Cúc Phương tứa máu: Phá vào vùng lõi

Sau khi thâm nhập rừng vùng đệm, chúng tôi tiếp tục vào vùng lõi rừng Cúc Phương, ở thôn Biện, xã Thạch Lâm (Thạch Thành, Thanh Hoá). Chẳng khác gì rừng vùng đệm, tại đây có rất nhiều cây cổ thụ đã bị đốn hạ, những phách gỗ nằm ngổn ngang chờ thời điểm đưa xuống núi.

Sau nhiều ngày ở đây, chúng tôi nắm bắt được thông tin về tình trạng phá rừng ở vùng lõi VQG Cúc Phương. Theo thông tin PV có được, việc khai thác gỗ được tập trung chủ yếu ở tiểu khu 7, thuộc thôn Biện, xã Thạch Lâm. Việc khai thác gỗ do những người cầm đầu lo lót mọi thứ, số người này sẽ làm luật với những người có trách nhiệm bảo vệ rừng, sau đó thuê người dân khai thác và vận chuyển.

Nắm rõ được đường đi nước bước, phóng viên lập hẳn một kế hoạch với nhiều phương án khác nhau. Theo đó, chúng tôi vào vai dân đi du lịch thâm nhập rừng để tham quan. Tuy nhiên cách này không khả thi, bởi trước khi lên rừng phải vào trạm kiểm lâm xin giấy, nếu vậy sẽ bị kiểm lâm phát hiện.

Chúng tôi liền tính đến phương án 2, đi bằng con đường “tiểu ngạch”. Thôn Biện nép mình dưới vùng lõi rừng Cúc Phương. Phóng viên có mặt ở thôn nhờ người đưa lên rừng nhưng mọi người ở thôn đều từ chối. Ai nấy rất cẩn trọng và luôn hoài nghi những người chúng tôi có thể là kiểm lâm cơ động hoặc công an vào thôn để nắm bắt thông tin những người thường xuyên phá rừng.

Cúc Phương tứa máu: Phá vào vùng lõi - 1

Một cây trai bị đốn hạ

Biết được những suy nghĩ của người dân, phóng viên ra vẻ là những người chịu chơi, chịu chi. Ngồi ở quán nước đầu thôn và mua bia, rượu mời mọi người uống; vừa uống, vừa chuyện trò làm quen với người dân trong thôn và có ý muốn lên rừng khám phá. Cuộc “giao lưu” ngày một sôi nổi, trong số người ngồi cùng tôi, L nhận lời dẫn đường.

Tuy nhiên, L ra điều kiện: Để lên rừng theo con đường “tiểu ngạch” thì chờ ngày sương mù hoặc trời đổ mưa mới đi được. Tôi hỏi L, sao không đi ngày nắng? L bảo: Ngày nắng, kiểm lâm cơ động đi tuần dễ bị tóm lắm, ngày mưa ít khi kiểm lâm đi.

Nghe theo lời L dặn, chúng tôi xin ở qua đêm tại nhà một hộ dân trong thôn. Và điều may mắn đã đến, sáng ngày 28/3, trời bắt đầu đổ mưa phùn. Mới sang sớm, L chạy sang thông báo lên đường. Theo chân L đi về cuối thôn Biện và men theo đường mòn, chúng tôi mới bước vào cửa rừng nhưng phải bấu vào những vách đá dựng đứng, những cây gỗ lớn bị đốn hạ lúc nào không biết nhưng đã mục nát chắn ngang đường. Phóng viên cố gắng trườn từng bước một nhưng những tảng đá sắc lẹm, trơn trượt trở thành trở ngại đầu tiên trong suốt hành trình.

Cúc Phương tứa máu: Phá vào vùng lõi - 2

Cúc Phương tứa máu: Phá vào vùng lõi - 3

Những thanh gỗ được xẻ ra, chờ đưa xuống núi

Sau gần 1 tiếng đồng hồ, len lỏi qua nhiều khu rừng bắt gặp hàng trăm cây cổ thụ nhưng lạ thay không có cây nào bị đốn hạ. Tôi hỏi đùa L: Cây to thế này mà không ai chặt vậy? L đáp: “Đấy là những cây gỗ tạp, loại này có chặt cũng không dùng được, còn bán thì chỉ làm củi. Ở đây người ta chọn gỗ tốt chặt thôi”. Tôi bảo L, anh có thể dẫn bọn em đến xem những cây gỗ tốt được không, L nói: “Được, nhưng các chú đi đứng phải cẩn thận. Tầm 1 tiếng đồng hồ nữa là đến nơi”.

Theo như L cho biết, khu rừng này có tên là Thung Tối, vì đi lại khó khăn nên gỗ quý còn sót. Có mặt giữa đỉnh núi là cánh rừng già, những cây gỗ trai hàng trăm năm tuổi bị lâm tặc đốn hạ, trông vào chẳng khác gì một công trường khai thác gỗ. Có một số cây đã được xẻ nhiều thanh thẳng tắp, gỗ chưa kịp mang đi, dấu vết cưa còn mới. Cạnh đó có vô số cây nhỏ cũng bị đổ rạp xuống.

Cúc Phương tứa máu: Phá vào vùng lõi - 4

Những cây gỗ được xẻ vuông vắn

Chúng tôi tiếp tục mò mẫm để vượt núi lại bắt gặp 2-3 cây vừa bị chặt. Lâm tặc đã đánh dấu phân đoạn. Khu vực xung quanh đã dọn sạch để chuẩn bị xẻ, kế bên đó, còn có những bình dầu lâm tặc vứt chỏng chơ trong quá trình phá rừng.

Cúc Phương tứa máu: Phá vào vùng lõi - 5

Gỗ, bìa vứt ngổn ngang

L cho biết, người dân thôn Biện chủ yếu đi phá rừng thuê. Ở thôn chỉ có số người nhà bị hư hỏng thì lên rừng khai thác, còn đưa về nhà nhiều sớm muộn kiểm lâm phát hiện và sẽ tịch thu ngay. Hiện người dân khai thác gỗ là có người đứng ra bảo lãnh, họ chỉ làm thuê ăn tiền công. Mỗi ngày làm quần quật từ sáng đến tối nhận được 150-200.000 đồng, còn những người có cưa xăng, họ được cung cấp xăng, dầu kiếm được 300-500.000 đồng/ngày.


Một bếp nấu ăn dã chiến, dấu tích của những ngày lâm tặc xẻ “làm thịt” cây rừng còn trơ lại tro tàn. Đặc biệt, có gốc cây già nua, đường kính 2 người ôm không xuể nhưng bị lâm tặc chặt hạ rồi vứt từ mấy năm nay vì ruột bị rỗng.

Do chúng tôi nhắc đến chuyện chặt cây nhiều lần, L cũng tham gia vào câu chuyện. L kể: Những cây gỗ quý này đều lọt vào tầm ngắm của lâm tặc hết. Trước khi tiến hành đốn hạ, lâm tặc đã đi khảo sát, cây nào chất lượng tốt thì đánh dấu, lựa thời điểm thích hợp sẽ vào rừng, dùng cưa xăng hạ xuống.

Từ núi Thung Tối, tôi tiếp sang núi Thung Sáng, tại đây cảnh tượng lâm tặc tàn sát rừng không kém. Trên đường đi chúng tôi bắt gặp nhiều cây cổ thụ bị chặt hạ. Sau gần 1 ngày leo núi chứng kiến tình trạng phá rừng đang diễn ra nơi đây, chúng tôi bắt đầu xuống núi. Nắm giữ đầy đủ tư liệu, tôi mạnh miệng hỏi L: Lực lượng kiểm lâm đi tuần nhiều vậy sao không phát hiện phá rừng vậy? L cười: “Thì chỗ phá người ta không kiểm tra, chỗ không phá mới kiểm tra mà”.


Cúc Phương tứa máu: Phá vào vùng lõi - 6

Những cây gỗ lõi bị rỗng được lâm tặc vứt lại

Nán lại thôn Biện, chúng tôi được biết trong thôn có một số người phá rừng đã phải vào tù, có nhiều người bị phạt hành chính, tuy nhiên người dân vẫn tiếp tục phá rừng.

Theo quan sát của chúng tôi, lâm tặc chặt gỗ ở khu vực vùng lõi rừng Cúc Phương theo phương thức đánh nhanh, rút nhanh. Sau khi đốn hạ, bọn chúng sẽ cưa những thanh gỗ dài 2-3m, nặng 50-70 kg rồi vác xuống núi và chờ đêm xuống thì vận chuyển bằng đường bộ, xe máy đi ra khỏi thôn. Cứ ngày nào, xẻ được bao nhiêu gỗ, bọn chúng sẽ vận chuyển hết từng ấy, tuyệt đối không để lại giữa rừng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đắc Thành (Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN