Xăng tăng giá: "Xin thưa: Rất đau đầu!"

"Ngày mai nhân viên hỏi: Anh ơi xăng tăng anh có tăng lương cho tụi em không? Xin thưa là: Rất đau đầu các bạn ạ!” - Độc giả Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ.

Xăng tăng giá: Không dám tin

Ngay sau khi báo chí đưa tin giá xăng tăng 1.430 đồng/lít lên 24.580 đồng/lít 20h hôm qua (28/3), nhiều độc giả tỏ ra bất ngờ.

“Đang nghe tin giá thế giới giảm, vui được chút... Ai ngờ lại tăng”. Bạn đọc Đặng Giang (giangdang...@hotmail.com) cho biết, phải chạy ra cây xăng gần nhà hỏi có đúng xăng tăng giá không cho chắc ăn, đọc báo mà không dám tin. Còn bạn Mạnh (manh...@yahoo.com), ngỡ ngàng: “Vậy là giá xăng tăng thật rồi! Sốc nặng từ tối qua đến giờ chưa hết”.

Độc giả Đỗ Xuân Phú thắc mắc tại sao không để thị trường quyết định giá xăng dầu? Cụ thể: Giá thế giới lên thì giá trong nước lên và ngược lại. Bình ổn mà làm gì khi Nhà nước không đủ nguồn lực, trích quỹ rồi khi xả quỹ liệu có còn đủ tiền đã trích không? Hay lại bị vơi đi vì quản lý yếu kém để cuối cùng người dùng vẫn phải chịu. Lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng ở đâu mà để buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Mặt hàng xăng dầu còn không quản lý được thì các mặt hàng nhỏ nhưng có giá trị lớn làm sao quản lý nổi.

Các bạn Định ở địa chỉ dinhdt...@yahoo.com, Nguyễn Thiện ở địa chỉ thien...@gmail.com đặt câu hỏi: Xăng dầu thế giới đang giảm nhưng ở ta lại tăng. Đó là một nghịch lý và câu hỏi lớn cần những người có trách nhiệm giải thích cho dân. Xăng dầu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, không thể muốn tăng là được.

Xăng tăng giá: "Xin thưa: Rất đau đầu!" - 1

Nhiều độc giả tỏ ra bất ngờ trước thông tin tăng giá xăng (Ảnh minh họa)

Trước giải thích của Bộ Công Thương: “Giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Bởi vậy cùng với việc rút bỏ sử dụng Quỹ bình ổn giá phải tăng giá để bù đắp lại”, nhiều độc giả có ý kiến trái chiều. Độc giả Kim Hồng (hongki...@gmail.com) đồng tình, phải tăng giá bù đắp lại Quỹ bình ổn cũng hợp lý. Tuy nhiên, giá xăng tăng cao quá, làm dân hơi “choáng”.

Bạn đọc Nguyễn Chí Mẫn (man..@yahoo.com) cho rằng, phải quản lý minh bạch quỹ bình ổn. Không thể cứ chi cho các doanh nghiệp, hết quỹ lại tăng giá xăng, biến người tiêu dùng thành những con nợ.

Độc giả Đàm Minh Hải (hai...@gmail.com) không đồng tình với cách so sánh giá với một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Trung Quốc đang cao hơn Việt Nam. Độc giả này lấy ví dụ, giá ô tô của chúng ta cao hơn các nước đấy bao nhiêu lần, sao họ không tăng cho bằng mình? Chúng ta không nên lấy giá xăng cao của họ làm mục tiêu mà hãy lấy thu nhập và đời sống của người dân nước họ để phấn đấu.

“Giá thế giới tăng thì trong nước tăng theo là đúng. Nhưng khi giá thế giới giảm thì cũng phải giảm theo giá hiện hành. Chứ người ta giảm vài tháng rồi ta còn ngủ im lìm, không giảm giá. Đến khi thế giới thức dậy và tăng giá tiếp thì ta thấy thế tăng theo luôn. Thật nực cười. Minh bạch thì lại không dám vì sợ ảnh hưởng quyền lợi chung, quyền lợi nhóm”, bạn đọc địa chỉ email ngheo...@yahoo.com nói.

Xăng tăng, dân khổ

Là sinh viên, mỗi ngày bạn Phạm Thứ (thuk...@yahoo.com) đi học hơn 20km bằng xe máy. Cả đi cả về hơn 40km, tiêu chuẩn gia đình cho 50 nghìn đồng /2 ngày. Bạn Thứ than vãn: “Vậy giờ mình đi kiểu gì đây. Rồi chuẩn bị một cơn bão giá nữa cho coi”.

Bạn Thanh Mai vừa ra trường, đi làm lương thấp, nhưng gia đình đã cắt hết “viện trợ”. Trong khi đó giá xăng lại tăng, tiếp theo giá hàng hóa tăng, đi làm mà tâm trí phân tán, khó hiệu quả. Bạn Mai mong muốn, công ty thấy giá xăng tăng cũng... tăng lương cho nhân viên đỡ khổ.

Xăng tăng giá: "Xin thưa: Rất đau đầu!" - 2

Nhiều độc giả cho rằng sẽ có đợt "tát nước theo giá xăng" (Ảnh minh họa)

Bạn đọc có địa chỉ email Tien...@yahoo.com đang đi làm thêm cho một công ty truyền thông, kiếm tiến trang trải chi phí học liên thông đại học. Với đồng lương 2 triệu/tháng, bạn đọc này cân nhắc bỏ học để đi làm, bởi "không có ai nuôi, tiền làm thêm chắc không đủ sống".

Độc giả Nguyễn Văn Hải tỏ ra lo lắng: “Cuộc sống lại càng khó khăn thêm khi giá xăng tăng sẽ khiến các mặt hàng khác tăng giá theo. Tôi sống một mình mà còn chật vật, không biết hàng vạn người có gia đình khác chưa có nhà (đang ở trọ) thì sống thế nào đây?”.

"Xăng tiếp tục tăng giá, vài bữa nữa thì lại đến ông điện lực, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng... Chỉ có người dân không tăng được gì...", bạn đọc Thuy Du bày tỏ. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình, bạn đọc Mi Lương, Kiên... cũng cho rằng, chắc chắn sẽ có đợt "tát nước theo giá xăng". Sáng 29/3 đã có Hiệp hội giao thông vận tải lên tiếng tăng giá taxi. Công nhân, sinh viên, người lao động tay chân... sắp tới sẽ phải gồng mình vượt khó.

Độc giả Nguyễn Tiến Mạnh (mạnh...@gmail.com): “Tôi nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn nhưng tất nhiên khi giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Chỉ hi vọng chính phủ và nhà nước không chỉ điều chỉnh giá xăng riêng mà sẽ điều chỉnh thêm nhiều cái theo hướng tích cực. Đừng để khi ra bất cứ nghị định hay công văn thay đổi nào đều bị người dân phản ứng rất mạnh như vậy là không hay! Còn nỗi lo của tôi là doanh nghiệp tư nhân, ngày mai nhân viên hỏi rằng "anh ơi xăng tăng anh có tăng lương cho tụi em không?" thì xin thưa là : rất đau đầu các bạn ạ!”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN