Nợ công có thực sự an toàn?

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: "Trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nợ công rơi vào tình trạng vay để trả nợ... xin Bộ trưởng cho biết nợ công có thực sự an toàn không?"

Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn

Chiều 10/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề, trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, xuất khẩu không thuận lợi, nợ công rơi vào tình trạng vay để trả nợ.

Nhưng theo Báo cáo của Bộ Tài chính, nợ công vẫn trong ngưỡng đảm bảo an toàn. “Xin Bộ trưởng cho biết nợ công có thực sự an toàn không, giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?”, đại biểu Lê Thị Công chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của danh mục nợ công, cần tính đến các yếu tố cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Đây là hai yếu tố rất quan trọng.

Nợ công có thực sự an toàn? - 1

Bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng thông tin khi trả lời chất vấn ĐBQH chiều 10/6. Ảnh: Nguyễn Dũng/ infonet

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này, nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn. Bao gồm chỉ tiêu tỷ lệ nợ công trên GDP, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách hàng năm, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Bộ trưởng Tài chính báo cáo, về chỉ tiêu nợ công trên GDP, tỷ lệ này thay đổi không nhiều qua các năm, năm 2010 là 51,7%, năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 53,4%. Tỷ lệ này nằm trong ngưỡng Quốc hội cho phép 65%.

Riêng nợ Chính phủ hiện nay 41,5% thấp hơn chỉ tiêu 55% Quốc hội cho phép. Cùng với tăng trưởng GDP ở mức trung bình trong những năm tới kết hợp với việc kiểm sát chặt chẽ tính bền vững và khả năng trả nợ sẽ tiếp tục duy trì.

Về thời điểm trả nợ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là việc rất quan trọng. Trong điều kiện những năm vừa qua kinh tế khó khăn, huy động khó khăn, cho nên thời hạn huy động rất ngắn 2 năm, 3 năm, 5 năm. Khoảng 30% huy động trong nước ở thời gian phải trả nợ trong vòng 1 đến 3 năm.

Đây là vấn đề hệ trọng, đã báo cáo với Chính phủ, với Thủ tướng Chính phủ cần phải có giải pháp để cơ cấu lại nợ công.

Các chỉ tiêu quan trọng khác, tỉ lệ trả nợ tổng số vượt 25% nhưng phân tích sâu thì trong này có 10% vay đảo nợ (không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ), nên nếu trừ nghĩa vụ vay đảo nợ, vẫn nằm mức 20-21%, dưới mức 25%.

Về câu hỏi: “Vay để đảo nợ, tức là vay để trả nợ đến hạn tác động đến nợ công thế nào? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, vay đảo nợ nếu không phát sinh nghĩa vụ nợ mới, có khi còn vay được nợ mới mà lãi suất thấp hơn... nợ công không bị ảnh hưởng.

Theo Bộ trưởng, vấn đề phải huy động được vốn có thời hạn huy động dài hơn thời hạn hiện nay, giải pháp tái cơ cấu nợ công rất quan trọng.

Giảm tới 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) dẫn câu hỏi từ các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh cũng như doanh nghiệp vay không trả nợ được. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể về các khoản nợ của Vinashin, Vinalines mà Chính phủ cho vay hoặc bảo lãnh vay đã và đang đáo hạn phải trả. Chính phủ có trả nợ thay không hoặc bảo lãnh vay đáo hạn không?

Về số nợ Vinashin, Vinaline, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, kinh nghiệm cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả quốc gia phát triển khi cần thiết cũng can thiệp vào xử lý tài chính của doanh nghiệp lớn. Ví dụ như ngàn hàng Hoàng đế Scotlen tại Anh hay công ty ôtô Gineran môtô tại Mỹ Chính phủ cũng can thiệp vào nợ khi cần thiết.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đã cấp bảo lãnh Chính phủ để phát hành trái phiếu tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp lý về cấp và quản lý bảo lãnh nợ Chính phủ.

Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi của công ty mẹ của tập đoàn Vinashin và 8 công ty con giữ lại.

Ông nói: “Số liệu nợ cũng đã được rà soát đối chiếu kỹ lưỡng và kết quả xử lý là giảm tới 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin”.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt câu hỏi: “Qua một năm được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Tài chính chèo lái con thuyền ngân sách quốc gia trong thời kỳ đầy khó khăn, tân Bộ trưởng đã tiếp thu hoặc tự mình rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá nào để đề ra hệ thống giải pháp mạnh mang tính đột phá, đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh...?.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tiến Dũng nói bài học thứ nhất rất truyền thống là ngành tài chính đoàn kết.

Bài học thứ hai, Bộ trưởng cho rằng, làm tài chính, sự trung thực rất quan trọng, tình hình như thế nào báo cáo như thế, tình hình thế nào đề xuất giải pháp như thế. Thứ ba là phải phối hợp tốt với các cấp, chính quyền các địa phương.

Cuối cùng, cũng phải công khai, minh bạch và gắn với thông tin tuyên truyền, truyền thông chính sách, các chủ trương của bộ, của Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duơng Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN