Vàng đi lên thẳng đứng

Giá vàng bất ngờ đi lên thẳng đứng và đạt 1.734 USD/ounce.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/11, giá vàng giao tháng 12 tăng 19,6 USD/ounce lên 1.734,3 USD/ounce, giá vàng giao ngay tăng 19,7 USD/ounce lên 1.734 USD/ounce, giá bạc giao ngay tăng 0,8 USD/ounce lên 33,17 USD/ounce.

Hôm qua, giá vàng có phiên tăng mạnh nhất trong thời gian gần đây gần 1%. Không chỉ giá vàng, giá nhiều loại hàng hóa cũng đi lên mạnh mẽ Chỉ số S&P GSCI đo lường giá 24 mặt hàng lên cao nhất 4 tuần.

Các kim loại đã thu hồi tất cả các khoản lỗ trong tuần trước. Tuần trước, các thị trường hàng hóa giảm sâu khi nhà đầu tư lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu. Bạc và nhóm bạch kim cũng tăng mạnh vào kỳ vọng nhu cầu tốt hơn trong bối cảnh triển vọng kinh tế có nhiều sáng sủa hơn.

Giá vàng nhận được hỗ trợ mạnh mẽ khi nhà đầu tư kỳ vọng cuộc đàm phán giải quyết “vách đá tài khóa” Mỹ sẽ đạt được nhiều thành công và kỳ vọng Hy Lạp có thể nhận được thêm nhiều gói cứu trợ để mua vàng miếng, chứng khoán và các loại hàng hóa khác.

Hôm 16/11 vừa qua, tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc họp tại Nhà Trắng với các nghị sĩ Quốc hội đến từ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để bàn về vấn đề này. Cả hai bên đều bày tỏ sự hợp tác và cho biết sẽ linh hoạt trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa hiệp chung về chính sách tài khóa Mỹ.

Ngoài ra, việc đồng USD giảm giá cũng hỗ trợ mạnh cho vàng. Hôm qua, chỉ số đồng đô la đã giảm trước hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật ngắn hạn, đồng bạc xanh vẫn có nhiều lợi thế tăng điểm.

Đồng USD giảm so với EUR khi nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy khu vực tuần tới euro zone có thể đồng ý gói cứu trợ trong 2 năm cho Hy Lạp.

Bên cạnh đó, căng thẳng đang leo thang giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza khiến nhà đầu tư lo ngại và tìm đến nơi trú ẩn an toàn là vàng.

Trong khi đó, giá dầu thô cũng tăng vọt theo căng thẳng tại Trung Đông. Trên sàn Nymex, giá dầu thô giao tháng 1 tăng 2,36 USD, tương đương 2,7% lên 89,28 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 19/10. Trong tháng 11, giá dầu thô tăng 3,5%.

Xung đột leo thang tại Trung Đông có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung dầu nơi đây. Trong khi các nước Trung Đông và Bắc Phi đóng góp 36% sản lượng dầu thô toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN