡ, giải thích, động viên để bà con đồng thuận. Muốn dân an tâm về nơi ở mới, huyện cho mở ngay tuyến đường nhựa nối từ Quốc lộ 9 vào khu TĐC.

Không phải trèo đèo, lội suối vào núi Ka Tăng mà được ung dung phóng xe máy trên những cung đường nhựa thênh thang, trai tráng trong bản là đối tượng ủng hộ đầu tiên. Rút ngắn khoảng cách đi lại ắt sẽ rút ngắn được sự mơ hồ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên người dân từ chỗ nghi hoặc đã vui vẻ hào hứng vào nơi ở mới.

Chủ tịch Thanh bảo, một điểm khác biệt nữa thể hiện sự dân chủ của huyện là cho bà con tự chọn đất để dựng nhà, chọn vị trí ở theo bà con dòng tộc. Ba loại nhà được triển khai tùy theo số lượng nhân khẩu nhiều hay ít mà phân bổ kinh phí hỗ trợ phù hợp. 

Chủ tịch Thanh nói: “Đằng sau sự táo bạo giao tiền cho dân tự xây nhà, chúng tôi còn cử cán bộ “mật phục” quan sát từng động thái của dân. Nếu nhà nào buổi sáng nhận đất, chiều lại ra vườn gieo xuống đó hạt ngô, hay trồng cây rau tức là hộ đó sẽ gắn bó với nơi ở mới. Có thể thấy rằng, mạnh dạn giao tiền cho dân tự xây nhà không chỉ tránh được sự áp đặt, khiên cưỡng mà còn huy động được sự tự nguyện đóng góp của người dân, đặc biệt là giảm các khoản chi phí dự toán, thiết kế, giám sát nên được người dân vỗ tay hưởng ứng”. 

Yên ổn nơi ở mới

Dẫn chúng tôi bách bộ một vòng quanh bản Ka Tăng mới, ông Hồ Lệ ở đội 4, vui chuyện: “Dân bản ở đây được xây dựng nhà cửa, sống quây quần dưới chân núi Ka Tăng, nơi mà cách đây chỉ hai năm về trước, ai cũng ngại đến sinh sống, làm ăn. Nay bản làng đẹp đẽ khang trang không khác gì phố xá, cuộc sống đầy đủ nên ai cũng vui cái bụng”.

Phố ở rừng - 2

Chị Rưm trước ngôi nhà gỗ 2 tầng xinh xắn.

Bữa trưa đó, vợ chồng trưởng bản Hồ Pổ, thay mặt dân bản, bày tiệc đãi khách xa. Ông phấn chấn: “Những món vịt, gà, dê, heo này đều là thực phẩm… siêu sạch do bà con dân bản tự làm ra nên các cán bộ cứ yên tâm cái bụng mà đánh chén nhá!”.

Ông nói, ở bản này nhà nào nuôi ít cũng chục con dê, vài trăm con gà, vịt, heo thả rông, thịt săn chắc, rất thơm ngon. Còn các loại rau xanh như khoai lang, muống, tía tô, diếp cá…, được chăm bón tự nhiên, không xài thuốc trừ sâu.

Ngôi nhà trưởng bản Pổ gồm 2 tầng, mỗi tầng rộng hơn 100m2. Nhà được xây dựng và bố trí theo kiểu hiện đại, đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp và vệ sinh khép kín. Hồ Pổ bảo, ông làm nhà này hơn 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ di dân TĐC và bồi thường đất ở cũ gần 800 triệu đồng, số còn lại do vợ chồng ông tích cóp lâu nay, không phải vay mượn gì thêm.

Lúc còn nơi ở cũ, vợ chồng ông không nghĩ tới việc xây nhà, bởi vì số tiền dành dụm được cũng chỉ đủ trang trải cho con cái ăn học. “Bây giờ thì khác, nơi ở mới, mình vừa có được nhà mới khang trang, vừa có điều kiện tốt hơn để chăm nuôi lũ con kiếm cái chữ đường hoàng”, ông Pổ nói.

Ở bản Ka Tăng mới, có khá nhiều ngôi nhà cao tầng, đẹp chẳng kém nhà của vợ chồng trưởng bản Pổ. Như nhà ông Hồ Cay ở đội 3, nhà ông Hồ Pứt ở đội 1, nhà vợ chồng trẻ Hồ Thị Rưm ở đội 2...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hữu Thành (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN