Vụ "kêu cứu trên Facebook cũng bị kỷ luật": Địa phương làm sai!

Liên quan việc cô giáo Dương Hải Âu bị chính quyền xã Tân Hiệp (Thạnh Hóa, Long An) xử lý kỷ luật vì đưa lên Facebook cá nhân hình ảnh cây cầu bị sập làm một giáo viên suýt chết, lãnh đạo huyện Thạnh Hóa khẳng định cô giáo không sai, chính quyền xã mới sai...

Sáng nay (5.12), ông Nguyễn Văn Tạo - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hoá - cho biết, sau khi Dân Việt đăng bài "Kêu cứu trên Facebook cũng bị kỷ luật", ông đã yêu cầu chính quyền xã Tân Hiệp báo cáo vụ việc.

"Theo đó, ngày thứ Hai (7.12), xã sẽ báo cáo cụ thể bằng văn bản. Tuy nhiên, chưa cần văn bản thì tôi cũng đủ thông tin để biết xã làm sai" - ông Tạo nói.

Theo ông Tạo, cây cầu xuống cấp mà không kịp sửa chữa, để người dân đi lại khó khăn là lỗi của địa phương. Cầu sập, người dân bị té xuống sông thì địa phương có lỗi càng lớn.

Vụ "kêu cứu trên Facebook cũng bị kỷ luật": Địa phương làm sai! - 1

Cây cầu sập hiện đã được sửa chữa.

"Cô giáo Dương Hải Âu góp ý đúng, lẽ ra phải tiếp thu chứ tại sao lại kỷ luật? Tôi nói thẳng, trong trường hợp này cô giáo đúng, xã làm sai. Mà kể cả người dân góp ý chưa đúng, thậm chí chửi oan thì mình cũng phải giải thích cho dân hiểu, chứ không thể xử người ta được. Cô giáo chỉ ra thiếu sót của mình, không cảm ơn thì thôi chứ sao lại phạt? Vụ này, chẳng những không phạt cô giáo mà chính chúng tôi phải rút kinh nghiệm" - ông Tạo nói.

Ông Nguyễn Hoà Nhã - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Long An - cho biết, sáng nay đã nắm sự việc qua báo chí. "Tôi thấy cô giáo góp ý bình thường. Địa phương còn nhiều khó khăn, giao thông chưa thuận lợi là người dân bị thiệt thòi nên cô giáo phản ánh đúng, phải tiếp thu chứ, sao lại phạt?", ông Nhã nói.

Trong một diễn biến khác, sau khi cô Âu đưa thông tin lên Facebook, một tổ chức thiện nguyện đã về địa phương khảo sát và đề nghị hỗ trợ địa phương làm lại cầu mới.

Vụ "kêu cứu trên Facebook cũng bị kỷ luật": Địa phương làm sai! - 2

Sau khi cô Hải Âu thông tin cây cầu sập lên Facebook, nhóm thiện nguyện đã về khảo sát với mong muốn xây cầu mới.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện tổ chức thiện nguyện này cho biết: "Chúng tôi quan tâm tới thông tin do cô giáo cung cấp và quan tâm tới khó khăn của người dân. Do đó, chúng tôi muốn giúp giáo viên cùng người dân ở đây có một cây cầu bê-tông thay cho cầu ván. Việc địa phương xử lý cô giáo, chúng tôi không có ý kiến vì tổ chức của chúng tôi chỉ quan tâm đến chuyện từ thiện mà thôi".

Cô giáo Âu là giáo viên dạy Mỹ thuật, nhà ở trung tâm TP.Tân An (Long An). Cô về Tân Hiệp - xã giáp biên giới Campuchia - dạy học được 3 năm. Xã Tân Hiệp nằm ở vùng Đồng Tháp Mười, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và là xã nghèo, đời sống của người dân còn rất nhiều thiếu thốn. Trong 3 năm về vùng này dạy học, cô Âu luôn là chiến sĩ thi đua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Danh - Trần Kỳ Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN