Ngày 8/3 trong “thế giới người điên”

Ngày 8/3 đã đến, song với những người phụ nữ đang điều trị hay chăm nuôi cho bệnh nhân tâm thần vẫn bình thường như bao ngày khác.

Vui, buồn bác sĩ chữa tâm thần

Càng gần đến ngày 8/3, không khí ngoài đường càng trở nên tấp nập với cảnh mua bán, chuẩn bị các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ. Song, bên trong bức tường đơn ngăn cách Bệnh viện Tâm thần Hà Nội với bên ngoài là một “thế giới” hoàn toàn khác. “Thế giới” mà Y học gọi họ là bệnh nhân tâm thần, nhưng người đời vẫn thường gọi họ với cái tên nghe chua xót đến đau lòng: “thế giới người điên”.

Dò dẫm trong “thế giới” ấy, chốc chốc chúng tôi bắt gặp từng tốp bệnh nhân tâm thần, họ mặc áo đồng phục sọc xanh trắng, ngồi co ro với nhau trên ghế đá. Phía xa, một bệnh nhân nam, quần áo xộc xệch, miệng liên tục nói “Nhị… nhị vàng, bông trắng… trắng, lá xanh… xanh…”, rồi đưa tay chỉ thẳng về phía chúng tôi, cười rồi khóc chỉ trong khoảnh khắc.

Bệnh nhân tâm thần ở đây đến từ nhiều vùng miền khác nhau, đủ mọi lứa tuổi.

Những nụ cười ngờ nghệch, những ánh mắt vô hồn ném vào không gian vô định, những hành động quái gở không giống ai… khiến người bình thường khi chứng kiến đều cảm thấy sợ hãi, xa lánh. Song, với những “lương y như từ mẫu”, hàng ngày họ vẫn đều đặn với công việc, tận tình chăm sóc, điều trị, cảm hóa người bệnh bằng tình người như chính người thân của mình. Nên với họ, chuyện tất bật đến quên ăn quên ngủ để khám bệnh trong ngày Quốc tế Phụ nữ như thế đã quá đỗi bình thường.

Ngày 8/3 ở bệnh viện, các y bác sĩ quây quần bên nhau được ban giám đốc bệnh viện xuống thăm hỏi, tất cả nhân viên y tế tham gia trực cùng bệnh nhân và người thân của họ tổ chức bữa tiệc nhẹ gồm bánh kẹo, hoa quả. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Thi thoảng, có bệnh nhân gặp lúc tỉnh táo, nhớ tới ngày Quốc tế Phụ nữ đứng lên chúc mừng bác sĩ: “Chúc bác sĩ 8/3 vui vẻ nhé”!, khiến tất cả mọi người đều vui vẻ, khiến ngày đặc biệt ấy cũng trôi qua nhẹ nhàng.

Lựa chọn vào công tác ở bệnh viện tâm thần, đối với bác sĩ Bùi Thị Thanh Hải – Trưởng khoa C, đó là duyên nghiệp mà chị không thể dứt ra được. Tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, chị chuyển về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội mà theo chị quyết định lúc đó là vô cùng bản lĩnh. Bởi không chỉ vất vả trong công việc mà các y bác sĩ còn phải đối đầu với áp lực từ người thân và định kiến xã hội. Hễ nhắc đến Sài Đồng, Trâu Quỳ, mọi người trong đầu ai cũng hiện lên ấn tượng không mấy tốt đẹp. Bản thân chị khi quyết định nhận việc cũng luôn bị gia đình, bạn bè căn ngăn vì sợ khổ, sợ bị hành hung, sợ bị tâm thần ảnh hưởng.

Song, vượt lên tất cả, cùng chứng kiến, cùng chung sống “thế giới điên loạn” ấy, chị như người thân duy nhất thấu hiểu ranh giới mong manh giữa mê và tỉnh, bệnh nhân tâm thần – họ vẫn thực sự khao khát một cuộc sống bình thường như biết bao người khác. Chính những lúc đó, người thầy thuốc lại càng quyết tâm gắn bó với nghề, trau dồi kinh nghiệm, đóng đủ các vai khi thì bác sĩ đa khoa, khi là chuyên gia tư vấn tâm lý, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, kiêm luôn thợ cắt tóc, gội đầu, cắt móng tay, nhân viên vệ sinh cá nhân người bệnh… Niềm vui an ủi với họ chính là được chứng kiến bệnh nhân hồi phục trở về hòa nhập với cộng đồng.

Bác sĩ Thanh Hải tâm sự, bệnh nhân ở đây đến từ nhiều vùng miền khác nhau, đủ mọi lứa tuổi. Ngoại trừ những người bị bệnh tâm thần do nội sinh (là những người có yếu tố tâm thần ẩn trong cơ thể), còn lại đa phần họ phát bệnh vì phải hứng chịu những cú sốc quá lớn của cuộc sống: như thất tình, mất con hay phá sản trong làm ăn kinh tế… Có bệnh nhân luôn cho mình là nhân vật siêu phàm, xuất chúng. Cũng có những bệnh nhân luôn nghĩ họ bị ai đó rình mò theo dõi để hãm hại… Bình thường họ lành như đất hoặc ngô nghê, thế nhưng khi bị kích động lên cơn, lập tức trở thành mối nguy cho những người xung quanh, kể cả y bác sĩ trực tiếp phục vụ chăm sóc.

Ngày 8/3 trong “thế giới người điên” - 1

Ngày 8/3, với những người phụ nữ sống trong "thế giới người điên" ấy vẫn như ngày bình thường khác

Chính vì vậy mà công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần càng khó khăn hơn những bệnh khác. Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những bác sỹ ở đây mới nhận thấy đó là công việc mà không phải ai cũng làm được. Công việc hàng ngày của họ không chỉ là điều trị cho bệnh nhân, mà còn phải chăm sóc cho bệnh nhân từ miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa, vệ sinh cá nhân đến hướng dẫn đi vệ sinh đúng chỗ. Trong khi làm tất cả những công việc đó, bác sĩ có thể gặp sự chống đối, thậm chí hành hung của bệnh nhân bất cứ lúc nào. Đang trong giờ ăn, có bệnh nhân hất cả bát cơm, bát canh vào mặt bác sĩ. Hay những lúc bệnh nhân lên cơn, đồ vật xung quanh đều trở thành vũ khí để tấn công bác sĩ. Chính vì vậy mà các thầy thuốc ở đây đều nói vui với nhau rằng, chuyện bị bệnh nhân tấn công là chuyện thường như cơm bữa.

Phận đàn bà

Hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Thanh Hải vẫn nhớ như in chuyện một cô giáo dạy văn ở huyện Đông Anh, Hà Nội bị tâm thần do nội sinh. Là giáo viên dạy văn giỏi của trường, bỗng một ngày cô trở nên điên loạn, nhập viện khi chưa một ngày được làm vợ.

Không thể nhớ cô giáo dạy văn nhập viện từ khi nào, chỉ biết khi chị về làm việc tại khoa nữ của bệnh viện thì cô giáo đã điều trị tại đây được nhiều năm, tái phát nhiều lần, ít nhiều đã sa sút.

Những lúc tỉnh táo, cô giáo vẫn sinh hoạt bình thường không khác gì những người phụ nữ khác. Tuy nhiên, khi “trái gió, trở trời” cô giáo bỗng trở thành một người hoàn toàn khác. Tóc tai bù xù, thẫn thờ, gương mặt bơ phờ, hoảng loạn, lột trần cơ thể, cười rồi lại khóc, rồi đứng chửi một mình. Thấy bác sĩ chạy đến, bệnh nhân có thể phản kháng, thậm chí hành hung bất cứ lúc nào.

Nhớ lại kỷ niệm ngày 8/3, bác sĩ Hải chia sẻ: “Tôi từng rơi nước mắt khi lần đầu tiên nhận được tấm bưu thiếp do chính tay cô giáo làm chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ. Kể từ lần đó, năm nào vào ngày sinh nhật hay ngày 8/3, 20/10 tôi đều nhận từ cô giáo những món quà nhỏ xinh như chiếc khăn mặt, đôi tất chân. Món quà nhỏ bé, nhưng đối với tôi đó là vô cùng quý giá”.

Chị kể, cũng phận đàn bà, nhưng với những bệnh nhân tâm thần như cô giáo ấy làm gì có ngày 8/3. Phần đời còn lại của họ vẫn chỉ là con số 0, không nhà, không người thân, không quê hương, không tên tuổi, chứ đừng nói gì đến hoa và quà cho ngày này. Nhưng những lúc tỉnh táo, họ vẫn ý thức được đây chính là ngày người phụ nữ được tôn vinh, và bày tỏ tình cảm đó đối với các y bác sĩ, những người vẫn thường xuyên đồng hành cùng họ trong chặng đường còn lại của cuộc sống.

Rời khoa C, chúng tôi tìm sang bệnh nhân tâm thần ở khoa Nghiện chất. Gặp chị Nguyễn Thị Ninh (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đang chăm nuôi chồng đang cai nghiện rượu tại bệnh viện, chúng tôi không khỏi xúc động trước tâm sự của chị. Trong nỗi niềm của người đàn bà nhiều năm sống trong cảnh chồng lấy rượu làm bạn tri kỷ, bù khú chén chú chén anh qua ngày, dường như với chị ngày cả thế giới tôn vinh người phụ nữ không có ý nghĩa gì cả.

Không ít lần chứng kiến cảnh các ông chồng mua hoa, chọn những món quà ý nghĩa để tặng vợ nhân dịp ngày lễ, khiến chị cảm thấy tủi thân. Đã bao lâu rồi, sau một ngày làm việc vất vả, hình ảnh chồng chị lúc nào cũng lè nhè, mặt mũi phừng phừng bên chén rượu chẳng biết khi nào vơi khiến chị bị ám ảnh. Không khí gia đình căng thẳng, áp lực con cái, gia đình khiến không ít lần chị cảm thấy không thể vượt qua.

Song, vì cuộc sống, chị lại tiếp tục với chuỗi ngày vất vả, chịu đựng và hy sinh. Trải lòng về những mong ước trong ngày 8/3, chị chỉ mong rằng: Chồng không còn uống nhiều rượu như ngày hôm qua, mong bán được nhiều hàng để có tiền cho con đóng học.

Ngày 8/3 đã đến, song với những người phụ nữ đang chăm sóc, điều trị hay chăm nuôi cho bệnh nhân tâm thần vẫn bình thường như bao ngày khác. Nói về ngày này, các bác sĩ lại cười nói với nhau rằng vất vả căng thẳng là không thể tránh khỏi, nhưng “còn gì hạnh phúc bằng trong ngày đặc biệt được chữa trị cho những bệnh nhân đặc biệt”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Anh – Hà Phương (VOV online)
Ngày quốc tế phụ nữ 8.3 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN