Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc"

"Đạo đức của nghề thiết kế nằm ở trái tim, phải tạo ra sản phẩm bằng cảm xúc thật của chính bản thân chứ không phải là thứ cảm xúc vay mượn, thứ thiết kế copy, nhặt nhạnh, nặng hơn là ăn cắp từ cảm xúc của người khác", nhà tạo mẫu lão làng Minh Hạnh chia sẻ.

Gặp nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh trong khu vườn ngập màu xanh trong lành tại căn nhà của Đại sứ quán Ý ở Việt Nam. Nói chuyện với NTK tài năng này về thời trang có lẽ chẳng thể dứt ra được vì những kiến thức chuyên môn sâu rộng, tầm nhìn và cái tâm của chị trong nghề thiết kế.

Những tâm sự chân thật, câu chuyện thú vị của chị dưới đây có lẽ sẽ phần nào chạm được đến trái tim của các NTK trẻ và cả những tín đồ thực sự yêu thích thời trang trên dải đất hình chữ S.

- Chào chị, được biết thời gian gần đây, chị được mời với cương vị giám khảo của cuộc thi "Ngôi sao Thiết kế" (Fashion star), nguyên do vì sao chị lại muốn trở lại chiếc ghế nóng trong suốt một thời gian dài nói "không" với nó?

Trước tiên tôi cho rằng cuộc thi này là một cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ của Việt Nam. Tôi chấp nhận ngồi vào vị trí đó là chấp nhận đối đầu với tất cả những điều sai trái trong thiết kế cũng như khâu tổ chức trình diễn thời trang từ trước đến nay. Cho đến giờ phút này, tôi có thể khẳng định rằng, tôi thuyết phục được ban tổ chức để có được một cuộc thi công bằng, minh bạch, sạch sẽ không vướng rào cản của bất kỳ cá nhân hay tập thể nào.

Khi tôi ngồi vào vị trí này đồng nghĩa với việc sẽ không có một "bóng ma" nào lởn vởn quanh đây. Xem chương trình bạn sẽ thấy điều đó. Ngay trong tuần này bạn sẽ biết, 60% điểm của giám khảo, 40% điểm dành cho nhà đầu tư, có bình chọn của khán giả nhưng bình chọn không được đưa vào kết quả. Nếu có bất kỳ khuất tất nào trong cuộc thi, tôi sẽ lập tức dừng việc ngồi trên ghế nóng.

- Qua cuộc thi này, chị thấy tầm tư duy của lớp thiết kế trẻ hiện nay thế nào?

Trong cuộc thi này, tôi cùng NTK người Pháp - Francine Pairon, một cái tên quen thuộc trong giới thời trang Pháp cũng như trên thế giới với hơn 40 năm  cùng tham gia với vai trò giám khảo.

Chúng tôi đã thực sự ngạc nhiên vì các NTK trẻ hiện nay. Các NTK trẻ hiện nay rất ngơ ngác với cuộc đời, họ không biết gì cả, không biết phải đi về đâu. Kỹ thuật không có, không hiểu biết về chất liệu khuynh hướng, màu sắc. Họ quả thật đáng thương.

Tham gia cuộc thi này trên cương vị giám khảo bởi tôi mong muốn đóng góp một phần công sức và kinh nghiệm trong nghề để truyền đạt lại cho thế hệ các nhà thiết kế trẻ. Điều chỉnh họ đi đúng hướng trong việc khai thác chất liệu, màu sắc, xu hướng và nắm được "cái thần" của chính ý tưởng của họ và cùng chiến đấu với những quy trình sai hoàn toàn trong việc thiết kế từ trước đến nay. Để làm được điều này vô cùng vất vả.

Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 1

"Nếu có bất kỳ khuất tất nào trong cuộc thi, tôi sẽ lập tức dừng việc ngồi trên ghế nóng". Đó là lời khẳng định của NTK Minh Hạnh khi làm giám khảo của chương trình Ngôi sao thiết kế thời trang

- Mới gần đây, có 2 nhà thiết kế trẻ đã tạo được tiếng vang với giới mộ điệu thời trang nước nhà bằng 2 show diễn hoành tráng nhất trong năm. Đó là Công Trí với show Cảm ơn Sài Gòn và Đỗ Mạnh Cường với show Những cánh bướm cuối thu. Qua đó, chị có đánh giá gì về hai NTK này không?

Qua các trang mạng, tôi có biết về 2 show diễn này. Tôi chưa thực sự xem kỹ nên khó có thể đưa ra đánh giá xác đáng về mặt chuyên môn. Mặc dầu vậy, việc làm của cả Đỗ Mạnh Cường lẫn Công Trí đều rất đáng khen ngợi. Những show diễn hoành tráng, tạo được tiếng vang chứng tỏ họ thực sự cố gắng để làm mới mình, tạo cho mình những điều khác biệt khác với những khuôn khổ trình diễn thời trang từ trước đến nay.

- Một số show thời trang của các NTK trẻ hiện nay thường nặng tính trình diễn, sân khấu hoành tráng, người mẫu nổi những chất lượng thiết kế không cao, thậm chí còn cop nhặt nhiều. Chị có lời khuyên nào cho họ không?

Có một điều tôi muốn gửi gắm đối với những NTK trẻ hiện nay, là các bạn phải biết dùng "cái đầu" của mình để tiết chế giữa nhiệt huyết thời trang.

Nhiều lúc tôi ngồi một mình và chợt tiếc cho một số NTK trẻ, từng là học trò của tôi. Họ có tinh thần, năng khiếu và nhiệt huyết rất lớn nhưng lại bước chân vào thời trang một cách vội vàng, mau chóng muốn "chạm" tới hào quang mà quên cách tiết chế bản thân mình.

Là NTK, cần phải bình tĩnh, bước đi từ từ, đừng bao giờ vội vàng. Bạn đừng nghĩ vội vàng trong nghệ thuật. Cái gì tồn tại lâu và chạm được vào trái tim của hàng triệu người đều phải có đầu tư thời gian, chất xám và bằng cả trái tim của mình.

Tôi nói thật, nghề thiết kế vừa có tiền lại vừa có tiếng. Thế nhưng để có cả hai thứ đó, bị kịch họ lại tăng gấp đôi. Bởi thế, để tránh khỏi bi kịch, các NTK trẻ phải chấp nhận đến với nghề bằng sự chân thực nhất. Những ánh hào quang, phù hoa xung quanh mình đều phải xuất phát từ sự chân thực.

Việc đầu tiên của các NTK muốn thành công đó là phải có đạo đức. Đạo đức đây không phải là hiền lành, gọi dạ bảo vâng. NTK đôi khi cá tính, sắc sảo lắm chứ! Đạo đức của nghề thiết kế nằm ở trái tim, phải tạo ra sản phẩm bằng cảm xúc thật của chính bản thân chứ không phải là thứ cảm xúc vay mượn, thứ thiết kế copy, nhặt nhạnh, nặng hơn là ăn cắp từ cảm xúc của người khác.

- Tuy nhiên, nhiều NTK trẻ hiện nay thường "ngụy biện" tác phẩm copy của họ là sự học hỏi, chắt lọc và phát huy nền tảng chứ không phải là vay mượn?

Tôi phải giải thích lại rằng, vay mượn và phát huy trên nền tảng những thiết kế cũ là khác nhau. Phát huy chính là nắm được "cái thần" của tác phẩm, phát triển dựa trên tinh hoa của nền văn hóa ấy, nó là ý tưởng không nằm trên phom dáng, chất liệu mà nằm ở linh hồn của thiết kế. Còn những thứ cop nhặt thường giống tác phẩm cũ đến từng phom dáng, kiểu cách, thậm chí là màu sắc.

Điều quan trọng là, khán giả hiện nay rất tinh ý và có kiến thức. Đừng bao giờ xem thường họ. Chỉ cần nhìn họ cũng có thể đoán ra thiết kế có cóp nhặt hay không?

NTK muốn lãnh hội được linh hồn trên nền tảng của một thương hiệu nổi tiếng hay một thiết kế cũ thì phải biết "chạm" vào trái tim của người yêu thời trang trước khi tác phẩm được tung hô, bày bán tại cửa hàng, đừng đưa cho họ những thức tạp nham và không có giá trị của sự sáng tạo.

Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 2

"Đạo đức của nghề thiết kế nằm ở trái tim, phải tạo ra sản phẩm bằng cảm xúc thật của chính bản thân chứ không phải là thứ cảm xúc vay mượn"

- Nhiều người cho rằng, show của NTK Minh Hạnh thường chú trọng chất liệu, thiết kế nhiều hơn là đầu tư sân khấu diễn hoành tráng. Quan điểm của chị về điều này thế nào?

Quan niệm không gian trình diễn hoành tráng là sai. Tôi đã từng đến rất nhiều quốc gia trên thế giới và xem nhiều show thời trang lớn, họ rất bình dị. Chất lượng của show thời trang nằm ở tính chuyên nghiệp của người mẫu, chất lượng của thiết kế, quan trọng nhất là khách mời của show là những đối tượng nào. Nó phản ánh được chất lượng của thương hiệu mình tạo dựng nên.

Show trình diễn hoành tráng là tốt nhưng nếu thiết kế không tốt thì coi như hỏng.

- Theo chị, ngành thời trang Việt đã có dấu ấn nào trên thị trường quốc tế chưa?

Để nói về việc có dấu ấn thì chưa hề có. Chúng ta chưa làm được gì, thậm chí, thời trang trong nước còn chưa phát triển một cách đúng đắn thì lấy đâu ra tiếng nói với bạn bè quốc tế. Có thể một vài cá nhân đã bắt đầu tạo được dấu ấn riêng. Nhưng một "cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân", đúng không?

Chính phủ nước ta vẫn chưa thực sự đầu tư đúng đắn vào ngành công nghiệp này và chưa có định hướng rõ ràng. Bởi vậy, các NTK Việt Nam vẫn đang chỉ... tự bơi. Thế nên không thể trách được việc có nhiều show diễn nghiệp dư, thiếu chuyên môn và thiếu tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một điều chắc chắn, không lâu nữa, thời trang sẽ đi đúng hướng và về đúng quỹ đạo của nó.

- Trở lại với những thiết kế của chị, từ trước đến nay vì sao chị vẫn luôn "chung tình" với chất liệu thổ cẩm?

Có một thực tế mà những NTK trẻ vẫn chưa nhận thức được, đó chính là việc dùng chất liệu của các nước khác. Tác phẩm của các bạn làm ra có thể khiến người ta thích thú, nhưng sự ngưỡng mộ không có. Mà sự ngưỡng mộ luôn luôn kèm theo sự kính trọng. Các bạn đã bỏ qua một tài nguyên vô cùng quý giá của chính đất nước mình.

Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị mang tính lịch sử, tại sao lại không làm? Vải dệt thô ở Việt Nam có thể chưa hoàn chỉnh về chất liệu, nhưng chúng ta bắt đầu có tiếng nói riêng đối với bạn bè quốc tế. Nhiều người nước ngoài thốt lên kinh ngạc thế nào khi cầm trên tay tấm vải thổ cẩm thô chất liệu sợi tơ mỏng manh và rất khác biệt của người Việt Nam. Đó chính là lý do mà tôi lựa chọn và vẫn luôn khai thác chất liệu thổ cẩm trong nhiều năm nay.

Nhiều người nói rằng tôi điên vì khai thác chất liệu hiếm hoi này. Thế nhưng, tôi lại thích, lại đam mê. Bạn thấy đấy, khi tôi khai thác thổ cẩm, rất ít người để ý đến chúng. Nhưng một năm sau, nó có mặt trên thị trường với giá thành sản phẩm rất lớn.

- Những thiết kế trên nền chất liệu thổ cẩm này được chị sản xuất trong xưởng riêng hay ở đâu?

Thổ cẩm ở Việt Nam rất phong phú, nó có mặt ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Tôi thường đi tìm tòi, vào sâu trong các làng bản ở Việt Nam, gần biên giới và thu thập được nhiều mẫu thổ cẩm đẹp.

Tôi đặc biệt thích kỹ thuật dệt, thêu ở vùng Tây Bắc. Họ tiếp nhận tính thương mại rất nhanh và trở nên điêu luyện.

Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 3

"Dùng chất liệu của các nước khác. Tác phẩm của các bạn làm ra có thể khiến người ta thích thú, nhưng sự ngưỡng mộ không có"

- Nhưng đi "lượm nhặt" như thế, chị có sợ bị trùng với những thiết kế khác về họa tiết không?

Không hề, thổ cẩm ở các vùng dân tộc có một đặc điểm vô cùng đáng quý. Đó là họ thường dệt vải theo những cảm xúc rất đặc biệt, xuất phát từ tình cảm bất chợt trong ngày của họ. Mà cảm xúc bất chợt không bao giờ giống nhau, không bao giờ lặp lại.

Có thể hôm nay một cô gái dân tộc dệt vải theo cảm xúc vui sướng, ngày mai lại buồn bã. Hôm nay cô ấy dệt màu đỏ, ngày mai là màu xám hoặc có thể màu đỏ nhưng một gam màu khác hẳn hôm qua.

Tôi đã từng đi vào vùng A Lưới xa xôi, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cụ già dân tộc ngồi dệt thổ cẩm nhưng lại nghe nhạc của Michael Jackson, rất hiện đại và sành điệu. Họ làm thế để làm gì? Theo bạn? Họ muốn tạo cảm xúc riêng cho chính mình trên chính tấm vải mà họ dệt ra.

Cảm xúc bất chợt trên từng tấm vải của mỗi người dân tộc khi dệt ra tấm vải hoàn toàn không "đụng hàng". Đó mới là vốn rất quý đối với những nhà thiết kế hiện nay nhưng nhiều bạn bỏ phí.

Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 4

Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 5

Qua rất nhiều mùa thời trang, NTK Minh Hạnh vẫn luôn trung thành với chất liệu thổ cẩm

Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 6 Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 7

Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 8

Minh Hạnh:"NTK không thể ăn cắp cảm xúc" - 9

Theo nhà tạo mẫu lão làng này, thổ cẩm là vốn rất quý đối với những nhà thiết kế hiện nay nhưng nhiều bạn bỏ phí

- Giá trị kinh tế mà chị thu được từ những thiết kế thổ cẩm này thế nào?

Tôi phải khẳng định giá trị kinh tế thu được từ vải thổ cẩm là rất lớn. Đừng bao giờ coi thường nó. Bởi vải thổ cẩm được làm thủ công, chất liệu đều tự chế ra, công sức, chất xám đầu tư rất lớn, đặc biệt, những tấm vải thổ cẩm chẳng bao giờ giống nhau. Chất liệu này khi đưa ra thị trường quốc tế đem lại giá trị rất cao, khác với những thiết kế thông thường của Việt Nam.

- Chị có muốn "kiểm soát" thị trường vải thổ cẩm ở Việt Nam để xuất khẩu riêng ra quốc tế không?

Tôi muốn để mọi thứ tự nhiên như chính nó. Đồng bào dân tộc đã làm ra những tấm vải đó. Họ có quyền khai thác nó và có quyền nhận lại được những giá trị kinh tế tương xứng với công sức họ bỏ ra. Tôi chỉ góp một phần công sức nhỏ để quảng bá chất liệu vải này đến với bạn bè quốc tế thôi. Cuộc sống của người dân tộc vùng cao đã phần nào được cải thiện tốt hơn nhờ vào việc dệt vải thổ cẩm.

Họ đã ý thức được điều đó. Nói không ngoa nhưng nhiều lúc đến vùng dân tộc để mua thổ cẩm, người dân nơi đây đôi khi còn rất... chảnh, giá thành họ bán cũng không hề rẻ.

- Cảm ơn chị!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hân Di ([Tên nguồn])
Tin tức thời trang Việt HOT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN