Vụ Vạn Thịnh Phát: "Bị cáo nghĩ mình là nhân viên, không hiểu phạm tội gì mà đề nghị mức án ngang các sếp"

Theo các luật sư bào chữa, một số bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát đều thực hiện theo chỉ đạo và hưởng lương để lo cho gia đình.

Chiều 25-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS).

Bị cáo mù quáng phục vụ cho “đế chế” của Trương Mỹ Lan

Bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) bị cáo buộc là người quản lý, điều hành việc tìm người đứng tên đại diện pháp luật các công ty “ma”, dựng hồ sơ vay vốn khống và rút tiền giải ngân tại SCB; phối hợp để “giải quỹ”… giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 297 ngàn tỉ đồng, gây thiệt 128 ngàn tỉ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Anh, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng mức án mà đại diện VKS đề nghị 19-20 năm tù về tội tham ô tài sản là quá nặng.

Luật sư cho rằng HĐXX, VKS cần cân nhắc đến hoàn cảnh, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo để xem xét, giảm nhẹ. Năm 2019-2020, vợ bị cáo Phương Anh bệnh nan y, bố mẹ già và có con nhỏ. Nếu bị cáo không thực hiện theo chỉ đạo sẽ mất việc, không có tiền và không thể lo cho gia đình.

Theo luật sư, dù số tiền bị cáo buộc giúp sức gây thiệt hại hơn 128 ngàn tỉ đồng, nhưng Phương Anh chỉ làm công ăn lương, không hưởng bất kì cổ phiếu hay khoản tiền nào từ bị cáo Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Phương Anh chỉ thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình để kiếm lương cho gia đình. Bị cáo chỉ nghĩ làm tốt công việc để nhận đồng lương xứng đáng mà không có ý định giúp sức cho bà Lan hay các bị cáo khác.

Về thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, bị cáo Phương Anh không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại. Bởi vì, mọi người đều cho rằng ngân hàng SCB trước và sau khi hợp nhất đều thuộc gia tộc của Trương Mỹ Lan. “Bị cáo mù quáng thực hiện theo suy nghĩ phục vụ cho “đế chế” của bà Trương Mỹ Lan, muốn lập công tốt để hưởng lương”, LS Trang nói.

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Phương Anh đồng tình với quan điểm luật sư và không bào chữa thêm.

Làm chức danh quản lý là hữu danh vô thực

Theo cáo buộc, Đặng Phương Hoài Tâm - cựu Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát quản lý tài sản, danh sách các cá nhân, công ty “ma” và dư nợ; phối hợp với Nguyễn Phương Anh thành lập công ty “ma” để đứng tên khoản vay… Giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 171 ngàn tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 57 ngàn tỉ đồng. Bị cáo Tâm bị VKS đề nghị mức án 19 - 20 năm tù về tội tham ô tài sản.

Bào chữa cho bị cáo Tâm, LS cho rằng mức án mà VKS đề nghị là quá nặng. Xét về hoàn cảnh, chồng của bị cáo Tâm mới mất được 2 năm, bị cáo hiện là mẹ đơn thân. Bị cáo Tâm chỉ có trình độ trung cấp kế toán, năng lực hạn chế.

Bị cáo Trương Mỹ Lan chọn Tâm phụ trách văn phòng HĐQT tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì cần người có tuổi để quản lý các nhân viên trẻ. Bị cáo Tâm chỉ căn cứ chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan để phân phó cho các nhân viên cấp dưới theo quy mô, nhiệm vụ; không chủ động mở các công ty và không kêu gọi mở các công ty và chỉ chấp hành đúng quy định ban hành của HĐQT tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

“Đây là nhiệm vụ thực hiện kế tục người đi trước, dù có bị cáo Tâm hay không, mô hình hoạt động của Vạn Thịnh Phát vẫn sẽ diễn ra”, luật sư trình bày.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm cho rằng bản thân chỉ quản lý tài sản công ty, theo dõi dư nợ tài sản mang thế chấp, hoàn toàn không theo dõi các công ty vay. Về việc giải quỹ, bị cáo Tâm không biết gì từ quá trình bắt đầu đến khi kết thúc.

Về việc thành lập công ty vay hay quản lý công ty vay, bị cáo Tâm chỉ hỗ trợ soạn thảo văn bản, hồ sơ rồi gửi lại file mềm cho Nguyễn Phương Anh và việc sử dụng các tài liệu vào mục đích gì thì bị cáo không nắm.

Đồng thời, bị cáo Tâm được bổ nhiệm chức vụ tại văn phòng HĐQT tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì lúc đó bộ phận không có ai quản. Bị cáo làm hữu danh vô thực, không có tiếng nói.

“Bị cáo thực chất mình là nhân viên, không hiểu mình phạm tội gì mà đề nghị mức án ngang ngửa các sếp. Bị cáo chỉ là nhân viên, đi làm bình thường chỉ muốn đi làm lo cho con. Bị cáo làm sai thì bị cáo chịu nhưng bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, bị cáo Tâm khóc trình bày.

Nguồn: [Link nguồn]

Bào chữa bổ sung cho bản thân, bị cáo Hồ Bửu Phương khóc nói rằng sau khi nghe VKSND đề nghị mức án, bị cáo không dám gặp vợ, con vì xấu hổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo SONG MAI - HỮU ĐĂNG ([Tên nguồn])
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN