Nghề năng động

Thứ Ba, ngày 03/02/2015 07:13 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Quản trò, dẫn chương trình, bán hàng trực tuyến là những công việc được không ít sinh viên chọn lựa để kiếm thu nhập, rèn kỹ năng.

Sau 2 ngày làm quản trò cho một hội trại ở huyện Cần Giờ, TP HCM, Nguyễn Văn Minh, sinh viên (SV) Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nhận được thù lao 500.000 đồng.

Thêm thu nhập từ nghề quản trò

Gắn bó với hoạt động Đoàn, hội từ lúc học phổ thông nên Minh có sẵn các kỹ năng cần thiết cho công việc quản trò. Khi học ĐH, nghề quản trò không chỉ tạo tình đoàn kết, mang về nhiều thành tích cho lớp mà còn giúp Minh “hái” ra tiền. Mỗi tháng Minh nhận từ 2-4 chương trình, chủ yếu dành cho SV. Đa phần hoạt động đều diễn ra vào ngày nghỉ nên thuận tiện cho Minh sắp xếp lịch học. “Nếu chương trình kéo dài 2 ngày với khoảng hơn 200 người tham gia thì người quản trò nhận thù lao ít nhất 300.000 đồng; còn những chương trình kéo dài khoảng 1 tuần, mức thù lao lên đến vài triệu đồng” - Minh cho biết.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ chọn nghề quản trò để kiếm thêm thu nhập. Song, không phải ai cũng “có duyên” với nghề. Theo ông Trần Thời, tác giả của nhiều sách dạy kỹ năng cho thanh thiếu niên, quản trò, hoạt náo viên là nghề “kén” người. Ngoài yếu tố thể lực, sức hút, “kho” trò chơi vận động, người quản trò còn phải có kiến thức, ngôn ngữ phong phú; phản ánh nhanh lẹ để ứng phó với nhiều tình huống ngoài kịch bản như câu hỏi hóc búa, chương trình trục trặc do lỗi âm thanh, ánh sáng…

Nghề năng động - 1

Nhiều bạn trẻ chọn lựa nghề quản trò để kiếm thêm thu nhập. Ảnh minh họa.

Làm MC cũng dễ kiếm tiền

Ngoài mục đích kiếm tiền, nhiều bạn trẻ chọn nghề dẫn chương trình (MC) để nâng cao kỹ năng. Nguyễn Nhật Thy (SV Khoa Xã hội học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) tâm sự: “Nghề MC đã cho tôi phong cách tự tin. Công việc chỉ gói gọn ở các nhà hàng tiệc cưới, có một kịch bản cho tất cả các đám cưới. Tuy nhiên, việc đứng nói trước đám đông đã tạo cho tôi thói quen quan tâm bề ngoài của bản thân. Từ đó, tôi tự tin hơn khi đi phỏng vấn  tìm việc; dạn dĩ trao đổi với thầy cô, bạn bè”. Mỗi tiệc cưới, Thy nhận từ 200.000-350.000 đồng. Nếu có việc làm đều đặn vào mỗi cuối tuần, Thy có tiền trang trải sinh hoạt cả tháng. Vào mùa cưới, Thy còn dư tiền gửi về quê.

Không chỉ ở các tiệc cưới, nhiều công ty tổ chức sự kiện, khách sạn, nhà hàng ngày càng ưu ái MC là SV. Anh Ngô Quốc Tuấn, trưởng một nhóm MC ở TP HCM, cho biết nhóm của anh quy tụ 10 SV, nhận dẫn chương trình cho sự kiện quy mô dưới 300 người. Cuối năm 2014 đến nay, tất cả thành viên trong nhóm đều “kín” lịch ở các khách sạn, nhà hàng vào cuối tuần.

Giàu nhờ kinh doanh trực tuyến

Năng động không kém nghề quản trò và MC,  kinh doanh trực tuyến là công việc đòi hỏi tinh thần lăn xả, đầu óc tổ chức, khả năng kinh doanh. Chỉ cần website hay Facebook, nhiều bạn trẻ đã có thể kiếm được tiền. Trần Huyền Mi (SV năm cuối Trường ĐH Nông Lâm TP HCM) nhớ lại sau 1 năm mua hàng trang sức, quần áo ở các chợ đầu mối về bán lại bằng hình thức trực tuyến, Mi có thể tự trang trải cuộc sống. “Không mất chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, tôi chỉ bỏ sức đi giao hàng và liên tục chia sẻ thông tin qua bạn bè, người thân, mạng xã hội. Mỗi mặt hàng, tôi chỉ lời từ 20.000-50.000 đồng. Sau 2 năm tự đi giao, nhận hàng, tôi có tiền mua xe máy mới” - Mi tự hào chia sẻ.

Nghề năng động - 2

Sinh viên có thể chủ động thời gian khi kinh doanh trực tuyến. Ảnh minh họa.

Tương tự, Nguyễn Văn Dũng (SV Trường ĐH FPT khu vực TP HCM) cũng tự lập nhờ bán linh kiện máy tính, hàng điện tử trực tuyến. Dũng chia sẻ anh và nhóm bạn kiếm được từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng/sản phẩm. Tháng nào giao hàng nhiều, lợi nhuận do Dũng và các bạn kiếm được có khi lên đến 10 triệu đồng. Quan trọng hơn,  công việc này giúp Dũng có cơ hội thực tập chuyên ngành đang học, cọ xát thực tế trước khi ra trường.

Chia sẻ
Theo Hồng Nhung (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN