Triều Tiên gia cố đảo tiền tiêu, Hàn Quốc "mất ăn mất ngủ"

Các chuyên gia an ninh Hàn Quốc cảnh báo, gần đây Triều Tiên triển khai 4 bệ phóng rocket đa nòng cỡ 122mm tới đảo tiền tiêu Galdo, giáp nước này. Động thái trên đe dọa Seoul và các khu vực lân cận.

Theo các chuyên gia an ninh Hàn Quốc, những động thái nguy hiểm gần đây của Triều Tiên tại đảo Galdo đang đặt ra câu hỏi liệu Seoul đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với những mối đe dọa đến từ tên lửa và pháo binh Triều Tiên, nhắm mục tiêu vào thủ đô và các khu vực lân cận khác.

"Các bệ phóng rocket đa nòng, pháo tầm xa và các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là thách thức an ninh lớn và nghiêm trọng nhất mà Hàn Quốc phải đối mặt. Đó là các loại vũ khí có khả năng gây thiệt hại to lớn trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột vũ trang tiềm năng", ông Park Won-gon, một chuyên gia an ninh thuộc Đại học Toàn cầu Handong cảnh báo.

Triều Tiên gia cố đảo tiền tiêu, Hàn Quốc "mất ăn mất ngủ" - 1

Pháo binh Triều Tiên tập trận bắn đạn thật. Ảnh do hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA công bố

Theo các chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc, những năm gần đây, Seoul có vẻ đã quá tập trung vào việc tìm cách chống lại các loại vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng bao gồm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân mà ít để tâm đến các mối đe dọa hiện hữu hơn đến từ tên lửa tầm ngắn và pháo tầm xa của Triều Tiên.

"Khi Triều Tiên cùng lúc sử dụng những loại vũ khí này (tên lửa tầm ngắn, pháo tầm xa, rocket...) để tấn công Hàn Quốc, (Seoul) gần như không có hệ thống vũ khí nào có thể chống đỡ được. Do đó, việc chúng ta không ngừng chuyển tải thông điệp răn đe (Triều Tiên) rằng, mọi hành động khiêu khích đều sẽ phải nhận lại sự trả đũa thích đáng là rất quan trọng", chuyên gia Park Won-gon nhấn mạnh.

Triều Tiên gia cố đảo tiền tiêu, Hàn Quốc "mất ăn mất ngủ" - 2

Triều Tiên bắn thử tên lửa thông minh mới hồi tháng 2.2015. Ảnh do hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA công bố.

Theo Sách trắng Quốc phòng của Hàn Quốc năm 2014, Triều Tiên hiện sở hữu 14.100 khẩu pháo, trong đó bao gồm 5.500 bệ phóng tên lửa đa nòng. Phần lớn số vũ khí này đều đã được Triều Tiên triển khai tới biên giới với Hàn Quốc.

Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ sở hữu 5.800 khẩu pháo, bao gồm 200 bệ phóng tên lửa. Do tương quan lực lượng bất đối xứng, pháo binh Triều Tiên bị xem là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Hàn Quốc.

Vũ khí chủ lực của pháo binh Triều Tiên là pháo tự hành nòng 170 mm và các bệ phóng tên lửa 240 mm có tầm bắn lên tới 65 km, đù để tấn công các mục tiêu quân sự ở Seoul cũng như các khu vực lân cận.

Triều Tiên cũng đang nỗ lực phát triển bệ phóng tên lửa đa nòng tầm xa 300 mm, được trang bị hệ thống định vị GPS. Hệ thống vũ khí trên có khả năng tấn công các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ đóng tại Pyeongtaek và Osan, tỉnh Gyeonggi cũng như các cơ quan đầu não của Lục quân, Hải quân, Không quân Hàn Quốc ở căn cứ quân sự Gyeryongdae, tỉnh South Chungcheong.

Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc đã thừa nhận về mối đe dọa nghiêm trọng từ lực lượng pháo binh Triều Tiên: "Đúng vậy, về mặt chiến thuật, các mối đe dọa từ pháo binh Triều Tiên lớn hơn (so với các tên lửa tầm xa). Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đối phó, bằng cách tăng cường khả năng phòng thủ của các đơn vị quân đội".

Tuy nhiên, theo truyền thông Hàn Quốc, ngân sách quốc phòng của nước này phần lớn vẫn được phân bổ cho các dự án nhằm đối phó với những mối đe dọa đến từ tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm, vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên.

Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, họ đã nghiên cứu, xem xét tính khả thi của hệ thống phòng thủ Vòm sắt do Israel chế tạo để chống lại các cuộc tấn công bằng rocket tiềm năng từ Triều Tiên, nhắm vào khu đô thị ở Seoul và vùng lân cận.

Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ Vòm sắt, vốn rất hữu ích trong việc giúp Israel chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa từ lực lượng Hamas ở Dải Gaza, lại được cho là không phù hợp với địa hình đồi núi của Hàn Quốc.

Theo đó, các chuyên gia quân sự Hàn Quốc nhấn mạnh rằng, trong khi Seoul vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô của Triều Tiên, nước này cần phải tăng cường khả năng theo dõi, giám sát mọi hoạt động của lực lượng pháo binh Hàn Quốc để kịp thời phản ứng trong những tình huống khẩn cấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN