Giật mình vì trò lừa lọc trong thế giới ảo

Nhiều mánh lới bán hàng online không thực sự "trong sạch" làm ô uế thị trường kinh doanh trên mạng.

Theo một thống kê của Bizweb vừa được công bố, thì mặt hàng đồ thời trang, mỹ phẩm đang thống lĩnh thị trường online của nước ta. Khi khảo sát 3500 khách hàng thuộc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cửa hàng trên hệ thống của Bizweb cho thấy nhóm ngành hàng thời trang và mỹ phẩm sẽ đạt doanh số tăng 60% so với 2012. Nối tiếp theo đó mới là mặt hàng điện máy và đồ trẻ em.

Mua bán hàng online có được ưu điểm là nhanh, gọn, tiện lợi, dễ thỏa thuận giá cả. Thế nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Sự dễ dàng trong chuyện bán mua cộng thêm thị trường kinh doanh trên mạng vẫn còn được thả nổi, thực tế đang tạo điều kiện cho nhiều vấn đề nhức nhối ngày một phát sinh.

Hệ quả của nó là quyền lợi của người mua hàng không được đảm bảo, dẫn tới tâm lý đánh đồng về chất lượng hàng hóa trên mạng đều kém chất lượng và phản ứng lo sợ khi mua hàng online.

Giật mình vì trò lừa lọc trong thế giới ảo - 1

Bạn đã sẵn  sàng đối mặt với mọi mánh lới bán hàng online

Mánh lừa khi đặt hàng quốc tế

Một trong những kiểu kinh doanh online hiện đang rất được ưa chuộng, đó là dịch vụ order (đặt hàng) từ nước ngoài về. Nhiều chị em rất tin tưởng dịch vụ này vì có thể mua được những món đồ hiệu giảm giá hoặc nghĩ rằng sẽ yên tâm hơn về chất lượng cũng như xuất xứ của sản phẩm. Dịch vụ này nở rộ tới mức đâu đâu, trên các trang chuyên mua bán online như mua…, en…, lamcha… đều dễ dàng bắt gặp những lời chào mời hấp dẫn từ những thương lái chuyên nhận gom, đặt đồ từ nước ngoài với tiền công mua khá rẻ, chỉ từ 5-8%.

Chị Thái, một nhân viên văn phòng cho biết mình thường xuyên đặt đồ từ các trang ở Mỹ. Đặc biệt là trong những đợt giảm giá “khủng” nhất trong năm như Black Friday hay Cyber Monday, chị thường tập trung mua đồ vì rẻ và có nhiều ưu đãi.

Nhắc lại kinh nghiệm đặt quần áo từ nước ngoài về, chị Thái không quên kể lại một sự cố khá “đau thương”. Chả là cách đây khoảng 3 năm, khi ấy chị Thái mới biết tới dịch vụ mua hộ hàng hóa ở nước ngoài. Sau một hồi xem xét trên các trang rao vặt, chị mới chọn đại một cô bé tự nhận là có người nhà là du học sinh bên Mỹ, sẵn sàng nhận đặt đồ về với công mua rất phải chăng và ưu đãi.

Vui mừng vì tìm được mối đặt hàng giá “bèo”, chị Thái rủ rê thêm mấy cô bạn làm cùng hăng say chọn hàng trên mạng và đặt đồ. Tổng số tiền hàng các chị định mua lên tới hơn 20 triệu và phải ứng trước cho người bán 80% giá trị tiền hàng, nghĩa là khoảng 16 triệu. Cô bé kia cầm 16 triệu của chị Thái và hứa chắc như đinh đóng cột rằng sau 3 – 4 tuần hoặc chậm nhất là 5 tuần thì sẽ có hàng.

Ấy thế nhưng hơn 5 tuần trôi qua, hàng vẫn chưa về. Cực chẳng đã, chị Thái mới gọi điện giục thì cô bé nói rằng có chút trục trặc nên phải 1 – 2 tuần nữa hàng mới về. Chị kiên nhẫn chờ nhưng sau 2 tuần cũng không thấy tăm hơi mấy món đồ thời trang mình mua đâu. Chị lại hối thì cô bé lấp liếm là hàng bị giữ ở hải quan, khoảng vài tuần nữa chắc chắn về... Và cứ thế nhiều lần nữa. Tới khi tròn 4 tháng không thấy gì, chị Thái đến thẳng nhà cô bé kia đòi lại tiền thì nàng ta thản nhiên trả lại chị 16 triệu chẳng nói chẳng rằng, cũng không một tiếng giải thích.

Sau này, chị Thái mới biết rằng đấy là “trò mèo” chiếm dụng vốn tương đối phổ biến của một vài tay lừa đảo trên mạng. Tức là họ sẽ đi gom đơn đặt hàng của nhiều người, nhận tiền ứng trước và đem tiền đó đi sử dụng riêng, ví dụ như gửi ngân hàng, đầu tư vào việc khác… chứ thực ra không hề đặt hàng. Tới một khoảng thời gian lần lữa nhất định, họ sẽ trả lại tiền cho khách và nói là không đặt mua được đồ. Sau đó lại tiếp tục đi lừa những người mới.

Cao thủ hơn, nhiều người còn đưa địa chỉ cho khách để họ tin tưởng tới ứng tiền, đặt đồ. Đến khi tiền thì đưa mà vài tháng vẫn chưa thấy hàng tới tay, khách kéo đến nhà tìm thì ôi thôi, căn nhà của người đặt hàng chỉ là nhà thuê và họ đã “cao chạy xa bay” từ bao giờ.

Giật mình vì trò lừa lọc trong thế giới ảo - 2

Có rất nhiều chiêu trò rút tiền từ túi của bạn khi sử dụng các dịch vụ mua hàng trên mạng

Những nỗi thất vọng khi mua hàng ảo

Chuyện các hotgirl sử dụng ảnh hưởng của mình tới giới trẻ để bán hàng online đã không còn là chuyện quá lạ. Lợi thế từ những trang cá nhân có nhiều người theo dõi, các hotgirl tự mình làm người mẫu, tự chụp hình và tung ảnh lên mạng để bán hàng, chủ yếu là quần áo. Tuy nhiên, các bức ảnh chụp này đã được photoshop kỹ lưỡng, chỉnh màu long lanh, công thêm danh tiếng của người bán, khiến nhiều bạn trẻ không tài nào cưỡng lại việc nhanh chóng chạy đua nhau đi mua quần áo thời trang hotgirl.

Một hotgirl khá nổi tại Hà thành tên L có thân hình nhỏ nhắn đã thổ lộ rằng mỗi tháng bán quần áo, trừ các chi phí nhập hàng, đi lại cũng lãi bét nhất là 50 triệu.

Không phải tự nhiên mà các nàng hotgirl chỉ bán hàng kiểu “manh mún” mà vẫn có thể thu lợi khủng. Nhiều người nói vui “thời trang hotgirl” chẳng khác nào thời trang hàng chợ. Đa phần quần áo các nàng đều lấy buôn ở Quảng Châu, thường chọn các mẫu bắt mắt, hợp thời và giá rẻ. Quần áo trên mạng long lanh là thế nhưng khi tới tận nơi xem thì đều lắc đầu ngán ngẩm vì chất lượng tệ hại, vải xấu, đường kim mũi chỉ không tinh.

Tuy nhiên không phải ai cũng tới tận nơi để kiểm tra hàng trước khi mua, phần lớn mua online đều chọn hình thức vận chuyển tới tận nhà, trả tiền trước, không có chế độ đổi lại hàng…. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh “mặt ngắn tũn” khi nhận được một món đồ có hình dáng giống như bộ đồ hotgirl mặc quảng cáo nhưng chất lượng thì “khác nào mớ quần áo bày ngoài vỉa hè” nhưng đắt gấp nhiều lần.

Giật mình vì trò lừa lọc trong thế giới ảo - 3

Nhiều hotgirl tung ảnh để bán quần áo (ảnh minh họa)

Không chỉ kinh doanh quần áo mà nhiều hotgirl còn bán cả mỹ phẩm tự chế mà phổ biến nhất là bán kem trộn. Không hiểu tại sao khi hàng ngày báo đài vẫn ra rả cảnh báo về tác hại của kem trộn mà nhiều người vẫn bị mờ mắt bởi những hình ảnh trắng trẻo long lanh của các cô nàng nóng bỏng trên mạng (được quảng cáo là có làn da trắng đẹp nõn nà nhờ công bôi kem trộn). Chuyện bán thứ mỹ phẩm tự chế này phổ biến trên mạng tới mức nhiều người ban đầu là khách hàng, thấy kiếm ra tiền dễ quá cũng quay ngoắt sang tự “bào chế” kem trộn để bán.

Các nàng bán kem trộn trên mạng còn có chiêu trò là tổng hợp các feedback (phản hồi) của khách để tăng thêm độ tin cậy. Tuy nhiên cách này thực ra cũng không hề đáng tin khi người bán có thể nhờ anh, em, bạn bè vào lập nick ảo để ca ngợi sản phẩm. Thậm chí cũng có thể không cần quá phức tạp tới vậy, họ có thể thuê ngay một đội quân chuyên câu view (lượng truy cập), câu like (lượng yêu thích), chuyên phản hồi… để làm đẹp mặt tiền shop ảo của mình trên các trang rao vặt, diễn đàn, facebook.

Gần đây, trên báo mạng đưa tin một hotgirl là Thuy K… bán kem trộn trên facebook giá lên tới cả triệu đồng. Cô gái này cũng khoe nhờ việc bán kem trộn thu lợi gần tỉ đồng. Điều đáng nói là cô gái này nhập sản phẩm không nhãn mác có giá chỉ vài chục nghìn. Và theo lời kể của một số chị em đã may mắn từng mục kích nhan sắc của hotgirl bán kem trộn thì phản ánh rằng làn da của cô cũng xấu xí, sần sùi, trắng ởn chứ không đẹp long lanh như khi quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên có mấy ai được trông thấy người thật việc thật?

Giật mình vì trò lừa lọc trong thế giới ảo - 4

Họ còn đưa cả hình ảnh da trắng của mình lên mạng để kinh doanh mỹ phẩm tự chế

Nhiều người kêu ca rằng họ thích mua hàng hiệu trên mạng vì sợ mua phải hàng nhái trà trộn vào các trung tâm thương mại. Tuy nhiên cần nói thêm là tại cái thế giới (đã gọi là) ảo thì chuyện thật giả lẫn lộn còn khó lường và khó giải quyết hơn nhiều. Cách đây không lâu, một thanh niên tên Đoàn Anh Đức đã bị tuyên án 7 năm tù giam vì lừa đảo hơn 200 triệu đồng của 12 người. Hình thức của Đức là lập một trang mạng rao bán túi hiệu như Hermes, Louis Vuitton… giá rẻ, sử dụng sim rác để liên lạc sau đó lừa khách chuyển tiền vào tài khoản rồi cắt đứt liên lạc.

Tương tự, một vụ mới đây đang trong điều tra đó là một cô gái lấy nick là Ngọc E… bị triệu tập lên trụ sở công an phường Tràng Tiền vì bị khách bắt quả tang bán túi xách Hermes giả. Được biết trước đó, Ngọc E… đã từng bán rất nhiều những chiếc túi được quảng cáo là hàng hiệu xách tay giá từ hàng chục triệu tới hàng trăm triệu VND. Hầu hết các trao đổi mua bán của Ngọc đều được thực hiện trên mạng vì thế chỉ khi nhận được hàng thì khách mới tá hỏa là mua phải hàng rởm. Trên facebook, trước khi bị phát giác, Ngọc E… từng khoe mỗi tháng kiếm được gần 500 triệu nhờ tiền bán “hàng hiệu”!

Chết khiếp vì mua hàng ảo

Bạn Hằng Nga, sinh viên đại học Hà Nội kể lại một chuyện mua hàng ảo nhớ đời của mình. Chuyện kể rằng một lần vi vu trên mạng, Hằng Nga bắt gặp một lời rao vặt bán một bộ tóc nối dài 70 cm chưa nhuộm giá chỉ hơn một triệu. Người bán hẹn cô ra nhà chị ta để đưa hàng. Để an toàn, Hằng Nga đã cẩn thận rủ thêm một cô bạn gái để lấy hàng. Tới nơi, một cô gái tới đón hai người và đưa ra một bộ tóc đã nhuộm vàng phần đuôi trông khá xơ xác và dài chỉ khoảng hơn 50cm.

Xem xét một hồi, Hằng Nga từ chối không mua vì chất lượng tóc quá tệ và không đúng như trong ảnh chụp. Vừa dứt câu chối từ thì ngay lập tức trong ngõ xuất hiện hai anh dáng vẻ bặm trợm, tay cầm gậy. mồm hút thuốc, xăm trổ đầy thân tiến về phía hai cô gái trẻ đang co rúm lại vì sợ. Chị bán hàng cười đắc ý rồi hỏi lại: “Thế định thế nào, có lấy hay không hả em?”. Khỏi phải nói, cô bạn phải lấm lét móc túi ra trả đủ số tiền và nhận lấy bộ tóc mà chắc mua về cũng không sử dụng nổi.

Bạn Linh Chi, học đại học Ngân Hàng, Hà Nội chia sẻ về một lần bạn mua trên mạng một chiếc váy hiệu John Galliano với giá 2 triệu của một chị trong thành phố Hồ Chí Minh.

Chưa kịp mừng vì mua được hàng hiệu giá rẻ thì khi nhận hàng, dù vẫn còn nguyên mác, Linh Chi đã ngửi thấy có... mùi hôi cơ thể tỏa ra từ chiếc váy. Linh Chi đồ rằng chiếc váy không còn mới 100% như chị kia giới thiệu. Kinh dị hơn, lật mặt sau của váy còn có vết ố lớn như vệt máu. Sợ quá, cô bạn đành phải đem ra hàng giặt khô là hơi cho sạch sẽ rồi đóng túi đem cho người quen.

Sau này, Linh Chi có lên mạng, vào trang của chị bán để phản ánh song chỉ sau 1 phút đăng lên, không rõ “thế lực” đã xóa bay dòng phàn nàn đó. Tất nhiên là trên trang chỉ còn lại những lời khen hỉ hả sản phẩm tốt, dịch vụ tốt, giá rẻ….

Giật mình vì trò lừa lọc trong thế giới ảo - 5

Vệt bẩn loang lổ khiến Linh Chi hoảng hồn (ảnh minh họa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Muôn mặt của kinh doanh thời trang online Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN