TPP: Cửa có mở toang cho nông sản Việt?

Nông sản Việt Nam đang có cơ hội rất lớn sau 1 - 2 năm nữa khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các dòng thuế dần hạ về 0%

Tại hội thảo “Tác động của TPP đối với nông nghiệp và lao động Việt Nam” do Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM) và Báo Người Lao Động tổ chức ngày 28-10 ở TP HCM, nhiều ý kiến cho rằng dù cửa đã mở nhưng nếu Việt Nam vẫn xuất khẩu nông sản thô, không nâng được chất lượng và có thương hiệu thì rất khó tăng tốc vào được những thị trường tiềm năng.

Có ưu thế, chưa chắc tận dụng được

Theo ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam có ưu thế vượt trội riêng trong “thị trường ngách” khi gia nhập TPP vì cộng đồng TPP rất hạn chế về sản xuất lúa gạo.

Trong 10 năm qua, tổng sản lượng gạo trung bình của các nước trong khối TPP là 45,3 triệu tấn/năm thì Việt Nam đã chiếm 26,7 triệu tấn (tương đương 58,9%), nhập khẩu của 11 nước TPP còn lại tăng khá mạnh trong thời gian trên.

TPP: Cửa có mở toang cho nông sản Việt? - 1

Các đại biểu trao đổi bên hành lang hội thảo. Ảnh: Hoàng Triều

Hấp dẫn nhất là thị trường Malaysia. Năm 2014, nước này nhập khẩu của Việt Nam 473.000 tấn gạo và 422.000 tấn từ Thái Lan. Khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu giảm, Thái Lan nằm ngoài khối TPP nên có thể phải nhường lại thị phần do không cạnh tranh được với gạo Việt Nam. Tiếp đó, sản lượng 163.000 tấn/năm của Thái Lan xuất sang Singapore cũng có thể phải nhường bớt cho Việt Nam với lý do tương tự.

Tuy nhiên, với các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản thì rất khó vì đến nay, gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu, không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc.

Đối với thủy sản, ông Từ Thanh Phụng, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu, cho biết doanh nghiệp (DN) rất hồ hởi trước TPP do được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. “Hiện nay, thuế xuất khẩu thủy sản sang các nước tham gia TPP đang ở mức từ 12% - 19%; khi thuế giảm, hàng hóa Việt Nam ở các nước sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn. Đón đầu TPP, Hùng Hậu đã mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến và đổi mới công nghệ, mở rộng thêm nguồn nguyên liệu đầu vào và đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc” - ông Phụng cho biết.

“Liều thuốc thử”

Theo TS Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), TPP là “liều thuốc thử” cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nếu cả guồng máy quản lý, nông dân và doanh nghiệp không cải cách và liên kết thì trong sân chơi bình đẳng chung với sự điều tiết khách quan của thị trường, sẽ dễ thua trên sân nhà.

“Theo kế hoạch, nội dung đàm phán TPP sẽ được tuyên bố chính thức vào đầu tháng 11 tới và Việt Nam còn khoảng 1-2 năm nữa để chuẩn bị khi TPP có hiệu lực đầy đủ. Tuy chưa có công bố chi tiết nhưng dự kiến trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ có  1.200 - 1.300 mặt hàng bị tác động. Trên nguyên tắc chung là không quốc gia nào tham gia TPP bị thiệt mà ai cũng có lợi, vấn đề là phải tận dụng lợi thế và thích ứng ra sao trước tình hình” - ông Tuấn nói.

Theo đó, gia nhập TPP, nông nghiệp Việt Nam có 4 cơ hội lớn. Thứ nhất, mở ra thị trường rộng lớn để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống nhiều rủi ro. Thứ hai, nông sản Việt sẽ có lợi thế cạnh tranh do được hưởng lợi từ những cam kết miễn, giảm thuế. Thứ ba, hấp dẫn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Thứ tư, đây là cơ hội mục tiêu và động lực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp 3 thách thức không hề nhỏ, vốn là những điểm yếu rất khó khắc phục. Đó là nền sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, xuất khẩu nông sản thô; khi thuế hạ thì “sân nhà” cũng bị áp lực cạnh tranh bởi nông sản ngoại và với chất lượng sản phẩm như hiện nay, nông sản Việt sẽ khó vượt qua hàng rào phi thuế quan của các nước.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, gần đây ngành nông nghiệp đã có những tín hiệu tốt bằng sự đầu tư cả chuỗi của các “đại gia” như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Hòa Phát… nên không ngại cạnh tranh với hàng ngoại. Đối với các nông hộ không thể chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiện đại thì vẫn có thể tiếp tục sản xuất theo kiểu truyền thống và nhắm đến những “thị trường ngách” bằng các loại “đặc sản” giá cao.

Làm nông vì không xin được việc khác!

PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Văn Hiến, nhận xét người lao động trong ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiệt tâm, nhiệt tình nhưng vẫn còn thiếu kỹ năng. “Chúng ta cứ nghĩ nghề nông là nghề ông bà để lại nên có nhiều kinh nghiệm nhưng thực chất quá trình phát triển kinh tế thế giới đòi hỏi nông dân phải nâng cấp tay nghề. Vì vậy, nông dân cần được đào tạo thêm về kỹ thuật sản xuất, quản lý trang trại và nâng cấp họ lên thành đội ngũ doanh nhân mới. Khi nâng lên quy mô doanh nghiệp, họ có thể quản lý tốt hơn sổ sách, bảo đảm về an toàn thực phẩm và cạnh tranh tốt hơn”- ông Đức nói.

Theo ông, người trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội chọn lựa nghề nghiệp nhưng xu thế thích những ngành “thời thượng”. Trong khi đó, nông nghiệp được đánh giá là ngành có nhiều lợi thế. Nếu bạn trẻ tiếp thu được những công nghệ hiện đại của thế giới và áp dụng vào nông nghiệp như công nghệ thông tin vào thương mại điện tử cho nông sản, công nghệ nano giúp bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng giống… thì sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh cho ngành.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp nước ta thì 97,25% không được đào tạo nghề nghiệp, chỉ có 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp, 1,23% trình độ trung cấp và 0,21% trình độ cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, số lao động có trình độ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp là do không xin được việc làm khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN