Tướng Giáp học từ trường quân sự nào?

Làm thế nào một thầy giáo Sử học ở trường trung học, một cựu nhà báo lại có thể trở thành một vị tướng có nhiều chiến công hiển hách, có thể sánh ngang với những vị tướng lĩnh giỏi nhất trong lịch sử nhân loại?

LTS: Tác giả Cecil B. Currey, giáo sư Sử học đã giảng dạy Lịch sử tại trường Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ), được đánh giá là một trong những sử gia xuất sắc về lịch sử chiến tranh. Ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi thăm Việt Nam năm 1997, đã được Đại tướng tiếp ở nhà riêng.

Chúng tôi xin trích đăng một phần trong cuốn sách "Võ Nguyên Giáp – Chiến thắng bằng mọi giá" mà GS. Cecil B. Currey viết về Đại tướng.

Kỳ 3: Trường quân sự của Tướng Giáp

Không một người phương Tây nào có thể biết chính xác đâu là tầm cỡ hành trang lý luận quân sự của ông, một lĩnh vực mà mỗi khi có ai hỏi đến ông đều thoái thác, không muốn trả lời rõ ràng.

Một số người cho rằng, ông đã được đào tạo quân sự theo trường phái quân sự Liên Xô, hoặc đã theo học quân sự tại Viện Quân sự Hoàng Phố của Quốc dân Đảng Trung Hoa. Người khác lại cho ông là đệ tử của những người cộng sản Trung Hoa. Tất cả những giả thuyết trên đều không có gì làm bằng chứng.

Trái lại là khác… Câu trả lời duy nhất của ông được nhắc lại trong nhiều dịp: “Trường quân sự duy nhất tôi đã học là chiến tranh du kích”. Ông đã học trong thực tế chiến trường.

Khó khăn duy nhất của chiến tranh du kích, nếu nói là một học viện quân sự, thì cái thiếu duy nhất đó là một thư viện. Clausewitz đã nói nếu muốn tự học về quân sự thì chỉ có hai con đường: kinh nghiệm của bản thân và lịch sử chiến tranh. Nói về kinh nghiệm, Võ Nguyên Giáp có một kho tàng tầm cỡ.

Tướng Giáp học từ trường quân sự nào? - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch quân sự tại Sở chỉ huy Chiến dịch biên giới (năm 1950)

Napoleon và Tôn Tử

Ông nhắc lại ông chịu ơn Napoleon trong một buổi trò chuyện năm 1988, còn người kia là Tôn Tử, một triết gia của Trung Quốc cổ đại.

Đọc những đoạn trích, những câu châm ngôn của Tôn Tử làm ta nghĩ ngay đến cách thức Võ Nguyên Giáp vận dụng trong những năm đầu chiến tranh chống Pháp, giống nhau giữa học thuyết của Tôn Tử và những gì đã do Võ Nguyên Giáp phát triển là hiển nhiên.

Nhưng khi người ta hỏi Binh pháp Tôn Tử đã ảnh hưởng đến ông như thế nào, ông trả lời: “Tôn Tử có những ý kiến rất hay. Trước đây tôi đã được đọc và tôi đã phát hiện ông ta nói rằng… Nếu lực lượng địch đông gấp mười lần thì không nên đánh. Nếu chúng ta chạy theo kẻ địch có lẽ chúng ta còn ở trong rừng sâu. Chúng ta đã không bao giờ chiến thắng được người Pháp và người Mỹ sau này. Tôn Tử đã không tự mình chỉ ra cho chúng tôi điều chúng tôi đã làm như thế nào”.

Đối với Võ Nguyên Giáp, một con người khác đã đi theo tấm gương của các bậc anh hùng là Hồ Chí Minh, người thầy dẫn đường của ông. Ông viết: “Người ta có thể nói không lầm rằng quân đội của chúng tôi là từ nhân dân mà ra, đã được xây dựng theo tư tưởng của Đảng và của Bác Hồ”.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết phải có căn cứ địa vững chắc làm chỗ ẩn náu chắc chắn khi gặp thất bại. Và Võ Nguyên Giáp học tập ở Hồ Chí Minh tinh thần kiên trì. Ông viết: “Đối với chúng tôi đó là bài học bổ ích nhất trước khi ra trận”. Bài học đó Hồ Chí Minh thường nhắc đi nhắc lại: “Quyết tâm, quyết tâm, có quyết tâm thì làm việc gì cũng thành công”.

Võ Nguyên Giáp còn học tập được ở nhiều nhà lý luận quân sự của cộng sản, đặc biệt là Mao Trạch Đông và Lênin.

Còn một người thầy khác mà Võ Nguyên Giáp đã học hỏi. Trong các tác phẩm mà Võ Nguyên Giáp đọc, có những tác phẩm của T. E. Lawrence - một người anh hùng huyền thoại của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.

Năm 1946, trong một buổi trò chuyện với tướng Raoul Salan, theo người ta kể lại Võ Nguyên Giáp đã nói với viên tướng Pháp: “Cuốn sách kinh điển chiến đấu của tôi là Bảy cột trụ của sự khôn ngoan. Tôi luôn luôn đem theo cuốn sách đó bên người”.  Và chính tướng Salan cũng khẳng định là Tướng Giáp chịu ảnh hưởng rất mạnh của Lawrence.

Tướng Giáp học từ trường quân sự nào? - 2

Tướng Giáp: “Trường quân sự duy nhất tôi đã học là chiến tranh du kích”

Từ các anh hùng dân tộc

Võ Nguyên Giáp đã học hỏi kinh nghiệm ngay từ những vị anh hùng dân tộc của đất nước ông. Ông tự hào về dân tộc Việt Nam, từ xa xưa đã kiên cường trong cuộc đấu tranh chống ách đô hộ và sự xâm lăng của Trung Quốc.

Đối với Võ Nguyên Giáp, Trần Hưng Đạo thật sự là một nhà chiến lược quân sự tài ba. Ông dùng chiến tranh du kích để quấy rối quân địch mạnh hơn mình và ông đặc biệt quan trọng khối đoàn kết dân tộc bằng cách tập hợp toàn thể dân chúng dưới một ngọn cờ do ông lãnh đạo.

Nhưng có lẽ theo Võ Nguyên Giáp, người anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam là Lê Lợi. Võ Nguyên Giáp khẳng định ông đã học được ở Lê Lợi khái niệm “chiến tranh lâu dài”, ông viết: “Đó là thiên tài của dân tộc ta đã làm nên truyền thống đẩy mạnh kháng chiến và biết đánh bại quân địch trong chiến tranh lâu dài”.

Rồi còn có Nguyễn Huệ, còn gọi là Quang Trung, năm 1771 cùng với hai anh trai của mình đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi. Võ Nguyên Giáp coi Nguyễn Huệ là người chứng minh cho sức mạnh của quần chúng vì ông đã dựa vào những người nông dân chân đất áo vải để đánh đổ các tập đoàn phong kiến phản động Trịnh - Nguyễn, đánh tan hai cuộc xâm lược của phong kiến Trung Quốc và Xiêm La bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Tất cả những vị anh hùng đó, những cuộc xung đột đó đều được xếp vào loại chiến tranh chính nghĩa như cuộc chiến tranh hiện nay Võ Nguyên Giáp đang tiến hành. Những con người vĩ đại và những cuộc đấu tranh nổi tiếng đó chứng tỏ rằng đại nghĩa thắng hung tàn, rằng ít có thể thắng nhiều, số lượng là không đáng kể và yếu có thể thắng mạnh.

Võ Nguyên Giáp nói cuối năm 1988 trong một buổi trò chuyện: “Nguồn gốc học thuyết quân sự của tôi là xây dựng truyền thống đấu tranh và chiến đấu chống ngoại xâm, nâng cao quyền lực của nhân dân để đánh bại kẻ thù mới bằng cách tăng cường chủ nghĩa Mác - Lênin và thiết lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nghiên cứu và vận dụng các kinh nghiệm chọn lọc của Napoléon, và ở các nhà quân sự lỗi lạc các nước đồng minh Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác’. Mỉm cười, ông nói thêm: “Tôi cũng đã vận dụng một vài ý tưởng hay của học thuyết quân sự Hoa Kỳ”.

Không những Võ Nguyên Giáp trở thành một tướng lĩnh có tài mà còn là một nghệ sĩ trong cách dùng binh. Ông vừa nhúng bút trong dung môi lịch sử của đất nước ông, ông lại chấm phá bằng những màu sắc mượn của Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, của Tôn tử, của Napoleon, của Lawrence và nhiều người khác những nét vẽ mới trên tấm vải mà nền là Đảng và nhân dân của ông. Ông pha trộn những màu sắc nguyên thuỷ để tạo nên những sắc thái phụ trợ và những hình bóng của chính ông. Bức tranh hoàn thành là một kiệt tác của ông.

(Trích cuốn Võ Nguyên Giáp – Chiến thắng bằng mọi giá)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN