Ông Huỳnh Văn Nén khắc khoải chờ bồi thường

Sự kiện: Tin pháp luật

“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén có dấu hiệu trầm cảm nặng trong khi gia đình ngày càng kiệt quệ, tiền bồi thường oan sai hơn 10 tỉ đồng vẫn chưa nhận được.

Hơn 1 tháng rưỡi kể từ ngày nhận quyết định bồi thường của TAND tỉnh Bình Thuận mà vẫn chưa nhận được tiền, ông Huỳnh Văn Nén đã viết đơn gửi chánh án TAND Tối cao.

Cơ quan có trách nhiệm đã thiếu thiện chí

Theo gia đình ông Nén, lẽ ra họ phải nhận được tiền bồi thường oan sai chậm nhất vào ngày 22-3, tức là 15 ngày sau khi TAND tỉnh Bình Thuận giao quyết định bồi thường. Đến ngày 27-3, ông Nén cùng các con đến TAND tỉnh Bình Thuận để khiếu nại về sự chậm trễ này. Bà Trần Thị Thiên Hương - Phó chánh Tòa Hành chính TAND tỉnh Bình Thuận - đã hứa sẽ thực hiện nhanh việc bồi thường. Đến giữa tháng 4, sau nhiều ngày mỏi mòn chờ đợi, ông Nén đã gửi đơn đến Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Ông Huỳnh Văn Nén khắc khoải chờ bồi thường - 1

Ông Huỳnh Văn Nén trong ngày được minh oan vào tháng 12-2015

Trong đơn, ông Nén viết: “Là người phải ngồi tù suốt 17 năm 6 tháng của 2 bản án oan sai, tôi đã nếm trải biết bao cay đắng, tủi nhục, cả gia đình tôi tan nát. Bản thân tôi mang trong người nhiều loại bệnh tật, kinh tế gia đình suy sụp... Tôi xin hỏi các cấp có thẩm quyền, việc chuyển tiền bồi thường cho tôi, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm và khi nào thì trả tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình tôi?

Việc đàm phán thương lượng kéo dài thời gian đã làm cho gia đình tôi hết sức bức xúc thì nay việc chậm chi trả tiền bồi thường cùng với sự đùn đẩy trách nhiệm càng làm cho gia đình tôi hết sức cay đắng và đau xót. Tôi nghĩ rằng các cơ quan có trách nhiệm thiếu thiện chí và lòng chân thành để khép lại một quá khứ đau thương mà gia đình tôi phải gánh chịu...”.

Gia đình ông Nén cho hay sau 7 lần thương lượng bồi thường kéo dài nhiều tháng, đến ngày 16-1, TAND tỉnh Bình Thuận có quyết định bồi thường oan sai cho ông. “Nhưng mãi đến ngày 7-3, tòa mới giao quyết định như vậy là quá chậm trễ. Bây giờ ông Nén vẫn chưa nhận được tiền...” - ông Nguyễn Thận (người đại diện hợp pháp cho ông Nén) bức xúc nói.

Hạn chót phải bồi thường là ngày 28-4

Theo ông Nguyễn Thận, gần đây, ông Nén có biểu hiện ngày càng nặng về tâm thần. Lần khám mới đây, các bác sĩ cho biết ông Nén đang ở giai đoạn trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần, phải điều trị. “Từ ngày ông Nén được giải oan, bà con thấy gia đình ông khó khăn nên cho mượn tiền để xoay xở. Nhưng tiền bạc vay mượn cũng có chừng thôi. Bây giờ người ta không cho ông mượn nữa vì số tiền đã quá nhiều rồi... Gia đình Nén hiện chật vật lắm!” - ông Thận tâm sự.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén) từng bị tai nạn ở cánh tay nên khi “trái gió trở trời”, vết thương cũ lại hành hạ, không đi mua bán được. Gia cảnh khó khăn nên cả 3 người con của ông Nén đều đi làm thuê, làm mướn xa nhà để tự lo cho cuộc sống nhưng cũng rất bấp bênh.

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, sau khi quyết định bồi thường có hiệu lực, TAND tỉnh Bình Thuận phải chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên là TAND Tối cao. Luật quy định quyết định bồi thường có hiệu lực là hết 15 ngày kể từ ngày giao quyết định bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén nếu ông Nén không khiếu nại. Tuy nhiên, luật không quy định rằng kể từ ngày hai bên thỏa thuận được mức bồi thường thì khi nào TAND tỉnh Bình Thuận phải giao quyết định bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén. Do đó, sau khi thương lượng thành công với số tiền hơn 10 tỉ đồng, TAND tỉnh Bình Thuận đã cất giữ quyết định bồi thường suốt gần 2 tháng sau mới giao cho ông Nén. Điều này đã gây thiệt hại cho ông Nén vì chậm nhận được số tiền phải bồi thường cho mình do Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước không quy định thời hạn sau khi ra quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại trong thời gian bao lâu.

Luật sư Út cho rằng đây là khiếm khuyết của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện nay, từ đó có thể tạo kẽ hở cho các cơ quan có trách nhiệm bồi thường chây ì việc tống đạt quyết định bồi thường cho người được bồi thường ngay sau khi có quyết định bồi thường, đơn cử là câu chuyện giữa TAND tỉnh Bình Thuận và ông Huỳnh Văn Nén.

Theo quy định, kể từ ngày quyết định bồi thường có hiệu lực đến ngày TAND tỉnh Bình Thuận phải chi trả tiền bồi thường cho ông Nén là 25 ngày làm việc, nếu không rơi vào trường hợp phải trả hồ sơ bổ sung, sửa đổi bổ sung quyết định giải quyết bồi thường ấy. Như vậy, quyết định bồi thường cho ông Nén lẽ ra phải được có hiệu lực sớm hơn cách đó gần 2 tháng nhưng do TAND tỉnh Bình Thuận giao quyết định cho ông Nén vào ngày 7-3 nên ngày phát sinh hiệu lực của quyết định này là 23-3. Do đó, hạn chót TAND tỉnh Bình Thuận phải trao tiền bồi thường cho ông Nén là ngày 28-4.

Quá hạn ngày 28-4, nếu ông Nén vẫn chưa nhận được tiền thì ông Nén có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự của TP Phan Thiết thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tranh cãi về bồi thường cho thân nhân người bị oan

Ngày 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Một trong những vấn đề gây tranh cãi là việc bồi thường thiệt hại tinh thần cho người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, qua thảo luận, các đoàn đại biểu QH vẫn còn có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định tại điều 27, theo đó chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, mức bồi thường có thể bằng 1/2 hoặc 1/3 mức bồi thường cho người bị oan.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, nếu quy định bồi thường cả cho người thân thích thì không phù hợp với quy định bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại trong Bộ Luật Dân sự 2015. Quan hệ pháp luật ở đây không phải là bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết mà là quan hệ thừa kế. Cơ sở pháp lý để giải quyết bồi thường cho người thừa kế hiện không có, trái với Bộ Luật Dân sự.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng gia đình, bố mẹ, vợ con người bị oan cũng phải chịu hậu quả rất nghiêm trọng, con cái bỏ học, bỏ việc, thậm chí tự vẫn. Những người đó phải chịu thiệt hại rất lớn về tinh thần, cần xem xét. Còn bồi thường mức bao nhiêu, bồi thường trong diện nào ở đây là chính sách của nhà nước. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo LÊ TRƯỜNG - HUỲNH NHƯ (Người lao động)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN