Trở lại Sêrêpốk, cây cầu có 34 người chết

Cuối năm, trong dòng người lại trên cây cầu này, đâu đó người ta vẫn bắt gặp những ánh mắt của người đi đường liếc nhìn xuống dòng sông. Hẳn nhiều người trong số họ vẫn có một cảm giác gì đó dờn dợn, khi chợt nhớ về vụ ô tô rơi sông cách đó chưa lâu.

Chúng tôi trở lại cầu Sêrêpốk, nơi xảy ra vụ rơi xe khách thảm khốc khiến 34 hành khách tử nạn, 21 người bị thương ngày 17/5/2012.

Hành lang bên phải cầu, phía xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, nơi chiếc xe húc đứt một đoạn dài gần 20m rồi rơi tự do xuống chân cầu, sát mép sông Sêrêpốk…nay được hàn gắn lại cẩn thận.

Trở lại Sêrêpốk, cây cầu có 34 người chết - 1

Hình ảnh cầu Sêrêpốk hôm nay.

Những bát nhang trên cầu được người dân qua đường hàng ngày hương khói tưởng niệm người xấu số cũng không còn, chúng được chuyển xuống dưới chân cầu tránh gây tai nạn.

Chúng tôi tìm đến vợ chồng ông Lê Văn Hiệu – bà Vũ Thị Quý, người sống cạnh chân cầu và cũng là người đầu tiên phát hiện vụ tai nạn.

Sau đó cả nhà ông Hiệu đã tích cực cứu người bị nạn…

Khi thấy chúng tôi ngỏ ý muốn được thắp nén nhang cho các nạn nhân xấu số, ông Hiệu hồ hởi dẫn đường.

Tới vị trí chiếc xe xấu số, khuôn mặt ông Hiệu thoáng nét buồn. Ông cho biết: từ ngày các bát nhang chuyển xuống dưới, người đến thắp hương cũng ít dần đi, chân cầu dần trở thành địa điểm “yêu thích” của những người nghiện đến chích hút.

Quanh các bát nhang vương vãi vô số bơm kim tiêm, có cái còn dính máu đỏ tươi.

Sau tai nạn, người đến thăm viếng cũng thưa dần. Để người xấu số bớt hiu quạnh, vào dịp lễ, vợ chồng ông đều mua một ít hoa quả, nén hương…thắp cầu nguyện cho linh hồn những nạn nhân được siêu thoát.

“Thực tình cũng chẳng ai muốn nhớ, hay nhắc lại cái đêm đau thương ấy làm gì. Thỉnh thoảng tôi gặp một vài người đến thắp hương, nước mắt sụt sùi, họ là người nhà nạn nhân. Họ đến rồi đi rất nhanh. Có nhiều người tự tìm đến chân cầu, cũng có người đến nhờ tôi dẫn ra…” - ông Hiệu kể.

Chúng tôi hỏi: “Sau tai nạn, có ai đến cảm ơn, thăm hỏi hay giữ mỗi liên lạc với gia đình không?".

Ông Hiệu cho hay, không thấy ai quay lại, duy nhất có gia đình hai bên ngoại, nội của vợ chồng anh Lê Công Bằng (lái xe, cùng vợ là Trần Thị Thanh Trúc đã tử nạn) đến gia đình cảm ơn.

Trong vụ tai nạn đó, con gái anh Bằng là Lê Thị Bích Trâm (5 tuổi) may mắn rơi ra khỏi xe, nằm ngập trong nước, may nhờ cha con ông Hiệu phát hiện, cấp cứu kịp thời nên thoát chết.

Không lâu sau, hai bên nội, ngoại đưa con trai lớn của anh Bằng là Lê Công Trình đến thăm vợ chồng ông Hiệu để cảm ơn. Trình xin nhận ông bà làm bố mẹ nuôi, nhận Lê Văn Tuấn (con trai út ông Hiệu) làm anh em kết nghĩa.

“Hôm cháu đến thăm, nó khóc sụt sùi, hết lòng cảm ơn; chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Thằng Tuấn, thằng Trình chúng nó thương nhau lắm, vẫn thường xuyên liên lạc điện thoại động viên nhau. Thằng Trình đang học cao đẳng dưới Sài Gòn, mỗi dịp về quê đều ghé thăm vợ chồng tôi” - ông Hiệu cho biết.

Trở lại Sêrêpốk, cây cầu có 34 người chết - 2

Ông Hiệu thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân vụ tai nạn.

Đang dở câu chuyện thì bà Vũ Thị Quý đi làm về, vào nhà góp chuyện. Bà khoe hai vợ chồng mới dành dụm được ít tiền, đóng được chiếc thuyền tôn mới.

Theo lời bà Quý, cách đây chừng 1 tháng, một thanh niên bên huyện Cư Jút (Đắk Nông) không hiểu vì buồn chuyện làm ăn, hay gia đình bế tắc…mà tìm đến cầu, nhảy xuống sông tự tử.

May lúc đó bà và cậu con trai Lê Văn Tuấn phát hiện sự việc đã chèo chiếc thuyền tôn thủng lâu nay ra cứu nạn nhân.

Ra giữa dòng, đưa được nạn nhân lên thuyền thì nước đã vào gần nửa, hai mẹ con người chèo, người tát.

Lúc đó ông Hiệu đi làm về, kịp thời ra hỗ trợ, nếu không cả ba người cùng bị chìm. Khi người thanh niên vào bờ, thoát chết…vợ chồng ông Hiệu mới tìm hiểu sự tình, khuyên giải.

Hiểu chuyện, thanh niên kia không đòi tự tử nữa, xin ở lại nhà ông bà một đêm rồi sáng hôm sau trở về nhà. Sau vụ đó, ông bà quyết định phải đóng chiếc thuyền mới.

“Số tiền cũng hết kha khá, nhưng không đóng, dùng mãi cái thuyền cũ rách, mình đi cứu người không khéo lại gặp họa vào thân” – bà Quý tâm sự.

Dù sống bên bờ sông, dưới chân cầu Sêrêpốk đã hơn 30 năm, cứu không biết bao nhiêu người; có người nhà nạn nhân sau khi được cứu giúp đã mang tiền đến cảm ơn, nhưng vợ chồng ông tuyệt đối không nhận.

“Mình sống bằng cái tâm, thấy người gặp nạn mà không cứu sao được. Mình cứu người đâu phải để mong gì chuyện trả ơn, chỉ cần họ biết, họ nhớ mình và sống tốt là được rồi” – ông Hiệu cười nói.

Nhìn vào căn nhà cấp bốn sập xệ không có tài sản gì đáng giá, trong khi trên tường treo đầy giấy, bằng khen từ cấp tỉnh đến trung ương…Chúng tôi chợt hỏi: “Tết đến nơi rồi, vợ chồng anh chị đã sắm sửa được gì chưa?”.

Hai vợ chồng ông Hiệu – bà Quý thoáng chút buồn. “Cũng muốn mua sắm vài thứ, nhưng ruộng rẫy ít quá, năm nay lại mất mùa nên chẳng dư đồng nào. Nhà tôi có thằng con trai đầu đang làm công nhân dưới Bình Dương, hi vọng tết này nó về, có ít lương lúc đó mới mua sắm được chú ạ !” – ông Hiệu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trùng Dương (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN