5000 m2 "đất kim cương" Hồ Tây rẻ hơn một căn biệt thự vì sao?

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, dư luận nói rằng, Bộ bán hãng phim có hơn 30 tỷ, trong khi trị giá hơn 2.000 tỷ đồng là không đúng, bởi đất của Hãng phim truyện Việt Nam đều là đất thuê của nhà nước.

Năm 2015, Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) nhận được yêu cầu về việc cổ phần hóa (CPH)  doanh nghiệp nhà nước. Những tưởng việc CPH doanh nghiệp này sẽ khiến mọi sự “đổi đời”, thế nhưng câu chuyện CPH đã và đang làm các văn nghệ sỹ và những người gắn bó với VFS bức xúc.

5000 m2 "đất kim cương" Hồ Tây rẻ hơn một căn biệt thự vì sao? - 1

Việc định giá "bèo" và nhiều vấn đề liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc.

Trong lá đơn kêu cứu gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam, tập thể nghệ sỹ, hội viên Chi hội Điện ảnh VFS cho biết, họ đồng tình và thấy rằng việc CPH là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và là xu hướng tất yếu đối với các đơn vị, doanh nghiệp để thoát khỏi tình trạng làm ăn thua lỗ trì trệ.

Sau khi chủ trương CPH về tới hãng phim, ông Vương Tuấn Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Hãng phim đã thành lập Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm 7 người. Tuy nhiên, theo các nghệ sỹ, hội viên Chi hội, có một điều hết sức kỳ lạ là trong tổ này lại không có các văn nghệ sỹ là những người có tên tuổi, có chức danh, chuyên môn cao và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề làm phim. Thay vào đó là những nhân viên phòng tổ chức, thư ký giám đốc được đưa vào Tổ giúp việc.

Tổ giúp việc này, do ông Vương Tuấn Đức làm Tổ trưởng cùng công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp, trước khi cổ phần là Công ty TNHH toán quốc gia VIA và Công ty tư vấn CPH là Công ty chứng khoán Châu Á - Bình Dương. Các đơn vị này đã đưa ra giá trị thương hiệu và giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0, với sự đồng ý của Ban cổ phần hóa.

“Ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của VFS theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập. Do vậy, sự định giá thương hiệu của VFS bằng 0 là điều bất bình thường khiến toàn bộ giới văn nghệ sỹ trong nước bất bình và đặt câu hỏi về sự minh bạch”, tập thể văn nghệ sỹ hội viên Chi hội Điện ảnh Việt Nam nêu rõ.

Khi trao đổi với báo chí, nghệ sĩ Quốc Tuấn vô cùng bức xúc và kiến nghị xem xét lại toàn bộ quá trình CPH, đồng thời đánh giá lại giá trị tài sản Hãng phim truyện Việt Nam. Bởi lẽ, một miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỷ đồng thì đó là điều nực cười.

Trước sự phản ứng của các nghệ sĩ cũng như dự quan tâm của dư luận, ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái - người trực tiếp chỉ đạo CPH Hãng phim truyện Việt Nam đã chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí. 

5000 m2 "đất kim cương" Hồ Tây rẻ hơn một căn biệt thự vì sao? - 2

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đất của Hãng phim truyện Việt Nam đều là đất thuê của nhà nước, theo quy định không được tính vào giá trị doanh nghiệp. 

Tại đây, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, năm 2013, Bộ Văn hóa bắt đầu tiến hành CPH VFS với kế hoạch hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay việc CPH hãng phim vẫn còn nhiều tranh cãi  do phải xác định giá trị tài sản lần 2. Vì trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều tài sản chưa thể đưa vào hết giá trị doanh nghiệp nên còn phải xin ý kiến các ngành liên quan, dự kiến đến giữa năm sau mới hoàn tất.

Vị Thứ trưởng phân trần, việc CPH hãng phim này rất khó, vì đây là hãng phim có bề dày truyền thống và điện ảnh là một lĩnh vực văn hóa đặc thù nên cũng lúng túng khi CPH.

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, riêng về việc cổ phần hóa VFS, vừa qua dư luận nói rằng, Bộ bán hãng phim có hơn 30 tỷ, trong khi trị giá hơn 2.000 tỷ đồng là không đúng bởi đất của Hãng phim truyện Việt Nam đều là đất thuê của nhà nước. Mà theo quy định thì đất cho thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Cũng theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Bộ đã lấy ý kiến của nhiều cơ quan, trong đó có Cục quản lý công sản Bộ Tài chính. Cơ quan này xác định đất thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ mời hai đơn vị tư vấn được Bộ Tài chính chấp thuận để tính toán giá đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước lo ngại nhà đầu tư sử dụng đất sai mục đích sau khi CPH, lãnh đạo Bộ Văn hóa khẳng định, hãng phim sử dụng đất thế nào phải phù hợp với phương án CPH. Nhà đầu tư phải trình phương án sử dụng đất với thành phố, theo đúng phương án quy hoạch, CPH thì mới được sử dụng đất. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, bị thu hồi hoặc đưa ra tòa. Người đại diện phần vốn của Nhà nước ở hãng phim sẽ giám sát thường xuyên.

Liên quan đến việc giá trị thương hiệu của hãng phim được xác định 0 đồng, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, dư luận và các nghệ sỹ lo ngại hãng phim mất đi thương hiệu sau 60 năm, lãnh đạo Bộ Văn hóa cũng rất trăn trở nên phải nghiên cứu kỹ. Việc xác định giá trị thương hiệu đã được thực hiện theo đúng quy định khi CPH. Đơn vị tư vấn xác định giá trị thương hiệu theo Nghị định 59, gồm: chi phí quảng cáo, đào tạo... khi doanh nghiệp không lỗ trong 5 năm.

Với giá trị lịch sử truyền thống, lịch sử của hãng phim, Bộ Văn hóa đã đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ (cơ quan sở hữu trí tuệ) và Bộ Tài chính xác định thêm yếu tố này, thì đến nay hai bộ chưa tính được, nên chưa thể đưa vào giá trị doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thư (Infonet)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN