Khán giả Việt khiến ĐD Tây Du Ký xúc động
Sau chương trình chào xuân 1987, đạo diễn Dương Khiết nhận được bức thư của một khán giả Việt Nam bày tỏ tình yêu đối với bộ phim Tây Du Ký khiến bà hết sức xúc động.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này. |
Xuân năm 1987, đạo diễn Dương Khiết quyết định tổ chức buổi liên hoan văn nghệ chào xuân với tên gọi Tề Thiên Lạc, quy tụ gần như toàn bộ diễn viên trong Tây Du Ký biểu diễn, giao lưu gặp gỡ khán giả.
Trước thời gian đó, ngày 31/5/1986, Dương Khiết báo cáo với phó giám đốc đài truyền hình Trung ương Trung Quốc là Nguyễn Nhược Lâm, đồng thời đề xuất cho tổ chức buổi liên hoan văn nghệ Tết cho đoàn phim Tây Du Ký, cho phép các diễn viên trong đoàn cùng tụ họp chúc Tết khán giả cả nước và biểu diễn một số tiết mục có liên quan đến bộ phim Tây Du Ký. Phó đài Nguyễn đồng ý với yêu cầu không được làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất phim Tây Du Ký của tập thể.
Đạo diễn Dương Khiết (thứ 3 từ trái qua) cùng các diễn viên Tây Du Ký trong đêm chào xuân Tề Thiên Lạc 1987.
Thông thường, chương trình Tết chào xuân của đài Trung ương thường diễn ra vào tối 30, còn buổi liên hoan chào xuân của đoàn Tây Du Ký sẽ được tổ chức vào mồng Một Tết. Do đó, đạo diễn Dương đã tranh thủ trong thời gian vừa quay phim vừa lên kịch bản cho chương trình Tết.
Đối với hoạt động của chương trình lần này, Dương Khiết tràn đầy tin tưởng chắc chắn thành công lớn. Trong suy nghĩ của bà thì chương trình hội tụ đủ dàn diễn viên tài năng, có sức ảnh hưởng lớn trong công chúng. Hơn nữa, một chương trình quan trọng như thế này sẽ phải làm cho thật long trọng, tất nhiên không thể đơn giản như những buổi văn nghệ lưu diễn làm quà tại các địa phương như trước. Một chương trình dàn dựng công phu, quần tiên tụ hội với yêu quái, người phàm trần trong phim Tây Du Ký. Như vậy sẽ làm chương trình trở nên phong phú và muôn màu sắc.
Dương Khiết và diễn viên đoàn Tây Du Ký chúc khán giả năm mới vui vẻ, hạnh phúc.
Chương trình có những bài hát mới dành riêng cho các nhân vật chính như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Đường Tăng, bên cạnh vẫn là những ca khúc sẵn có được sử dụng trong phim như ca khúc dành cho Hạnh Tiên, ca khúc chủ đề phim… Tất cả sẽ kết hợp trong một chương trình chào xuân, là nơi khán giả được nhìn thấy tận mắt diễn viên trong Tây Du Ký và nghe họ hát các ca khúc của mình trên sân khấu.
Như vậy, chương trình vừa có múa, tiểu phẩm, kịch nói, hài kịch, hát tập thể… Lần này đạo diễn Dương Khiết vẫn nhờ đến nhạc sĩ Hứa Kính Thanh và yêu cầu ông viết các ca khúc mới theo yêu cầu của bà cho chương trình chào xuân lần này. Hứa Kính Thanh góp ý nên viết một loạt ca khúc dành cho các nhân vật chính như Bài ca Bát Giới, Đường Tăng tự sự, Đại Thánh ca… Đồng thời, Dương Khiết cũng đề xuất với nhạc sĩ Diêm Túc giúp bà một tay, viết kịch bản nội dung cho đêm liên hoan bởi trong thời gian này Dương Khiết khá bận rộn và lu bù với tiến độ quay với đoàn Tây Du Ký.
Cũng trong thời gian này, đoàn phim lần lượt hoàn thành các cảnh quay ở Đại Đồng thuộc Sơn Tây, Cửu Hoa sơn ở An Huy, Kiến Đức ở An Huy, Thổ Lỗ Phàn ở Tân Cương, vách núi Thất Tinh ở Quế Lâm… Đồng thời hoàn thành các cảnh quay của các tập như Quét tháp biện kỳ oan, Vào nhầm Tiểu Lôi Âm, Ba lần lấy quạt Ba Tiêu, quay bổ sung cho tập Trừ yêu nước Ô Kê. Trong thời gian rong ruổi đi quay, Dương Khiết đã tranh thủ sửa và bổ sung cho kịch bản của đêm liên hoan cuối năm sẽ chuẩn bị tiến hành vào đầu tháng 11 khi trở lại Bắc Kinh.
Tiểu phẩm của nghệ sĩ Trình Tri (trái) vai sư trụ trì tập Họa khởi Quan Âm viện và nghệ sĩ Tào Phong (thứ hai từ trái qua) tại chương trình Tề Thiên Lạc 1987.
Ngày 7/11, Dương Khiết tổ chức toàn bộ thành viên, diễn viên đoàn phim Tây Du Ký để bàn bạc, dự trù cho đêm chào xuân. Đồng thời, phân công công việc, chương trình cho từng tổ, từng người. Thời gian này, nhạc sĩ Hứa Kính Thanh cũng đã hoàn thành các ca khúc Dương Khiết giao, việc ghi âm cũng đã được tiến hành xong xuôi. Các tiết mục của những diễn ở xa như tiết mục tướng thanh (dạng kịch tấu hài) của nghệ sĩ Trình Chi (vai sư trụ trì trong tập Họa khởi Quan Âm viện) và Tào Phong (đóng vai Hoàng mi lão quái trong tập Vào nhầm Tiểu Lôi Âm) cũng đang tích cực được hai người sáng tác và luyện tập gấp rút. Về cơ bản, các tiết mục đều đã ổn thỏa, đâu vào đấy chỉ chờ ngày biểu diễn. Kịch bản của đêm văn nghệ được Dương Khiết gửi lên cho giám đốc đài Trung ương xem xét.
Những ca khúc như Đại Thánh ca, Xin hỏi đường ở nơi đâu và 500 năm ruộng dâu hóa biển cũng đã được Dương Khiết cùng Vương Sùng Thu (ông xã của bà hiện tại) biên tập, ghi âm hoàn chỉnh. Ngoài ra, tiết mục kịch Duyên phận trong tủ vẫn được Dương Khiết sắp xết ở phần cuối chương trình như thường lệ. Mặc dù có sự thay đổi về diễn viên. Nghệ sĩ Triệu Lệ Dung (vai hoàng hậu nước Xa Trì trong tập Đấu pháp trừ tam quái) sẽ vào vai bà mẹ thay vì Mã Đức Hoa như mọi khi, Dương Tuấn (vai thôn cô trong Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh) vào vai cô con gái, Hạng Hán vẫn đóng vai nhân vật cậu con trai Đào Khí, Nhạc Vân Tử do nghệ sĩ Cung Minh (vai quốc vương Châu Tử quốc) thể hiện.
Ca khúc Đại Thánh Ca qua tiếng hát nam ca sĩ Hồ Dần Dần thể hiện tại Tề Thiên Lạc 1987.
Chương trình chào Tết Tề Thiên Lạc của đoàn Tây Du Ký được phát sóng đúng một Một Tết 1987, những phản hồi tích cực và chào đón nồng nhiệt của khán giả khắp Trung Quốc khiến Dương Khiết cùng đoàn phim hết sức vui mừng, xúc động. Khán giả còn yêu cầu mỗi dịp Tết hằng năm nên tổ chức một chương trình như thế này của đoàn Tây Du Ký. Chương trình văn nghệ lần này dường như đã biến mong ước của công chúng là được xem các nghệ sĩ trong phim Tây Du Ký nhảy múa, hát ca và trò chuyện. Ngoài ra, Tề Thiên Lạc cũng là sự bày tỏ lòng biết ơn của đoàn phim dành cho người hâm mộ đã dành tình cảm, sự ủng hộ nhiệt thành cho bộ phim cùng các nghệ sĩ trong đoàn.
Mỹ nhân Tây Du Ký tại chương trình chào xuân Tề Thiên Lạc.
Quần tiên, phật đạo Tây Du Ký chụp ảnh lưu niệm tại chương trình xuân Tề Thiên Lạc.
Qua chương trình lần này cũng là dịp đoàn Tây Du Ký muốn cho khán giả biết về sự tiến bộ và phát triển của đoàn. Tại đêm chào xuân Tề Thiên Lạc, khán giả còn được tận mắt nhìn thấy những nhân vật quen thuộc từng xuất hiện trong Tây Du Ký, và cả những nhân vật chưa xuất hiện (tập phim sau chưa phát sóng) như nữ vương Nữ Nhi quốc (Chu Lâm đóng). Ngoài ra còn có cơ hội được gặp gỡ những nghệ sĩ, chuyên gia hóa trang của đoàn… Sự thành công của chương trình là đem lại niềm vui và tiếng cười không lúc nào dứt trên gương mặt khán giả, một tiết mục văn nghệ tạp kỹ công phu, tinh luyện.
Sang các năm sau, Dương Khiết để ý thấy một vài đài truyền hình địa phương tiếp tục chiếu lại cho khán giả theo dõi, như vậy mới thấy được trong lòng công chúng vẫn luôn nghĩ đến Tây Du Ký, thậm chí còn được phát sóng cả ở nước ngoài (trong đó có Đài truyền hình Việt Nam). Về việc bản quyền phim Tây Du Ký cũng như chương trình Tết Tề Thiên Lạc được bán cho khá nhiều quốc gia, Dương Khiết không nắm rõ sự tình và cụ thể là bao nhiêu nước, bởi không ai nói cho bà biết việc này.
Vương Linh Hoa biểu diễn ca khúc của Hạnh Tien tại Tề Thiên Lạc 1987.
Ca khúc Hà tất Tây Phương vạn lý dao của Hạnh Tiên qua sự thể hiện của Vương Linh Hoa tại Tề Thiên Lạc 1987.
Tuy nhiên, nữ đạo diễn đặc biệt chú ý đến khán giả ở Việt Nam và được biết, sau khi chiến tranh biên giới và xung đột giữa hai nước kết thúc, bộ phim Tây Du Ký đã trở thành cầu nối cho tình hữu nghị hai nước, sứ giả đặc biệt cho sự hữu hảo giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó cũng là lý do vì sao Việt Nam là quốc gia nước ngoài đầu tiên được phát sóng Tây Du Ký (Năm 1990, Đài truyền hình Việt Nam lần đầu tiên phát sóng bộ phim Tây Du Ký trên sóng truyền hình quốc gia - pv).
Dương Khiết nhớ lại một chuyện liên quan đến sự việc này, đó là bức thư của một khán giả Việt Nam viết gửi cho bà, vị khán giả này cho biết, cả gia đình lẫn bạn bè anh đều đã xem bộ phim Tây Du Ký, ai nấy đều vô cùng yêu thích bộ phim này. Vì quá say mê bộ phim nên anh đã đến tận đài truyền hình Việt Nam để xin được sao chép lại và mang về nhà để xem cho thỏa.
Ngoài ra, vị khán giả từ Việt Nam còn cho Dương Khiết biết, chương trình chuyên đề Tây Du Ký ở Thái Lan thì nhà đài không cho phép sao chép lại, họ nói đây là chương trình chuyên đề nên không được sao chép ra bên ngoài. Vì vậy khán giả Việt Nam đã viết thư cho đạo diễn Dương hy vọng bà có thể giúp anh này để có được chương trình trên.
Sau khi nhận được bức thư trên, đọc được những dòng tâm tư của khán giả ở một đất nước khác, Dương Khiết mới nhận thấy, khán giả yêu thích không chỉ bản thân bộ phim Tây Du Ký mà họ quan tâm và yêu mến cả những gì có liên quan đến bộ phim, cho dù là khán giả ở bất kỳ đất nước nào, không ngoại trừ ở Trung Quốc.
Những gương mặt quen thuộc của doàn phim Tây Du Ký cùng tụ hội tại chương trình Tề Thiên Lạc 1987.
Các vị Phật, Bồ Tát và Tam tinh trong Tây Du Ký tái Tề Thiên Lạc 1987.
Theo tiết lộ của nhiếp ảnh của đoàn phim là Đường Kế Toàn nhớ lại cho biết, buổi giao lưu văn nghệ chào xuân Tề Thiên Lạc Tết 1987 là một hoạt động hoành tráng, quy tụ nhiều diễn viên tên tuổi của đoàn Tây Du Ký. Có điều cho đến nay, Đường Kế Toàn cùng nhiều thành viên đoàn phim cảm thấy hối tiếc vì chưa lần nào thực hiện lại được một chương trình nào có quy mô như thời bấy giờ.
Chương trình này khi được đạo diễn Dương Khiết đề xuất và báo cáo lên lãnh đạo đài Trung ương thì nhận được sự ủng hộ và tài trợ nhiệt tình của nhà đài. Số tiền 150.000 NDT (khoảng 513 triệu đồng bây giờ) được lãnh đạo đài cấp cho đoàn Tây Du Ký để thực hiện chương trình trên. Số tiền đó với thời buổi kinh tế hiện tại không thể tổ chức được một hoạt động hoành tráng như Tề Thiên Lạc lúc bấy giờ.
Nhiếp ảnh Đường Kế Toàn (phải) chụp chung diễn viên Tây Du Ký khi vào vở Duyên phận trong tủ (từ trái qua): Dương Tuấn (vai thôn cô trong Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh vai con gái), Triệu Lệ Dung (từng đóng hoàng hậu nước Xa Trì vai bà mẹ), Hạng Hán (đóng yêu quái gấu đen, Thuận Thiên Nhĩ... vào vai cậu con Nhạc Lôi).
Nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ (phải) trình diễn tiết mục tấu hài tại Tề Thiên Lạc.
Tuy vậy, khi đó mọi người trong đoàn đều hết sức bận rộn, nhiều tiết mục nghĩ ra rồi nhưng cũng phải cắt bỏ vì sợ không đủ kinh phí cũng như thời lượng chương trình, nhân lực. Theo Đường Kế Toàn thì chương trình có tên gọi đầy đủ là Tề Thiên Lạc – Đêm chào xuân đoàn phim Tây Du Ký, diễn ra ngày mồng 2 Tết (theo đạo diễn Dương Khiết nhớ lại trong hồi ký của bà thì lại là mồng Một Tết 1987). Sự kiện này quy tụ được đông đảo diễn viên, nhân viên đoàn phim Tây Du Ký góp mặt tham gia.
Dù sao cũng không thể đầy đủ hết được tất cả các thành viên, ví dụ nghệ sĩ Lưu Giang trong vai Diêm Vương vì bận không thể góp mặt. Loại máy ảnh sử dụng để chụp hình lưu niệm cho mọi người khi đó cũng hết sức lạc hậu, cũ kỹ. Bao gồm hai máy ảnh chụp tầm trung SLR để chụp ảnh màu và ảnh đen trắng. Một máy ảnh Seagull 4A120 (máy ảnh Con Ó) để chụp ảnh ngược. Mãi về sau khi đoàn đề xuất với lãnh đạo thì mới được phê chuẩn mua một máy Mamiya 120 nhập khẩu trị giá hơn 60.000 NDT (khoảng 205 triệu đồng), bao gồm một thân máy và ba ống kính. Đối với thời đó thì loại máy này đã được coi là hiện đại và tốt lắm rồi.
Bài ca Bát Giới.
Ca khúc Đường Tăng tự tình.