Vì sao khủng bố IS không ngừng lớn mạnh ở Iraq?

Chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi, phiến quân IS đã tuyển mộ được hơn 20.000 chiến binh ở Iraq.

Ngày 11/9, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA cho hay số lượng chiến binh tham gia nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi, từ 10.000 hồi tháng Năm lên tới 31.500 vào tháng Tám.

Trong thời gian gần đây, hầu như cả thế giới đều biết đến IS như một tổ chức khủng bố tàn bạo với những vụ hành quyết, chặt đầu, cưỡng hiếp dã man, gây ra quá nhiều đau thương cho người dân Iraq. Vậy tại sao số tay súng của chúng lại tăng nhanh như vậy, và chúng vẫn nhận được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ người dân ở lãnh thổ do chúng chiếm đóng?

Vì sao khủng bố IS không ngừng lớn mạnh ở Iraq? - 1

Phiến quân IS khét tiếng với những vụ hành quyết dã man

Theo bà Nussaibah Younis, một chuyên gia về Iraq, một số người thuộc dòng Sunni ở Iraq cũng phản đối sự tàn bạo của IS và thậm chí còn sát cánh cùng quân đội chính phủ để ngăn chặn các đợt tiến công của phiến quân vào thành phố Haditha.

Tuy nhiên, có rất nhiều người thuộc cộng đồng Sunni ở Iraq lại ủng hộ nhóm phiến quân tàn bạo này, bởi họ cảm thấy mình đang bị chính phủ Iraq đối xử bất công và tàn tệ. Bà Younis nói: “Họ nhìn nhận chính phủ Iraq như chính quyền của người Shiite, và họ vô cùng giận dữ khi bị lực lượng an ninh toàn là người Shiite hạ nhục, thậm chí bỏ tù không cần xét xử. Nhiều người đã bị cảnh sát Iraq bỏ tù, tra tấn để đòi tiền hối lộ của gia đình”.

Năm 2013, người Sunni ở Iraq đã xuống đường biểu tình chống lại chính phủ toàn là người Shiite của Thủ tướng Nouri al-Maliki nhưng thất bại, và họ đã bị đàn áp dã man. Những vụ đàn áp người Sunni của ông Maliki đã đẩy nhiều vùng đất của Iraq vào tay phiến quân IS.

Thiếu tướng Najim Jabouri, cựu thị trưởng thành phố Tal Afar ở Iraq cho biết người Sunni ở đây không hề thích những kẻ Hồi giáo cực đoan, tuy nhiên vì IS chiến đấu chống lại chính phủ Iraq nên người Sunni mặc nhiên coi IS là bạn.

Vì sao khủng bố IS không ngừng lớn mạnh ở Iraq? - 2

Nhiều người Sunni ủng hộ IS vì quá tức giận chính quyền Iraq

Tướng Jabouri nói tiếp: “Nếu người Sunni so sánh giữa chính quyền Iraq và IS, họ nhận ra rằng IS còn tốt đẹp hơn nhiều so với chính phủ. An ninh Iraq đã sát hại rất nhiều người Sunni, thậm chí giết cả tù nhân Sunni trước khi rút khỏi thành phố. Chính điều đó đã đẩy người Sunni vào vòng tay của IS, dù họ không hề thích phiến quân”.

Sau khi thể hiện sự ủng hộ với IS, giờ đây cộng đồng người Sunni lại lo sợ rằng một khi IS bị đánh bại, họ cũng sẽ bị coi là các phần tử phiến quân và phải chịu số phận tương tự. Điều đó đã khiến nhiều thanh niên người Sunni cầm súng chiến đấu với quân đội chính phủ để bảo vệ IS và bảo vệ chính mạng sống của mình.

Nỗi sợ hãi đó của họ càng tăng lên sau khi họ nhận được những thông tin rằng các binh sĩ người Shiite trong khi thực hiện chiến dịch tấn công IS đã xả súng bắn giết người Sunni địa phương và hủy hoại tài sản của họ.

Vì sao khủng bố IS không ngừng lớn mạnh ở Iraq? - 3

Các chiến binh người Kurd chống lại phiến quân IS ở miền bắc Iraq

Các chuyên gia phân tích lo ngại rằng, với sự ủng hộ của người Sunni bản địa, chiến lược “đuổi cùng giết tận” IS mà Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa xây dựng có thể sẽ không thể thành công, khi IS vẫn còn tìm được sự hậu thuẫn từ một bộ phận người dân Iraq.

Bởi vậy, chuyên gia Younis cho rằng chính phủ mới được thành lập của Iraq phải có những chiến lược mới để xóa tan nỗi lo sợ trên của người Sunni, đồng thời tạo điều kiện cho họ lãnh đạo cuộc chiến chống IS ở những khu vực nhạy cảm.

Còn theo tướng Jabouri, chính phủ Iraq hiện nay cần phải đảm bảo rằng sẽ không ai được phép đứng ngoài vòng pháp luật, và công việc đó phải là trách nhiệm của mọi người chứ không phải là của một nhóm đặc quyền đặc lợi.

Viên tướng này nhận định: “Người dân Iraq cần các lãnh đạo quốc gia chứ không phải là lãnh đạo phe phái. Vấn đề của chúng ta hiện nay nằm ở giới lãnh đạo chứ không phải do người dân”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo PBS) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN