Ký sự rừng sâu: Già làng thời @ xử kiện

Một già làng với uy tín gần 20 năm nay khiến tất thảy người trong buôn phải kính nể, kể cả thanh niên xuống TP học cao hiểu rộng. Những vụ xử ly kỳ, những rắc rối của người làng có khi xử ba lần mới xong, có lúc phải “huy động” nhiều già làng khác cùng hợp sức, hợp trí…

Ký sự rừng sâu: Già làng thời @ xử kiện - 1

Già làng Ma Tăy nói: “Trái tim tôi thuộc về buôn Trí này”. Ảnh: HT

Không cần mũ cao áo rộng, già làng buôn Trí B, xã Krông Na (Buôn Đôn, Đắk Lắk) vẫn khiến bất cứ ai phải nể trọng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ở cái tuổi vừa ngoài 60, Y Phá Niê - tức Ma Tăy vẫn giữ được thân hình rắn chắc, dáng cao dong dỏng cùng nước da nâu óng. Ma Tăy mặc quần tây, áo thun, tay đeo đồng hồ điện tử, ngồi xếp bằng giữa căn nhà sàn. Trong suốt cuộc trò chuyện, lưng ông luôn giữ thẳng, mắt sáng quắc, nhìn thẳng vào người đối diện. Đặc biệt, giọng nói của ông cứ sang sảng, khúc chiết.

Hai họ đánh nhau, già làng xử toát mồ hôi

Gần 20 năm làm già làng, Ma Tăy không nhớ nổi mình đã xử qua bao nhiêu vụ kiện lớn, nhỏ trong buôn Trí B này. Chỉ biết rằng số vòng tay bằng đồng do người làng nộp xin xử phạt mà ông giữ đến nay đã được một rổ đầy. Trong vô số vụ xử kiện đó, có một vụ ông bảo rằng khó quên nhất, xảy ra gần chục năm trước.

Ban đầu, đó đơn giản chỉ là một vụ đánh nhau bằng gậy gộc khiến hai bên đều xây xát, chảy máu nhưng chưa đến mức gây thương tích nghiêm trọng. Thanh niên đánh nhau trong buôn, ông vẫn xử phạt hoài. Nhưng lần này, đứng phía sau cặp trai trẻ đánh nhau lại là hai dòng họ từng có thù với nhau từ một vụ tranh chấp đất rẫy.

Y Xang Bhăm và Y Phong Byă cùng thích một cô gái ở buôn Trí B. Hai gã trai từ chỗ không quen biết đâm ra là cái gai trong mắt nhau. Một bữa, chẳng biết thách thức nhau thế nào mà Y Xang và Y Phong lôi nhau ra rẫy “tẩn” nhau một trận. Thương tích thì đã rõ nhưng khi cha mẹ Y Xang xót con, đòi Ma Tăy xử cho ra lẽ thì hai chàng trai đổ vấy lỗi cho nhau, chẳng ai chịu nhận là kẻ đầu têu.

Gay go ở chỗ không có ai là người ngoài chứng kiến cuộc ẩu đả. Cha mẹ của Y Phong làm chứng bừa rằng đã nghe Y Xang thách thức con mình và chính Y Xang là người ra đòn trước. Cha mẹ Y Xang cãi lại. Hiềm khích xưa của hai dòng họ Bhăm và Byă tưởng đã được dẹp bỏ bỗng có dịp bùng phát trở lại. Vậy là cuộc tranh cãi không chỉ trong phạm vi hai gia đình mà họ còn lôi cả hai dòng tộc vào cuộc.

Sau ba lần hòa giải bất thành ở nhà già làng Ma Tăy, vụ xử được đem ra nhà văn hóa cộng đồng, người trong buôn đến chứng kiến tràn cả ra ngoài sân. Chẳng là qua mấy đêm trằn trọc, Ma Tăy gọi Ma Bu Pha - già làng buôn Giang Lành và Ma Lâm Thiên - già làng buôn Trí A đến bàn bạc, hợp sức xử vụ kiện khó. Đây là vụ xử hiếm hoi có mặt cùng lúc đến ba già làng. Vụ xử trở thành cuộc đấu trí gay go của ba vị già làng và hai dòng họ “đương sự”. Nhờ kết hợp cùng tung hứng hỏi xoáy, hỏi vặn mà ba ông đã khiến Y Phong buột miệng nói hớ, “lộ tẩy” chính anh chàng mới là người gây sự trước.

Giờ nghỉ “giải lao”, các già làng tranh thủ “làm công tác tư tưởng”, khuyên dòng họ Y Xang Bhăm hãy tỏ ra cao thượng, bao dung mà chấp nhận phạt nhẹ Y Phong Byă so với luật tục. Dòng họ nhà Y Xang nghe xuôi tai, trong khi dòng họ nhà Y Phong cũng biết xấu hổ, hối lỗi. Hiềm khích hai dòng họ thực sự được hóa giải. Nhà Y Phong tâm phục khẩu phục sau đó đã cúng phạt một con heo 50 kg, năm con gà và hai ché rượu.

Ám ảnh chiếc còng gỗ của già làng xưa

Còn nhiều vụ việc trong buôn mà hễ đến tay thì Ma Tăy đều xử rốt ráo. Có vụ ông chỉ cần khuyên giải nhẹ nhàng chốc lát, có vụ ông phân xử từ chập tối đến 2 giờ sáng mới xong. Từ con heo nhà này đi phá rẫy của nhà khác, ông này trộm bắp nhà bà kia, hai vợ chồng lục đục, thằng con cãi hỗn với cha mẹ… tất tật người trong buôn đều muốn “mách” với ông. Lắm khi đó không phải vụ kiện, mà đơn giản ông là chỗ dựa tinh thần, nơi tin tưởng cho họ giãi bày và cho họ một lời khuyên xác đáng.

Hơn 20 năm trước, Ma Tăy sống ở khu Cầu Treo, thuộc buôn Trí A. Đất đai xã Krông Na lúc đó hoang sơ, ông bèn đến địa phận buôn Trí B bây giờ khai phá. Gần 10 ha đất đầy cỏ tranh trở thành rẫy bắp, ruộng lúa tốt tươi dưới tay vợ chồng ông. Nhờ đó ông bà nuôi chín đứa con nên người. Nhiều người nói Ma Tăy chính là một trong những người khai thiên lập địa vùng đất này cũng chẳng sai. Đến bây giờ ông vẫn còn nói: “Tôi ước gì mình được khỏe như hồi đôi mươi để làm lụng được nhiều hơn. Tôi thương dân làng mình còn nghèo quá nhưng có một số người nghèo vì còn làm biếng”.

Người ta phục Ma Tăy không chỉ bởi ông siêng năng mà còn ở uy tín, tài đức, khả năng ăn nói thuyết phục của ông. Vợ chết đã lâu, ông ở vậy cặm cụi làm lụng nuôi đàn con. Chưa từng có ai thấy ông say xỉn hay vướng thói hư tật xấu nào. Cậy làm già làng ăn nói trịch thượng, đổi trắng thay đen lại càng không.

Ma Tăy cho biết ông thông thuộc hương ước, luật tục của người Ê Đê từ hồi còn là đứa trẻ nít, thời Pháp thuộc. Ký ức của ông về già làng là những vụ xử kiện, xử phạt mà ông chứng kiến, khi đó già làng có quyền uy ghê gớm. Có một lần, một người đàn ông trong làng phạm tội loạn luân với cô em họ.

Đây là một tội rất nặng. Ngoài bị phạt trâu, gà và rượu, hình ảnh ông ấn tượng nhất là người này bị già làng tra còng gỗ vào hai tay rồi sau đó bị đuổi ra khỏi làng. Chiếc còng gỗ như biểu tượng của quyền uy, của công lý mà các già làng thời đó được nắm giữ cứ ám ảnh ông mãi.

Ông chia sẻ: “Sau này, tôi nhận ra quyền uy cũng cần thiết nhưng có một thứ quan trọng hơn, đó là cái tâm, cái tình. Tôi vẫn căn cứ vào hương ước nhưng xử phải làm sao cho có lý, có tình. Xử nhiều khi cần có sự cảm thông để người phạm lỗi còn có đường hối cải, sửa chữa sai lầm” - ông bộc bạch. Thời lập buôn, ông được lòng tất thảy người trong vùng và được bầu chọn làm già làng bởi nhận thấy ông “xứng đáng làm cây đa đầu suối” là vì vậy.

Làm già làng, Ma Tăy được gì? Về vật chất, hầu như ông chẳng được gì. Ông không có lương. Có chăng là… 20.000 đồng tiền trà nước cho có lệ mỗi lần có ai đến thưa kiện. Và mớ rau rừng, con cá, thúng trái cây… mà người trong buôn thỉnh thoảng ghé biếu ông. Nhưng đó cũng chính là cái tình mà họ dành cho ông. Mà cái tình của mọi người dành cho mình thì ông được rất nhiều. Bất luận già, trẻ trong buôn gặp ông đều chào hỏi cung kính, niềm nở. Những điều ông nghe nhiều nhất từ họ là lời hỏi thăm sức khỏe, tiếng cảm ơn và “báo cáo” tình hình ăn ở trong gia đình. Chưa có ai từng nói hỗn với ông, kể cả những thanh niên trong buôn xuống TP học cao hiểu rộng.

Luật tục xử phạt thời @

Xưa các “đương sự” đến nhà Ma Tăy hoặc họ mời ông đến tận nhà họ phân xử. Từ khi buôn có nhà văn hóa cộng đồng thì đa số vụ xử đều được đem ra đây. Hội đồng xét xử gồm ông, buôn trưởng, buôn phó. Bắt buộc phải có đại diện gia đình và dòng họ của bên “nguyên” và bên “bị”. Nếu vắng người trong gia đình hoặc dòng họ thì phải có người đứng ra nói “lời nguyền” cam đoan thay họ chấp nhận mọi sự phán xét và hình phạt.

Lễ vật nộp phạt thường do thỏa thuận giữa hai bên, già làng Ma Tăy là người chốt lại sau cùng. Nếu người bị phạt không có trâu, không có gà thì có thể thay thế bằng số tiền tương ứng. Xưa cứ căn cứ theo hương ước mà xử miệng, nay phiên xử được thư ký lập thành bốn văn bản, già làng giữ một bản, còn lại giao cho trưởng buôn và hai bên kiện.

Ma Tăy cho biết xưa thường mỗi tháng ông xử 2-3 vụ việc, mấy năm nay thì ít hơn và ông mừng về điều này. Nhấp một ngụm trà, ông ngâm nga: Gốc bí mà khô thì phải tưới/ Nếu còn non phải ngắt bớt mầm/ Nếu ngọn vượt quá cao phải kéo xuống… Đó cũng là trách nhiệm của một già làng, linh hồn của một buôn làng được ví von trong hương ước, mà Ma Tăy trang trọng tiếp nối bất chấp thời thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Thu (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN