106 cây cổ thụ đường Kim Mã bị bỏ rơi: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lên tiếng

Sự kiện: Tin nóng

106 cây xanh đánh chuyển từ đường Kim Mã sang vườn ươm Đa Tốn bị bỏ mặc, không chăm sóc trong khi đơn vị đánh chuyển cây đã “mất tích”.

Ông Hưng bức xúc vì đơn vị thuê đất trồng cây “mất tích” một thời gian dài. Ảnh TPO.

Ông Hưng bức xúc vì đơn vị thuê đất trồng cây “mất tích” một thời gian dài. Ảnh TPO.

Chủ đất nói “không giải quyết sẽ hủy cây”

Mới đây, ông Nguyễn Văn Hưng (SN1966, trú tại Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh về việc Công ty Cổ phần Beepro (gọi tắt là Công ty Beepro) - đơn vị thực hiện di dời 106 cây xanh trên đường Kim Mã để thực hiện dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội “mất tích”, chưa trả tiền thuê đất và không chăm sóc cây trong nhiều năm qua.

Theo ông Hưng, ngày 17/10/2016, Công ty Beepro đã ký hợp đồng thuê thửa đất có diện tích 3.000m2 với ông, thời hạn thuê đất là 2 năm (từ 2/11/2016 đến 2/11/2018), chi phí thuê 150 triệu đồng/năm.

Thời gian đầu, công ty này thuê một số người làm cây tại Văn Giang (Hưng Yên) lên chăm cây. Sau khoảng 2 tháng, cây đâm chồi, nảy lộc thì họ mời các bên liên quan và báo chí, truyền thông đến đưa tin rầm rộ.

Tuy nhiên, từ sau vụ đó trở đi, không còn ai đoái hoài đến hàng cây, chúng bị bỏ mặc cho khô hạn. Hiện đã không dưới 30 cây bị chết khô.

“Nếu tôi không là người yêu cây, thỉnh thoảng vẫn trông nom và tưới tắm cho hàng cây thì chúng còn chết nhiều nữa”, ông Hưng chia sẻ.

Nhiều cây đã bị chết khô do lâu ngày không có người chăm sóc. Ảnh TPO.

Nhiều cây đã bị chết khô do lâu ngày không có người chăm sóc. Ảnh TPO.

Riêng hợp đồng thuê đất mà Công ty Beepro ký với ông Hưng có thời hạn 2 năm, họ mới chỉ thanh toán tiền thuê 1 năm (năm 2017). Đến hiện tại, đã 4 năm trôi qua, hàng cây vẫn đứng đó, tiền cho thuê không lấy được, gọi điện cho người ký hợp đồng không liên lạc được… khiến ông Hưng rất bức xúc.

“Đất đấy, tôi cũng đi thuê lại để ươm cây, không ươm hết nên tôi mới cho thuê để trồng cây. Giờ người ta sắp có dự án của người ta, cây thì chưa đánh chuyển, tiền thuê đất thì chưa lấy được, tôi đứng giữa như có tội.

Bây giờ, họ không về đánh chuyển cây đi thì ít ra cũng cho tôi cái hẹn xem giải quyết như thế nào, khi nào giải quyết. Nếu không giải quyết thì tôi chỉ còn nước hủy cây đi chứ chẳng còn cách nào”, ông Hưng nói.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lên tiếng

PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo của Công ty Beepro để tìm hiểu sự việc nhưng không được.

Liên quan đến vụ việc, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) – đơn vị ký hợp đồng với Công ty Beepro giải thích rằng, sau khi được Sở Xây dựng cấp giấy phép dịch chuyển, chặt hạ cây xanh, MRB đã ký hợp đồng với Công ty Beepro về việc đánh chuyển cây xanh.

Tuy nhiên, trong hợp đồng ký kết giữa MRB và Công ty Beepro không có điều khoản nào đề cập đến việc Beepro thuê đất của bên thứ 3 để làm vườn ươm cây.

“MRB cùng công ty Beepro tuân thủ hợp đồng ký kết, thực hiện đúng theo phương án đã được phê duyệt. Sau khi hết hạn hợp đồng, việc dịch chuyển cây từ vườn ươm đến các địa điểm trồng tiếp theo thuộc thẩm quyền của Thành phố.

Tại các cuộc họp với Công ty Beepro, MRB vẫn đề nghị và nhiều lần có văn bản đốc thúc, yêu cầu công ty tiếp tục chăm sóc cây xanh, đảm bảo tỉ lệ sống cao nhất cho đến khi Thành phố có hướng dẫn cụ thể về địa điểm trồng cây” đại diện MRB thông tin.

Đại diện MRB cho biết thêm, đơn vị này cũng gặp phải một số vướng mắc mà đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đó là việc, các loại cây tại vườn ươm đều không thuộc chủng loại cây đô thị, do đó các cơ quan chuyên ngành vẫn đang cân nhắc về địa điểm dịch chuyển trồng cố định sau khi hết hợp đồng chăm sóc tại vườn ươm.

Bên cạnh đó, do đây là công tác thí điểm lần đầu tiên thực hiện nên không có định mức, đơn giá dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục thanh toán theo quy định gặp nhiều khó khăn. Sở Xây dựng đã có hướng dẫn nêu rõ việc xây dựng đơn giá định mức đặc thù là không cần thiết do hạng mục đánh chuyển chỉ thực hiện thí điểm một lần, không áp dụng đối với các công trình khác trên Thành phố.

Thời gian qua, MRB đã tổ chức các cuộc họp liên ngành với Sở Xây dựng và Công ty Beepro để thống nhất phương án giải quyết các vướng mắc và báo cáo UBND TP Hà Nội, đề xuất giao cho đơn vị chuyên ngành dịch chuyển các cây về trồng và chăm sóc tại địa điểm thích hợp.

Nguồn: [Link nguồn]

Cận cảnh hàng cây cổ thụ ở Kim Mã chết mòn sau 4 năm đánh chuyển

Sau 4 năm đánh chuyển, hàng cây cổ thụ ở Kim Mã đang dần héo úa ở vườn ươm ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (Hà Nội), thậm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN