Những thảm kịch hàng không thảm khốc nhất năm 2014

Năm 2014 được coi là năm thảm họa với ngành hàng không thế giới khi liên tiếp chứng kiến những thảm kịch rơi máy bay khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Ngày 28/12, cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin chiếc máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia chở 162 người biến mất bí ẩn trên vùng biển Java (Indonesia). Mặc dù chưa có thông tin chính thức, nhưng nhiều khả năng chiếc máy bay này đã gặp nạn và có thể đã nằm lại dưới đáy biển, các quan chức cứu nạn Indonesia nhận định.

Nếu nhận định này là đúng, năm 2014 sẽ khép lại một năm đầy thảm họa của ngành hàng không thế giới khi các vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp xảy ra khiến hàng nghìn người thiệt mạng và mất tích.

Tai nạn máy bay quân sự Algeria khiến 77 người thiệt mạng

Vào ngày 11/ 2 năm nay, chiếc máy bay vận tải Lockheed C-130 Herculs của không quân Algeria đã rơi tại vùng núi Ain Kercha, cách sân bay Constantine của Algeria khoảng 30km.

Những thảm kịch hàng không thảm khốc nhất năm 2014 - 1

Hiện trường vụ tai nạn máy bay C-130 Hercules của không quân Algeria

Vụ tai nạn đã khiến 76 người trên chiếc máy bay thiệt mạng, chỉ duy nhất một người sống sót. Điều tra ban đầu cho thấy, thời tiết xấu có thể là nguyên nhân khiến máy bay rơi.

Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích

Ngày 8/3 được coi là ngày đen tối của hãng hàng không Malaysia Airlines khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 mất tích một cách bí ẩn cùng 239 hành khách và phi hành đoàn trong hành trình bay từ Kuala Lumpur, Malaysia đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Những thảm kịch hàng không thảm khốc nhất năm 2014 - 2

Bảng cầu  nguyện cho hành khách máy bay MH370 tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia

Một chiến dịch tìm kiếm với quy mô lớn chưa từng có với sự tham gia của hơn 20 quốc gia đã diễn ra tại vùng biển rộng lớn Ấn Độ Dương, tuy nhiên cho tới nay, vẫn chưa có kết luận nào được đưa ra, và vụ mất tích vẫn là một trong bí ẩn lớn nhất của lịch sử hàng không.

Tai nạn máy bay tại Lào, 4 cán bộ cấp cao thiệt mạng

Ngày 17/5/2014, chiếc máy bay quân sự An-74TK300 của không quân Lào đã gặp tai nạn tại làng Nadee, huyện Paek, tỉnh Xiêng Khoảng. Vụ tai nạn đã khiến 4 quan chức cấp cao thiệt mạng trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Bộ trưởng Bộ An ninh Lào, Bí thư kiêm Đô trưởng Vientiane và Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Lào.

Những thảm kịch hàng không thảm khốc nhất năm 2014 - 3

Vụ tai nạn tại Lào đã khiến 4 quan chức cấp cao thiệt mạng

Máy bay An-74TK300 được biết là một biến thể của máy bay vận tải An-72 do Nga sản xuất. Máy bay này có thể chở theo 52 người, đạt vận tốc tối đa 700 km/h và có tầm hoạt động 4.325 km.

Rơi máy bay MH17 tại Ukraine khiến 298 người thiệt mạng

Chưa đầy 4 tháng sau vụ mất tích của máy bay MH370, hãng hàng không Malaysia Airlines tiếp tục hứng chịu vận đen khi vào ngày 17/7/2014, chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng này đang trong hành trình từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur đã bị rơi khi bay qua không phận của khu vực miền đông Ukraine khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay bị thiệt mạng.

Những thảm kịch hàng không thảm khốc nhất năm 2014 - 4

Mảnh vỡ của máy bay MH17 tại miền đông Ukraine

Đa số hành khách trên máy bay là người Hà Lan, trong đó có ba công dân Hà Lan gốc Việt. Báo cáo điều tra sơ bộ được Ủy ban An toàn Hà Lan công bố vào hồi tháng 9 cho thấy chiếc máy bay bị nổ giữa trời do bị tác động bên ngoài từ nhiều vật thể có tốc độ lớn, không có dấu hiệu nào  cho thấy có lỗi kỹ thuật của máy bay hay phi công.

Chính phủ Ukraine và phương Tây cho rằng MH17 đã bị lực lượng nổi dậy thân Nga bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không. Về phần mình Nga và lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine cáo buộc quân đội Ukraine là chính thủ phạm trong vụ việc này.

Rơi máy bay tại Đài Loan

Dư luận quốc tế còn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc MH17, thì chưa đầy một tuần sau, vào ngày 23/7 chiếc máy bay mang số hiệu GE222 của hãng TransAsia Airways bay từ thành phố Cao Hùng đến Mã Công, Đài Loan (Trung Quốc) chở 58 hành khách và phi hành đoàn đã rơi và bốc cháy tại một khu nhà dân ở Bành Hồ, Đài Loan.

Những thảm kịch hàng không thảm khốc nhất năm 2014 - 5

Hiện trường vụ tai nạn máy bay GE222 của hãng TransAsia Airways tại Đài Loan

Vụ tai nạn đã khiến 48 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Giả thiết ban đầu cho rằng vụ tai nạn do bão Matmo đã tràn qua Bành Hồ, gây mưa to, gió lớn. Tuy nhiên Cơ quan Hàng không Dân dụng Đài Loan cho biết thời tiết ngày 23/7 thuận lợi cho hoạt động của  máy bay.

Tai nạn máy bay tại Algeria khiến 116 người thiệt mạng

Ngày 24/7, một ngày sau vụ tai nạn máy bay tại Đài Loan, ngành hàng không thế giới tiếp tục phải chứng kiến một thảm họa hàng không khác khi chiếc máy bay mang số hiệu AH5017 của hãng hàng không Air Algerie đã rơi tại khu vực Gossi của Mali, gần biên giới với Burkina Faso khiến toàn bộ 116 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy  bay thiệt mạng.

Những thảm kịch hàng không thảm khốc nhất năm 2014 - 6

Chiếc máy bay mang số hiệu AH5017 của hãng hàng không Air Algeria đã rơi tại khu vực Gossi của Mali, gần biên giới với Burkina Faso

Trước đó, AH5017 đã bị mất liên lạc với trạm không lưu chỉ sau 50 phút cất cánh khi đang trong hành trình bay từ Ouagadougou, Thủ đô Burkina Faso đến Thủ đô Algiers của  Algeria. Phi công của chiếc máy bay đã liên lạc với trạm không lưu ở Niamey để thay đổi lộ trình bay do gặp phải bão cát.

Trong khi đó, giới chức Pháp khẳng định chiếc máy bay này vượt qua đợt kiểm tra mới nhất ở Pháp trong tình trạng tốt, tuy nhiên không loại trừ khả năng trục trặc kỹ thuật.

Tai nạn máy bay tại Iran, 48 người thiệt mạng

Ngày 10/8, chiếc máy bay Antonov An-140 thuộc hãng Hàng không Sepahan Airlines, chở theo 40 hành khách, gồm 6 trẻ em và 8 thành viên phi hành đoàn đã rơi xuống khu dân cư ở thủ đô Tehran, Iran chỉ ít giây sau cất cánh. Điều tra ban đầu cho thấy nguyên nhân vụ tai nạn do lỗi động cơ.

Những thảm kịch hàng không thảm khốc nhất năm 2014 - 7

Khói bốc lên từ vụ tai nạn máy bay tại Iran

Tehran cáo buộc các lệnh cấm vận kinh tế khiến nước này không thể mua sắm những phụ tùng hoặc máy bay mới. Trong nhiều năm, các máy bay đang hoạt động được nhập khẩu một phần qua chợ đen, lấy phụ tùng từ các máy bay khác hoặc tái sản xuất trong nước, các nguồn tin trong ngành hàng không cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Nhung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN