“Vùng 51” ở sa mạc lớn nhất châu Á

Từ cuối năm 2011, dịch vụ ứng dụng và công nghệ bản đồ trực tuyến Google Maps tung lên mạng loạt ảnh chụp ở sa mạc Gobi phía bên Trung Quốc giáp ranh biên giới Mông Cổ gây xôn xao dư luận thế giới.

Loạt ảnh đầu tiên có tên gọi “Vùng 51 Trung Quốc” xuất hiện trên mạng internet và email từ ngày 7/11/2011. Nổi bật nhất là bộ 3 bức ảnh đầy thách đố: Một hình chữ nhật với bên trong là những đường kẻ ngoằn ngoèo màu trắng, kế đó là vòng tròn nhiều lớp và cuối cùng là một mạng đường kẻ màu trắng nhưng không có khung rất bí ẩn. Tất cả đều có kích thước “khủng”, có vẻ như do người ngoài hành tinh tạo ra theo thuyết đĩa bay.

Trung Quốc thừa nhận

Google Maps cho biết đã chụp được bộ 3 bức ảnh này và nhiều ảnh khác ở vùng Tây Nam đại sa mạc Gobi, tỉnh Cam Túc - Trung Quốc. Cụ thể, đó là sa mạc Bardain Jaran bao gồm thành phố cổ Đôn Hoàng xây dựng từ năm 111 trước Công nguyên, trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc căn cứ 10 và điểm thử bom nguyên tử cũ của Trung Quốc.

“Vùng 51” ở sa mạc lớn nhất châu Á - 1

Bộ 3 bức ảnh huyền bí chụp “Vùng 51 Trung Quốc” - Ảnh: YG

Các nhà quan sát quốc tế đã đưa ra nhiều giải thích khác nhau về những tấm ảnh này. Có người cho rằng chúng giống sơ đồ đường phố thủ đô Washington - Mỹ. Nhưng để làm gì? Một số khác tin rằng chúng là dấu ấn của người ngoài hành tinh. Cũng có người ngờ rằng tin tặc đã lèn vào ứng dụng Google Maps những hình ảnh “siêu nhiên” này để thỏa mãn - hoặc diễu cợt - tín đồ thuyết dĩa bay.

Tuy nhiên, đa số chuyên gia quân sự cho rằng đó là những bãi tập bắn hoặc thử nghiệm vũ khí bí mật của Trung Quốc. Đơn cử, phóng to tâm điểm của vòng tròn bí ẩn giống Stonehenge ở Anh, người ta thấy có 3 chiếc máy bay, 1 chiếc xe tải và những mảnh vỡ tung tóe.

Nhật báo Anh The Telegraph dẫn lời Tim Ripley, chuyên gia về quốc phòng của tuần báo Jane’s, nhận xét rằng các hình ảnh nêu trên không khác gì những thứ đã thấy ở “Vùng 51” tại hoang mạc Nevada - Mỹ, vốn là một căn cứ quân sự tuyệt mật. “Bức ảnh vòng tròn trông rất giống bãi tập bắn tên lửa hành trình để đánh giá mức độ chính xác và hiệu quả. “Vùng 51” của Mỹ cũng có nhiều bãi như vậy” - ông Ripley nhấn mạnh.

Bốn ngày sau khi Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) giải mật thông tin liên quan đến căn cứ quân sự “Vùng 51” bí ẩn của Mỹ, hãng tin Tân Hoa Xã (THX) cũng lần đầu tiên công bố một căn cứ thử nghiệm tên lửa có nhiều tầm bắn khác nhau ở vùng sa mạc Badain Jaran thuộc Nội Mông - Trung Quốc.

“Vùng 51” ở sa mạc lớn nhất châu Á - 2

Chiến đấu cơ Thành Đô F-10 - Ảnh: AIRLINERS.NET

Trong bản tin phát ngày 19/8/2013 vừa qua, THX đã tiết lộ hình ảnh căn cứ quân sự bí mật mà phương Tây gọi là “Vùng 51 Trung Quốc”. Bản tin nêu rõ cơ sở này chưa từng đề cập trên các phương tiện truyền thông đại chúng Trung Quốc. Nó được quân đội Trung Quốc thành lập tháng 12-2003 để thử nghiệm tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 “Made in China”. Trong bức ảnh chụp bên ngoài cổng vào căn cứ còn có hàng chữ “Ai ăn cắp bí mật sẽ bị bắt và xử tử”.

“Vùng 51 Trung Quốc” (còn gọi là Bãi Jinwozi) thật ra bao gồm 2 căn cứ. Trong đó, một căn cứ hoạt động từ năm 1958 theo sắc lệnh của Chủ tịch Mao Trạch Đông ký ngày 3/3, dùng làm bãi tập bắn của thế hệ tên lửa tự tạo đầu tiên của Trung Quốc theo công nghệ Liên Xô. Theo mô tả lúc bấy giờ, đây là nơi “trời không có chim bay, đất không thấy cỏ mọc hay người ở, chỉ có gió và đất đá bay”.

Đây cũng là nơi thử nghiệm các loại chiến đấu cơ thế hệ 1 và 2 do Trung Quốc sản xuất. Năm 2003, căn cứ này và căn cứ mới của quân đội được sáp nhập, trở thành bãi tập bắn của nguyên mẫu máy bay tiêm kích thế hệ 3 và 4, tên lửa không đối không và đất đối không của không quân Trung Quốc.

Khai sinh Thành Đô F-10

Bãi Jinwozi chính là nơi cấp giấy khai sinh, giấy phép sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ và tên lửa Trung Quốc sau khi thử nghiệm thành công. Một trong những chiến đấu cơ đáng chú ý nhất là Thành Đô F-10 (Thành Đô tức Viện Thiết kế máy bay Thành Đô) mà chính phủ Trung Quốc chính thức công bố hồi tháng 1/2007 với hình ảnh của THX. Sự ra đời của F-10, máy bay đa nhiệm có thể không chiến và tấn công mặt đất, là nhằm tranh đua với MiG-29 và Su-27 của Nga.

Về hình thức, F-10 trông giống chiếc Dassault Rafale của Pháp, Saab JAS-39 Gripen của Thụy Điển, Typhoon của Liên hiệp châu Âu và Ye-8 của hãng MiG - Nga. Thành Đô F-10 cũng giống IAI Lavi của Israel với tin đồn Israel bán một số công nghệ của Lavi cho Trung Quốc nhưng cả hai bên đều phủ nhận.

Bên cạnh đó, nguyên mẫu J-10 01 chạy thử lần đầu ở “Vùng 51 Trung Quốc” vào tháng 11/1997 và bay thử ngày 23/3/1998. J-10 01 có chuyến bay thử cuối cùng từ ngày 21 đến 25/12/2003 với bài tập bắn tên lửa không đối không. Phi đội F-10 đầu tiên đã được biên chế vào Trung đoàn 131 - Sư đoàn 44 Không quân Trung Quốc.

(Còn nữa)

Chiến lược INEW

“Vùng 51 Trung Quốc” cũng là nơi thử nghiệm các loại thiết bị điện tử tiên tiến nhằm trang bị cho chiến đấu cơ hiện đại. Ngoài ra, Bãi Jinwozi còn là địa điểm thử nghiệm chiến tranh điện tử mạng tích hợp (INEW). INEW là một chiến lược quân sự sử dụng kết hợp công cụ chiến tranh mạng và vũ khí chiến tranh điện tử chống lại các hệ thống thông tin của địch.

Theo Ủy ban Kinh tế và Giám sát an ninh Mỹ - Trung, chiến lược INEW gắn chặt với học thuyết tiến hành chiến tranh cục bộ theo những điều kiện được thông tin hóa, kết nối mạng, có khả năng điều phối các hoạt động quân sự trên đất liền, trên không, trên biển và trong không gian vũ trụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Cao (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN