Văn hóa thứ bậc HQ làm máy bay rơi nhiều hơn?
Các điều tra viên Mỹ đang xem xét vai trò của văn hóa thứ bậc ở Hàn Quốc như một nguyên nhân gây ra vụ cháy máy bay ở San Francisco hồi tuần trước.
Sau vụ tai nạn máy bay kinh hoàng của hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) tại sân bay San Francisco hồi tuần trước khiến 2 nữ sinh Trung Quốc thiệt mạng, các chuyên gia về tai nạn hàng không đang đặt ra câu hỏi về vai trò của văn hóa thứ bậc ở Hàn Quốc trong vụ tai nạn này.
Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ Deborah Hersman cho biết họ đang xem xét sự liên quan giữa phi hành đoàn của chuyến máy bay này với các phi công trong vụ chiếc máy bay Boeing 747 bị rơi ngay sau khi cất cánh ở London năm 1999.
Chiếc máy bay của hãng Asiana Airlines cháy rụi trên đường băng
Với các chuyên gia hàng không, việc kiểm tra quá trình liên lạc trong buồng lái đã làm sáng tỏ những sai sót đã xảy ra trong vụ tai nạn ngày 22/12/1999, khi chiếc máy bay số hiệu 8509 của hãng Korean Air rơi xuống một ngôi làng gần London.
Kết quả điều tra vụ tai nạn này cho thấy những gì diễn ra trong buồng lái chiếc máy bay này có liên quan đến hệ thống thứ bậc trong văn hóa Hàn Quốc. Khi chiếc máy bay cất cánh trong điều kiện trời tối, đèn báo trước mặt cơ trưởng cho biết hệ thống chân trời giả không hoạt động. Còn cơ phó theo dõi chiếc đồng hồ chân trời ảo phụ nằm trên bảng điều khiển giữa hai người.
Khi cơ trưởng bắt đầu cho máy bay chuyển hướng, thiết bị chân trời ảo trước mặt ông này không ghi nhận việc máy bay đã nghiêng đi một góc nhất định. Vì thế cơ trưởng không nhận ra rằng máy bay đã chuyển hướng, và ông tiếp tục cho máy bay lượn vòng, mặc dù thiết bị cảnh báo đã bíp 9 tiếng trong buồng lái.
Kết quả điều tra cuối cùng của Cơ quan Điều tra Tai nạn Máy bay Anh cho biết: “Không ai trong phi hành đoàn lên tiếng về những cảnh báo đó”.
Hậu quả là cánh máy bay quệt xuống mặt đất và toàn bộ 4 thành viên trong phi hành đoàn thiệt mạng. Cơ trưởng của máy bay này là Park Duk-kyu, 57 tuổi, một phi công kỳ cựu từng lái máy bay chiến đấu trong lực lượng không quân Hàn Quốc. Cơ phó là Yoon Ki-sik, 33 tuổi, một người ít kinh nghiệm hơn nhiều.
Báo cáo điều tra cho biết ông Park đã rất cáu vì máy bay của họ khởi hành muộn từ London. Mặc dù cơ phó Yoon báo cáo thông tin chính xác với đài kiểm soát không lưu, ông Park vẫn nói với viên phi công trẻ này bằng giọng kẻ cả rằng: “Hãy đảm bảo anh hiểu những gì đài không lưu nói trước khi anh lên tiếng”.
Vài giây sau, ông này gào lên: “Trả lời họ đi chứ! Họ đang hỏi chuyến bay sẽ bị hoãn bao lâu”.
Báo cáo cho rằng với những lời mắng mỏ này, viên cơ trưởng đã tạo ra bầu không khí nặng nề trong buồng lái khiến các thành viên khác trong phi hành đoàn không dám cung cấp thêm thông tin, đặc biệt là cơ phó.
Dù máy bay chuyển hướng sai sau khi cất cánh chưa đầy một phút, viên cơ phó này không nói gì, trong khi thiết bị trước mặt anh ta cho thấy máy bay đã gần như lệch sang một bên.
Dù biết máy bay chuyển hướng sai nhưng cơ phó không dám lên tiếng (Ảnh minh họa)
Nhà văn Malcolm Gladwell đã xem xét ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc trong buồng lái máy bay trong cuốn sách “Outliers” xuất bản năm 2008.
Gladwell cho hay: “Hãng Korean Air có nhiều vụ tai nạn máy bay hơn bất cứ hãng hàng không nào khác trên thế giới trong giai đoạn cuối thập niên 1990. Điều mà họ đang phải đấu tranh chính là di sản văn hóa thứ bậc của Hàn Quốc. Bạn buộc phải tỏ ra tôn trọng những bậc bề trên và người lớn tuổi theo một phương cách mà người Mỹ không thể tưởng tượng nổi”.
Trong phần khuyến nghị của mình, các điều tra viên Anh đã kêu gọi hãng Korean Air thay đổi văn hóa và phương pháp đào tạo để “tạo nên không khí cởi mở hơn giữa cơ trưởng và cơ phó”.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ nguyên nhân vụ tai nạn chiếc máy bay 214 của hãng Asiana Airlines là do thất bại trong giao tiếp giữa các thành viên phi hành đoàn. Dù sao Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cũng sẽ xem xét những gì cơ trưởng và cơ phó đã nói trong buồng lái chiếc máy bay này dù họ là người Hàn Quốc hay không.