Sêrêpốk: Năm tháng sau thảm nạn

Đêm 17/5/2012 có lẽ là đêm chẳng bao giờ quên đối với nhiều người dân tại Đắk Lắk. Bàng hoàng, thảm khốc... là tất cả những gì mà những người chứng kiến sự việc và thân nhân các gia đình trải qua khi chiếc xe khách xuất phát từ huyện M’Đrắk đi về TP.HCM đã phải dừng lại và chấm dứt hành trình vĩnh viễn. Xe rơi xuống dòng sông Sêrêpốk, 34 người tử nạn.

... Nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai nhưng những mất mát sẽ còn mãi day dứt với người ở lại.

Ngôi nhà bé mọn

Chiều xuống, bà Hạnh dẫn ba đứa cháu ra khu nghĩa địa nơi cha mẹ chúng đang nằm. Đã gần năm tháng trôi qua, cỏ dại đã xanh trên phần mộ của anh Ven Gia Lập và người vợ là Hồ Thị Thủy (thôn 4, xã Ea Lai, M’Đrắk, Đắk Lắk) - hai trong tổng số 34 nạn nhân tử nạn trên chuyến xe định mệnh tại cầu Sêrêpốk. Trong không khí se lạnh và nặng trĩu buồn đau, bà Hạnh chỉ kịp đốt nắm nhang chia cho ba đứa cháu rồi bóng bà chợt đổ sụp xuống, bờ vai rung lên vì những tiếng nấc. Bà Hạnh khóc. Ba đứa cháu cũng khóc theo. Chị Nguyễn Thị Thái - hàng xóm của gia đình anh Lập - kể từ ngày mất con đến nay, nỗi mất mát quá lớn và đường đột đã khiến bà Hạnh gầy sọp hẳn và gần như chẳng bao giờ bà cười được nữa.

Sống trong khó khăn, ra đi trong đau đớn và đột ngột khi còn cha mẹ già và ba con nhỏ, hoàn cảnh của vợ chồng anh Ven Gia Lập và chị Hồ Thị Thủy bi thảm nhất. Anh Lập và chị Thủy đến với nhau trong nghèo khó từ 13 năm trước, bảo ban nhau làm lụng trên mảnh đất nghèo huyện M’Đrắk. Trước lúc lâm nạn vài năm, cả Lập và Thủy vay mượn tiền khắp nơi rồi dựng được căn nhà, coi như đó là thành quả chung của nhiều năm kham khổ. “Buổi chiều trước ngày xảy ra tai nạn, thằng Lập gọi điện nhờ tôi chạy xuống nhà trông cháu giùm để hai vợ chồng nó đưa nhau xuống TP.HCM khám bệnh, ra đi nó còn hứa đúng hai ngày sẽ về. Nào ngờ nó đi miết đến hôm nay vẫn chẳng thấy tăm tích đâu...” - bà Hạnh nghẹn ngào. Nghe đến đây, đứa con út của anh Lập là Ven Thị Mỹ Ngọc (4 tuổi) ánh mắt ngơ ngác nhìn bà ngoại thắc mắc: “Ngoại nói không đúng, ba mẹ con đi Sài Gòn về rồi nhưng giờ đang nằm ngoài nghĩa địa mà ngoại”.

Sêrêpốk: Năm tháng sau thảm nạn - 1

Cha mẹ đều mất, ba đứa trẻ họ Ven bỗng chốc lâm vào cảnh mồ côi

Đêm 17 rạng sáng 18/5, khi hay tin anh Lập, chị Thủy tử nạn gần như cả thôn 4, xã Ea Lai đã thức trắng đêm để chờ chiếc xe chở thi thể đôi vợ chồng trẻ về nhà. “Thương Thủy, thương Lập thì một mà nhìn ba đứa trẻ bỗng bơ vơ giữa cuộc đời thì đau xót mười” - một người hàng xóm nhớ lại. Bà Hạnh cho biết sau khi lo hậu sự cho hai con, gia đình đã họp lại và quyết định cùng nhau san sẻ trách nhiệm nuôi ba cháu gồm Ven Gia Chung (12 tuổi), Ven Thị Mỹ Liên (9 tuổi) và Ven Thị Mỹ Ngọc (5 tuổi). Thương cháu vì mồ côi cha mẹ khi còn quá nhỏ, bà cũng chuyển về ở hẳn để phụ chăm nuôi các cháu cho đến khi trưởng thành.

Dù biết cái chết là chia lìa mãi mãi nhưng mỗi khi nghĩ về con bà vẫn cảm thấy đau nhức như chuyện mới xảy ra hôm qua. “Có những đêm tôi nằm ôm ba cháu mà khóc ướt gối vì không biết rồi cuộc đời ngày mai của chúng sẽ ra sao”.

Lá xanh rụng xuống...

Đêm 17/5, sau khi chiếc xe khách bị rơi tại cầu Sêrêpốk, có một người mẹ đã đến Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk tìm con sớm nhất và bà cũng là người đầu tiên đau đớn nhìn con. Người mẹ đó là bà Nguyễn Thị Bèo - mẹ của hai nạn nhân tử nạn là anh Lê Công Bằng và chị Trần Thị Thanh Trúc (xã Ea Yông, Krông Pắk, Đắk Lắk). Bà Bèo cho biết chị Trúc và anh Bằng lấy nhau được hơn 20 năm nay, do hoàn cảnh gia đình nên chuyển về nhà cha mẹ vợ ở từ ngày lấy nhau. “Nó sinh được hai đứa con, thằng đầu đang học năm thứ nhất tại Sài Gòn, còn con bé thứ hai mới 5 tuổi. Chiều hôm đó hai vợ chồng bán được lứa heo thì bàn nhau bế con gái đi Sài Gòn thăm con trai. Chưa kịp trùng phùng đã xa cách” - bà Bèo nhớ lại.

24h đêm, khi nghe tin con lâm nạn, bà Bèo đã thuê xe ôm chạy thẳng về Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk tìm con. Tìm miết giữa mấy chục thi thể, bà chợt gào lên khi thấy con gái mình thân thể đầy máu rồi lịm dần. Bà đã lịm hẳn đến hai ngày, gia đình phải thuê bác sĩ chăm sóc ở nhà, sau mới tỉnh dậy lại nghe tiếp tin con rể đã ra đi cùng vợ. Trong nỗi đau đớn tột cùng ấy một phép mầu đã đến: con gái của anh Bằng, chị Trúc là cháu Lê Thị Ngọc Trâm (5 tuổi) đã văng ra khỏi cửa xe và may mắn sống sót. Ông Lê Văn Hiệu - người trực tiếp bế cháu bé đưa đi cấp cứu - nhớ lại: “Trước hiện trường vụ tai nạn, tôi choáng váng và chỉ thấy một cháu bé khoảng 5 tuổi trên đầu đầy mảnh kính vỡ đang đứng bên cạnh chiếc xe, có lẽ quá hoảng sợ nên cháu bé không khóc mà chỉ đứng nhìn”.

Ông Trần Phú - chồng bà Bèo - cho biết ngay cả đến hôm nay cháu Lê Thị Ngọc Trâm vẫn chưa hiểu thế nào là “chết”. Trong nhận thức thơ dại của một đứa trẻ vừa mất cha mẹ, “ba mẹ đã chết” có nghĩa là chỉ vắng nhà một thời gian rồi sẽ quay trở về. “Ngày nào Ngọc Trâm cũng đứng ngoài cổng đợi. Đợi mãi không được nó lại bắt ông bà ngồi vào bàn thờ tụng kinh niệm Phật để cầu cho ba mẹ chóng trở về”.

Một lúc bảy vòng khăn tang

Câu chuyện về nỗi mất mát nghe qua ngỡ là hồi ức một người mẹ của thời chiến tranh nhưng lại xảy ra tại một gia đình ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) cách đây hơn hai tháng. Chỉ trong khoảnh khắc, chiếc ôtô “điên” đã lao thẳng vào quán ăn sáng và lấy đi sinh mạng của bảy người gồm con cháu của bà Bảy Hanh (tên thật là Lê Thị Châu, huyện Krông Ana, Đắk Lắk).

Ở tuổi 83, bà Bảy không còn nước mắt để khóc. Có lẽ bà là người phụ nữ bất hạnh nhất, bất hạnh hơn tất cả những người mẹ khác khi cùng một lúc có bảy vòng khăn tang: hai chiếc cho hai cô con gái và năm chiếc cho năm đứa cháu. Anh Trần Văn Hưng - con rể bà - cho biết từ khi mất đi cùng lúc bảy người thân gồm con, cháu đến nay mỗi ngày bà Bảy chỉ ăn đúng một bát cơm. Ánh mắt luôn nặng trịch nỗi đau buồn và ngày nào bà cũng ngồi ở góc giường nhìn vô hồn ra cửa sổ đợi con cháu về.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ)
Tai nạn giao thông - Nỗi đau để lại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN