Video: Rơi nước mắt vì cậu bé Việt

Là những cảnh đời rất đỗi quen thuộc với người Việt đấy nhưng sao vẫn thấy sống mũi cay cay khi xem bộ phim này.

Phim Việt Nam đến với LHP quốc tế Cannes như một người khán thính giả. Nhưng ở Cannes lần thứ 66 này đã có một bộ phim ngắn gây tiếng vang cho điện ảnh Việt. Đó là bộ phim ngắn 16:30 của đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy.

Để làm được một bộ phim ngắn luôn đòi hỏi sự đầu tư về ý tưởng, chủ đề phim và cách khai thác mới lạ. Có rất nhiều đề tài trong cuộc sống của những người dân lao động phổ thông Việt Nam nhưng để biến nó thành một câu chuyện có sức lay động lại là một điều không hề dễ dàng.

Có biết bao lần bạn nhìn thấy những cậu bé bán giấy dò (kết quả xổ số) trên đường? Nếu bạn là một người cần mua, bạn vội vàng rút tiền trả và cầm lấy tờ kết quả. Lúc đó đôi mắt bạn chỉ chăm chăm nhìn vào những con số chứ đâu bận tâm đến cậu bé bán vé kia trông ra sao, mặt mũi thế nào.

Video: Rơi nước mắt vì cậu bé Việt - 1

Đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy và các diễn viên nhí xuất sắc của bộ phim 16:30

Vậy nhưng, chỉ cần quan sát và đứng chậm lại trong dòng đời bôn ba kia, đạo diễn của 16:30 đã kịp mang đến một cái nhìn nhân văn làm ứa nước mắt khán giả. 16:30 là giờ các đài truyền hình công bố kết quả xổ sổ, cũng là giờ các cậu bé như Khoa hay Phong chạy như băng, len lỏi khắp các phố phường trên đôi chân trần nứt rạn để bán giấy dò. Những mảnh đời bất hạnh ấy đã sớm phải lam lũ từ nhỏ, chắt chiu từng miếng bánh giấu dưới những viên gạch vỡ, giành giật từng người khách mua giấy dò của nhau chỉ để được sống.

Video: Rơi nước mắt vì cậu bé Việt - 2

Nụ cười tươi sáng của cậu bé Khoa với sở thích đơn sơ được nhìn ngắm khung trời qua lăng kính hòn bi ve làm sáng lên nét đẹp tâm hồn của cậu bé nghèo

Phim bắt đầu bằng hình ảnh cậu bé Khoa nhem nhuốc và đôi mắt đầy hằn học. Khoa bắn những viên đá lên những chiếc lon đặt trong ống bê tông ở một khu đất hoang. Cậu bé lặng lẽ với trò chơi bắn dây nịt. Ở một góc khác, Phong ham chơi điện tử nhưng không có tiền trả. Trong một không gian khác là tiếng người đánh máy vội vã, in hàng loạt những tờ giấy dò trong sự nín lặng chờ đợi. Hình ảnh chiếc đồng hồ điểm dần đến mốc 16:30 trở thành trung tâm thời gian của câu chuyện.

Video: Rơi nước mắt vì cậu bé Việt - 3

Ánh mắt chất chứa những dấu hỏi lớn với cuộc đời

16:30 đã điểm, nhịp sống bây giờ mới thực sự bắt đầu. Nhanh như chớp, cả Khoa và Phong cùng lao tới chỗ người xe máy cung cấp giấy dò và chạy như bay đến từng địa chỉ quen. Khoa luôn nhanh hơn và bán được giấy dò nhiều hơn. Chính vì vậy Phong – đại ca nhí – tìm cách chơi lại Khoa để giành khách.

Sự tranh giành lên đến đỉnh điểm khi Khoa bị trượt ngã, Phong vượt lên trước tạo thế thắng. Những tưởng mâu thuẫn bị cướp miếng cơm manh áo sẽ làm Khoa nảy sinh ý trả thù. Nhưng đổi lại, cậu bé trở thành người hùng cứu Phong và hai người bạn.

Cũng từ đây, Phong chủ động nhường khách lại cho Khoa. Nhưng vì 100.000 tiền thưởng, lòng tham lại trỗi dậy và Phong đã thắng bằng việc dẫm đạp lên Khoa. Áy náy lương tâm luôn đeo bám linh hồn Phong. Cùng một cảnh ngộ là những đứa trẻ phải mưu sinh nhọc nhằn từng đồng ở cái tuổi đáng ra phải được đến trường, nhưng cũng chính vì miếng cơm mà nhiều khi chúng trở thành kẻ thù của nhau.

Giữa những tiếng leng keng của xích lô, tiếng thỉnh kinh của một bà lão, tiếng ồn ào của khu chợ hay tiếng chửi rủa của những đứa con nhà giàu ham chơi… là sự im lặng đến tê tái của số phận cuộc đời những đứa bé bán giấy dò.

Video: Rơi nước mắt vì cậu bé Việt - 4

Cuộc chạy đua giành 100 nghìn tiền thưởng giữa Khoa và Phong trở thành điểm thắt nút của câu chuyện

Dù chỉ với hơn 15 phút nhưng bộ phim đã truyền tải sự lay động lớn với người xem. Đó không chỉ là câu chuyện của hai cá nhân mà tổng quát cho cuộc đời của hàng triệu em nhỏ Việt Nam đang phải mưu sinh ở tuổi đến trường. Bộ phim cũng khắc họa những nét đẹp phẩm chất của con người Việt, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Cho dù cuộc đời có lấm lem, những cậu bé ấy vẫn giúp đỡ nhau vì tình yêu thương đồng loại.

16:30 cũng là phim ngắn Việt được các nhà phê bình đánh giá cao nhất trong năm 2012 vừa qua. Phim đạt tới 4 giải trong Liên hoan phim Yxineff 2012, trong đó có 2 giải rất quan trọng là Quay phim xuất sắc nhất và Diễn viên nam xuất sắc nhất.

Video phim ngắn 16:30

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh_An ([Tên nguồn])
Video phim Việt đặc sắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN