Xả súng ở Mỹ: Sự tàn bạo của hung thủ 20 tuổi

Ngày 16/12, nhà chức trách thành phố Newtown, bang Connecticut (Mỹ) đã công bố danh tính 20 nạn nhân nhỏ tuổi trong vụ thảm sát ở Trường tiểu học Sandy Hook. Tất cả đều mới chỉ 6-7 tuổi.

Theo báo Washington Post, nhà chức trách Connecticut tiết lộ điều tra hiện trường cho thấy hung thủ Adam Lanza, 20 tuổi, đã xông vào trường bắn xối xả vào các nạn nhân. Hắn giết người bằng một khẩu súng trường bán tự động hiệu Bushmaster chứ không phải bằng hai khẩu súng ngắn như thông tin ban đầu. Toàn bộ 20 trẻ em và sáu người lớn thiệt mạng đều trúng nhiều phát đạn, có nạn nhân bị bắn tới 11 lần.

“Những vết tử thương đều rất khủng khiếp - ông H. Wayne Carver, quan chức pháp y bang Connecticut, cho biết - Các nạn nhân gần như đều chết ngay lập tức. Tôi đã có kinh nghiệm pháp y 30 năm, nhưng đây có lẽ là vụ án mạng khủng khiếp nhất mà tôi và các đồng nghiệp từng chứng kiến”. Ông thừa nhận chưa thể xác định hung thủ Lanza đã bắn tổng cộng bao nhiêu phát đạn.

Xả súng ở Mỹ: Sự tàn bạo của hung thủ 20 tuổi - 1

Gia đình một giáo viên bị sát hại trong vụ thảm sát ở Trường Sandy Hook khóc thương trong một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân - Ảnh: AFP

Theo Reuters, cũng đúng vào ngày xảy ra thảm sát ở Trường Sandy Hook, cảnh sát ở Oklahoma cũng bắt một học sinh trung học 18 tuổi vì có âm mưu xả súng và đánh bom tại trường mình. Cùng ngày, một vụ nổ súng khác cũng xảy ra tại khách sạn và sòng bài Excalibur ở Las Vegas khiến hai người thiệt mạng.

Quá quen với súng đạn

Nạn nhân đầu tiên của Lanza chính là mẹ hắn ta, bà Nancy Lanza, 52 tuổi. Báo New York Times dẫn lời người thân và hàng xóm cho biết bà Nancy là người sưu tập súng. Bà từng mua hai khẩu súng ngắn, hai súng săn và một súng trường bán tự động Bushmaster, loại các binh sĩ Mỹ sử dụng ở chiến trường Afghanistan. Tất cả đều được mua hợp pháp và được đăng ký. Con trai của bà đã cầm khẩu súng trường bán tự động và hai súng ngắn đến Trường Sandy Hook.

"Đây có lẽ là vụ án mạng khủng khiếp nhất mà tôi và các đồng nghiệp từng chứng kiến".

Ông H. Wayne Carver

Bà Nancy ly dị chồng từ năm 2008 và sống cùng Adam Lanza trong một ngôi nhà lớn ở Newtown. Hàng xóm kể bà từng nói với họ rằng thỉnh thoảng vẫn đưa con trai đến trường bắn trong vùng. Bà là một “người hâm mộ súng” và rất hay khoe bộ sưu tập súng của mình với mọi người. “Bà ấy hay đi tập bắn cùng con trai” - ông Dan Holmes, một hàng xóm của gia đình Lanza ở Newtown, cho biết.

Trái ngược với các thông tin ban đầu, bà Nancy không phải là giáo viên và không làm việc tại Trường Sandy Hook. Do đó nhà chức trách vẫn chưa rõ tại sao Adam Lanza đến ngôi trường này để bắn giết. Hồi còn học ở Trường trung học Newtown, Adam Lanza là học sinh giỏi. Bạn bè và người thân cho biết Adam Lanza mắc một chứng bệnh rối loạn phát triển. “Cậu ta luôn rất khác biệt, luôn lặng lẽ, cô độc và bồn chồn dù cực kỳ thông minh” - bạn học Alex Israel mô tả Adam Lanza. Một người thân cho biết Adam Lanza rất dễ cáu giận.

Một số bạn học của hung thủ khẳng định họ từng được thông báo rằng Adam Lanza bị mắc hội chứng Asperger - một loại bệnh tự kỷ. Adam Lanza tốt nghiệp trung học năm 2010 và chỉ sống ở nhà cùng mẹ. Cả gia đình được bố của Lanza là ông Peter, một giám đốc Hãng General Electric, chu cấp 240.000 USD/năm. Có thời kỳ bà Nancy đã cho con trai nghỉ học vì lý do “không hài lòng với chất lượng của trường”.

Theo báo Telegraph, hai ngày trước vụ thảm sát, Adam Lanza đã đến một cửa hàng ở thành phố Danbury, bang Connecticut mua một khẩu súng trường nhưng không được do không chịu để cửa hàng kiểm tra lai lịch. Khi vụ thảm sát xảy ra, hắn mang theo giấy chứng minh của anh trai Ryan khiến cảnh sát ban đầu lầm tưởng Ryan Lanza là hung thủ. Ryan cũng cho cảnh sát biết em mình mắc bệnh rối loạn nhân cách, rất giỏi công nghệ nhưng nhút nhát, không muốn gần gũi ai.

Câu hỏi nhức nhối

Vụ thảm sát một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh cãi dữ dội về quyền sở hữu súng đạn tại Mỹ. Theo báo USA Today, các tổ chức chống bạo lực súng đạn đang vận động để gây sức ép buộc Tổng thống Barack Obama và quốc hội phải thông qua luật mới về kiểm soát súng đạn. Đầu tiên là thị trưởng New York Michael Bloomberg.

Xã luận của báo New York Times khẳng định: “Càng nghe về việc kiểm soát súng đạn và điều đó không xảy ra thì chúng ta càng đánh mất niềm tin. Trừ khi ông Obama và quốc hội hành động”. Báo Boston Globe viết: “Đừng nói rằng đây là lúc thảo luận việc kiểm soát súng đạn. Đây là lúc chấm dứt thảo luận. Đây là lúc hành động nghiêm túc về chuyện dẹp bỏ súng đạn”. Bất ngờ là ông trùm truyền thông Rupert Murdoch thuộc phái bảo thủ cũng viết trên trang Twitter: “Khi nào các chính trị gia có đủ lòng dũng cảm để cấm súng máy?”.

Thực tế vụ thảm sát xảy ra đúng thời điểm nước Mỹ dường như ngày càng nới lỏng các quy định kiểm soát súng đạn. CNN cho biết một ngày trước vụ thảm sát, bang Michigan thông qua luật cho phép người ta mang súng vào trường học. Bang Ohio thông qua luật cho phép cất súng trong xe đỗ ở gara tòa nhà chính quyền bang. Một tòa án ở bang Illinois bãi bỏ lệnh cấm mang vũ khí. Florida tuyên bố sẽ sớm cấp phép mang vũ khí thứ 1 triệu.

Các bài viết về chủ đề kiểm soát vũ khí trên những tờ báo, hãng tin như Washington Post, Wall Street Journal, CNN... thu hút hàng chục nghìn bình luận. Những người phản đối súng đạn khẳng định đã đến lúc phải hành động. Những người ủng hộ quyền sở hữu súng đạn lặp đi lặp lại luận điệu quen thuộc: “Súng không giết người. Chỉ có người giết người”. Hiệp hội Quyền súng đạn Mỹ chỉ trích những người phản đối “lợi dụng thảm họa vì mục tiêu chính trị”. Một số tổ chức vận động hành lang đòi vũ trang các trường học.

Thực tế những cuộc tranh luận tương tự vẫn nổ ra tại Mỹ sau mỗi vụ thảm sát bằng súng. Trên báo New York Times, ông Dan Gross, chủ tịch Chiến dịch ngăn chặn bạo lực súng đạn Brady, khẳng định trường hợp lần này sẽ tạo ra sự khác biệt. “Không một người tử tế nào có thể nhìn bi kịch này mà không giận dữ. Sự giận dữ sẽ tạo ra làn sóng thay đổi”.

Lý do dân Mỹ “cuồng” súng đạn

Trên trang mạng Daily Beast, nhà báo David Sessions trả lời câu hỏi tại sao dân Mỹ, đặc biệt là người miền nam, mê súng đạn đến vậy. “Phản ứng của những người cuồng súng đạn sau mỗi vụ thảm sát rất quen thuộc. Họ nói rằng súng không giết người, chỉ có người giết người, rằng có nhiều súng sẽ giúp mọi người an toàn hơn, rằng lấy súng từ tay người dân tuân thủ luật pháp thì chỉ còn bọn tội phạm có súng”.

Nhà báo Sessions cho biết sinh ra và lớn lên tại bang Texas, ông hiểu tâm lý của những người cuồng súng đạn. Họ sống với súng hằng ngày. Súng đem lại sự hào hứng, niềm tự hào. Theo quan điểm của họ, đương đầu với các vấn đề là nghĩa vụ cá nhân chứ không phải của chính phủ. Họ cho rằng sở hữu súng và bảo vệ quyền sở hữu súng là sự biểu hiện của niềm tin vào trách nhiệm cá nhân và sự độc lập, tự chủ, độc lập khỏi chính phủ.

Thậm chí những kẻ cuồng súng ở Mỹ còn cho rằng người dân cần phải được vũ trang để đề phòng nguy cơ chính quyền trở thành độc tài, phá bỏ nền dân chủ. “Đối với họ, việc vài nghìn người chết cũng chả là gì so với nguy cơ tưởng tượng là chính phủ độc tài đàn áp người dân không có vũ khí” - nhà báo Sessions viết.

Theo khảo sát của Liên Hiệp Quốc, hiện ở Mỹ có khoảng 300 triệu khẩu súng. Tỉ lệ giết người bằng súng đạn ở Mỹ cao gấp 47 lần so với ở Anh, quốc gia có luật kiểm soát súng đạn hiệu quả. Nhật gần như loại bỏ tình trạng giết người bằng súng đạn với các quy định cấm súng. Ngay chính ở Mỹ, các bang có luật kiểm soát súng chặt chẽ nhất có tỉ lệ án mạng bằng súng thấp nhất.

“Nói với con thế nào đây?”

Tôi biết tin về việc xảy ra tại trường học bang Connecticut lúc đang ở cơ quan. Tôi và các đồng nghiệp đều bị sốc. Tôi về sớm, dọc đường nghĩ không biết bọn trẻ ở nhà có biết tin này không và nếu chúng hỏi thì sẽ giải thích thế nào.

Tôi ở Virginia là bang cách đây mấy năm xảy ra vụ nổ súng ở Trường Virginia Tech. Buổi sáng đi ra bến xe buýt, tôi thường đi qua một vườn hoa nhỏ, nơi tưởng niệm hai học sinh của khu này bị chết trong vụ nổ súng. Mỗi lần chạy xe qua tôi lại thấy buồn. Những người trẻ đó họ có bao nhiêu ước vọng, bao hoài bão, cha mẹ họ, bạn bè họ có bao nhiêu niềm yêu thương. Cuộc sống mong manh quá.

Giờ đến vụ nổ súng ở trường tiểu học tại Connecticut, nạn nhân phần lớn là các em nhỏ, có em như hai đứa con nhà tôi. Cảm giác kinh hoàng đeo bám. Bao nhiêu câu hỏi trong đầu: “Tại sao, tại sao?”. Lúc đầu tôi định không đọc tin tức nữa vì sợ sẽ bị ám ảnh.

Chiều qua về nhà thấy hai đứa trẻ đang chơi vui vẻ. Tôi ôm các con vào lòng mà nghĩ đến cha mẹ của những em nhỏ ở Connecticut. Họ chắc cũng như tôi, mỗi sáng dọn đồ ăn sáng cho con, nhắc con mặc ấm, nhắc con không quên cặp sách, hôn tạm biệt để con đi xe buýt đến trường, hoặc chở con đến tận cổng trường, ôm con vội vàng rồi nói chúc con một ngày vui vẻ. Và thế là không gặp lại nữa. Thật đau lòng quá.

Vợ chồng tôi quyết định không nói với bọn trẻ về chuyện xảy ra ở Connecticut. Thật sự là không biết giải thích thế nào với con. Hơn nữa, chúng tôi cũng không muốn bọn trẻ đến trường trong nỗi sợ hãi. Với bọn trẻ, đến trường, gặp thầy cô, bạn bè là niềm vui. Nỗi sợ hãi mình giữ lại trong lòng cha mẹ. Tôi chỉ mong nước Mỹ sẽ ra lệnh cấm sở hữu vũ khí càng sớm càng tốt.

NGUYỄN THỤC QUYÊN (từ Virginia)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN