Trộm nick Yahoo: Cần nhà mạng vào cuộc
Mánh khóe trộm nick yahoo của tội phạm như thế nào? Trách nhiệm của nhà mạng đến đâu trong việc giúp đỡ cơ quan điều tra truy tìm tội phạm trộm tài khoản yahoo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14 - PC45 - Công an TP. Hà Nội) đã có cuộc chia sẻ với PV về những mánh khóe của loại tội phạm trộm nick yahoo để lừa đảo cũng như những khó khăn trong điều tra bởi chưa nhận được sự giúp đỡ tích cực của các nhà mạng.
Những năm gần đây, tội phạm trộm tài khoản nick yahoo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện tại Việt Nam, ở nhiều tỉnh thành địa phương đều có. Đội cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (Phòng PC45 - Công an TP. Hà Nội) đã tiếp nhận rất nhiều đơn thư phản ánh từ các nạn nhân và không ít lần triệt phá thành công những vụ án liên quan đến loại tội phạm này. Điển hình gần đây nhất là nhóm 18 học sinh PTTH bị bắt tại Quảng Trị cách đây ít ngày.
Lê la diễn đàn
Trung tá Ngô Minh An nhận định, từ những vụ án bị triệt phá từ trước nay cho thấy, loại tội phạm trộm nick yahoo không phải là những tổ chức quy mô lớn, hay đường dây phức tạp tinh vi. Chúng chỉ là một nhóm đối tượng thanh niên rủ rê nhau tham gia phạm tội. Thậm chí, vụ án trộm tài khoản lừa mua vé máy bay bị phá cách đây ít lâu, 2 đối tượng tham gia trước đó không hề quen biết nhau mà chỉ vô tình quen trên mạng.
Theo quy định, khi đăng ký mới tài khoản Yahoo, người dùng được điền vào một số thông tin riêng để bảo mật và phục hồi nếu gặp rủi ro mất mát. Tuy nhiên nhiều người sử dụng nick yahoo cho rằng, lâu ngày, ít ai nhớ được thông tin này. Vì vậy, nếu bị mất trộm nick yahoo, hầu hết đều rất khó khăn để phục hồi tài khoản. |
Để thực hiện hành vi phạm tội, những nhóm thanh niên này thường la cà trên mạng Internet. Chúng vào các diễn đàn trên mạng trao đổi thông tin. Đôi khi chúng học được một vài thủ thuật của tin tặc (hacker) tưởng chừng vô hại nhưng lại là công cụ để gây án.
Đầu tiên chúng sẽ tìm hiểu chiêu trò tạo ra phần mềm gắn theo một trang mạng nào đó có khả năng ghi nhớ tài khoản rồi lê la làm quen với những người hay chat yahoo. Nói chuyện làm quen một thời gian, chúng "cởi mở" chia sẻ nhiều câu chuyện cuộc sống với con mồi. Ví dụ "tớ vừa đi Hạ Long về, chụp mấy bức hình, cậu xem không?"
Rồi chúng gửi đường dẫn của trang mạng đã chuẩn bị trước cho "đối tác". Các trang này đôi khi giống như facebook hoặc blog. Chúng bảo họ đăng nhập bằng tài khoản yahoo vào đó để xem. Khi "con mồi" đăng nhập xong thì cũng mất luôn nick yahoo. Cũng có thể khi vào trang mạng mà chúng gửi, người xem vẫn lướt web như thường nhưng không hề hay biết tài khoản của mình đã bị ghi nhớ mật khẩu. Đôi khi đường link chúng gửi có thể là rủ rê chơi trò gì đó trên mạng mà nạn nhân cảm thấy hứng thú đăng nhập vào.
Kỳ công theo những cuộc chat
Bước tiếp theo của bọn trộm nick yahoo sẽ kỳ công hơn. Chúng phải dành thời gian theo dõi nhật ký các cuộc nói chuyện của chủ nick với bạn bè trong danh sách. Mục đích của việc này là tìm hiểu tính cách, phong cách nói chuyện của từng người, mối quan hệ.
Trung tá An còn cho biết, có người trước mỗi câu nói chuyện trên yahoo với bạn thường hay đệm một từ "À", "Ơi" gì đó. Các đối tượng cũng phải bắt chước văn phong giao tiếp này. Khi đã nắm rõ thông tin cần thiết của nạn nhân, chúng bắt đầu vào cuộc "đóng thế".
Thủ đoạn lừa tiền của các đối tượng đều theo cách gần giống nhau, cũng như mánh khóe của 18 đối tượng ở Quảng Trị đã nói ở bài trước. Chúng thường vào chat với những người khá thân thiết với chủ nick, bịa ra chuyện: "Tớ đang có một số thẻ điện thoại khuyến mãi tặng 300%,... Hãy gửi tiền vào số TK ngân hàng ABC rồi sẽ chuyển thẻ cho". Hoặc "H đang lỡ chút việc, làm phiền mua giúp cái thẻ điện thoại, chiều H trả cho", hay nhờ mua thẻ nạp tiền chơi điện tử trên mạng (game online), thậm chí "tôi đang kẹt tiền quá, chuyển tôi vay 5 triệu, theo tài khoản ABC"...
Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao của Hà Nội còn cho hay, kể cả một phóng viên tại Hà Nội từng tìm hiểu viết bài về loại tội phạm này, nhưng không lâu sau đó cũng trở thành nạn nhân, bị lừa mất 300.000 đồng. Cô phóng viên này bị đưa vào thế không thể không tin vì: "Tớ đang ngồi trong hội nghị, không nói chuyện điện thoại được, cậu mua thẻ rồi đọc vào đây!" và vô tư mua thẻ, gửi mã số thẻ cho kẻ lừa đảo.
Với những thủ đoạn như vậy, nhưng đã có hàng trăm người trở thành nạn nhân của chúng. Và con số này hiện chưa dừng lại. Hàng ngày vẫn có người đến cơ quan công an trình báo. Nhiều trong số nạn nhân là người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên chúng không bao giờ lừa số tiền quá lớn, nhiều lắm chỉ dăm mười triệu đồng bởi lừa nhiều tiền dễ bị nghi ngờ.
Có một số người lại bị lừa khi làm từ thiện nhưng lại nhắn tin qua Yahoo Messenger cho người ở tổ chức từ thiện yêu cầu đọc số tài khoản ngân hàng để họ chuyển tiền. Bọn tội phạm cướp nick yahoo đọc được tin nhắn đó liền gửi ngay số tài khoản của chúng và "con mồi" dính bẫy.
Cần nhà mạng vào cuộc
Cũng theo lãnh đạo Đội 14, loại tội phạm này trước đây thường xuất hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM. Tuy nhiên, sau nhiều lần cơ quan công an điều tra triệt phá, loại tội phạm này lại xuất hiện từ những tỉnh thành khác và nạn nhân thì ở bất cứ nơi đâu.
Trung tá An cho biết, công tác điều tra loại tội phạm công nghệ cao vẫn luôn gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Bởi việc xác định IP của đối tượng tưởng đơn giản, nhưng vào cuộc mới thấy vô cùng phức tạp, kỳ công.
Mặc dù cơ quan công an đã không ít lần đề nghị các nhà mạng giúp đỡ trong đấu tranh, truy quét loại tội phạm này, tuy nhiên không nhận được sự phối hợp tích cực. Cơ quan điều tra hiện vẫn phải tự nỗ lực truy tìm, điều tra độc lập.
Cho nên, việc tìm ra thủ phạm để hoàn trả tiền cho bị hại đã rất khó khăn. Nhiều người muốn lấy lại tài khoản nick yahoo của mình lại càng như mò kim đáy bể.
"Để công tác đấu tranh loại tội phạm này có hiệu quả hơn nữa, cần có sự phối hợp tích cực từ các nhà mạng cũng như công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet!" - Trung tá Ngô Minh An chia sẻ.
Hiện nay, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao nói trên bị xử lý theo Điều 226b BLHS về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |