Triều Tiên cho người nước ngoài dùng 3G

Triều Tiên sẽ cho phép người nước ngoài dùng Twitter, Skype và lướt web bằng các thiết bị di động như điện thoại, iPad - một sự cởi mở chưa từng thấy. Tuy nhiên, người dân nước này vẫn chưa được phép sử dụng.

Koryolink, liên doanh giữa công ty bưu chính viễn thông Triều Tiên và công ty công nghệ viễn thông Ai Cập Orascom, hôm 22/2 thông báo họ sẽ triển khai dịch vụ internet 3G trước ngày 1/3.

Thông báo được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Triều Tiên cho phép người nước ngoài được mang theo điện thoại di động vào nước này để sử dụng thẻ SIM của Korylink. Trước đó, người nước ngoài đến đây phải để lại điện thoại di động và các thiết bị liên lạc tại hải quan.

Hai thay đổi chính sách này giúp người nước ngoài tại Triều Tiên được kết nối internet với mức độ cởi mở hơn chưa từng thấy trong thời gian sinh sống, làm việc hoặc đi du lịch ở một trong những quốc gia cô lập nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, người Triều Tiên chưa được tiếp cận internet không dây. Họ sẽ được phép dùng một số dịch vụ nhất định như tin nhắn SMS và MMS, gọi video và đặt báo Rodong Sinmun của nhà nước.

Hiện nay, chỉ một số ít người Triều Tiên được tiếp cận World Wide Web.

Trong chuyến thăm tới Bình Nhưỡng tháng trước, chủ tịch điều hành Google thúc giục Triều Tiên mở rộng quyền truy cập internet cho Triều Tiên.

Không lâu sau chuyến thăm của ông Eric Schmidt, Google giới thiệu bản đồ chi tiết hơn về đất nước bí ẩn này dựa trên thông tin đóng góp của một số người nước ngoài.  Trước đây, Triều Tiên bị bỏ trắng trên dịch vụ bản đồ của Google, nhưng nay đã có nhiều tên phố, công viên, đường lớn, bến tàu và tượng đài.

Số lượng điện thoại đi động ở đây đang tăng mạnh từ khi hãng Orascom xây dựng mạng lưới 3G hơn 4 năm trước. Hơn 1 triệu người Triều Tiên đã có điện thoại di động, với sóng điện thoại bao phủ hầu hết các thành phố lớn.

Những chiếc điện thoại Hwawei của Trung Quốc cung cấp cho Koryolink không rẻ, với mỗi máy đơn giản nhất cũng có giá 150 USD. Giờ đây, người nước ngoài có thể mua một thẻ SIM tại sân bay hoặc cửa hàng của Koryolink với giá 70 USD.

Giá mỗi phút gọi sang Thụy Sĩ và Pháp là 0.38 euro (hơn 10.000 đồng), còn sang Mỹ tốn hơn 5 euro (gần 140.000 đồng). Người nước ngoài vẫn bị cấm gọi điện cho người bản địa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN