Vụ vỡ đê bao ở TPHCM do “nhân tai”

Chiều 11/12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa VIII tiếp tục ngày làm việc thứ ba với phần chất vấn lãnh đạo các sở ngành về vấn đề chống, giảm ngập trên địa bàn thành phố và tình hình nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ.

Trả lời chất vấn, Ông Nguyễn Ngọc Công - Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố - cho biết, hiện thành phố còn 17 điểm ngập do mưa lớn, 2 điểm ngập do triều cường. Vấn đề phát sinh các điểm ngập mới là do quá trình thi công các công trình hạ tầng giao thông đã xâm phạm dòng chảy của kênh rạch gần đó, gây ngập.

Ông Công khẳng định việc triển khai các cống kiểm soát triều đã phát huy tác dụng tốt tại khu vực Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân. Đây là giải pháp giảm ngập bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Việc tiếp tục xây dựng các cống này sẽ giúp kiểm soát tốt vấn đề ngập lụt trên diện tích 108 km vuông của thành phố. Ông cũng cho biết, tất cả các công trình đang triển khai hiện nay đều đã được tính toán trong kịch bản dự kiến cho đỉnh triều đến năm 2050. Vì thế, chắc chắn khi các công trình này được đưa vào sử dụng, việc chống, giảm ngập sẽ đạt mức tối ưu.

Về sự cố vỡ bờ báo gây ngập nặng tại khu phố 8, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức vào ngày 4.12, ông Công cho biết có nguyên nhân xuất phát từ việc người dân đã tự ý đào lỗ thoát nước ngay tại vị trí bờ bao đã được kiên cố hóa. Đại diện UBND Q.Thủ Đức cũng xác nhận việc này tại cuộc họp.

Vụ vỡ đê bao ở TPHCM do “nhân tai” - 1

 Cả xóm hoảng loạn bồng bế nhau chạy lũ.

Ông Công nói rõ thêm cao trình đất tại khu vực P.Hiệp Bình Chánh, P.Hiệp Bình Phước chỉ từ 0,8-1,2m. Trước đây, mức triều cường chưa đến 1,5m. Tuy nhiên, từ 2007, đã xuất hiện đỉnh triều 1,5m, cao điểm nhất là vào tháng 10/2013, đỉnh triều đã là 1,68m. Đó cũng là nguyên nhân triều cường thường gây ngập và vỡ bờ bao tại khu vực này.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng cần xem lại hiệu quả quản lý nhà nước trong vấn đề kênh rạch, đê điều của thành phố. Đồng thời, kêu gọi người dân ý thức hơn trong việc phòng chống ngập lụt.

Cũng trong chiều nay, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phan Minh Tân trả lời chất vấn về hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ phục chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế thành phố. Ông cho biết chiến lược đầu tư cho khoa học công nghệ đã được thành phố quan tâm đúng mức, kiên trì, chủ động và đã có các thành quả nhất định.

Tuy nhiên, theo ông Tân, hiện năng lực quản lý của sở còn nhiều bất cập. Ngoài cơ chế tài chính phức tạp, nhiêu khê, việc “mua” đề tài nghiên cứu khoa học còn có 2 vấn đề. Về phía nhà nghiên cứu khoa học thì luôn có hàng nghìn đề tài nghiên cứu theo hướng hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng. Còn về phía thành phố thì chỉ có nhu cầu “mua” những đề tài nào phục vụ cho nhu cầu mà thành phố đang cần.

Ngày mai, 12/12, Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ báo cáo và trả lời chất vấn về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố trong năm 2013, giải pháp cho năm 2014. Sau đó, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa VIII cũng sẽ bế mạc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đ.Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN