Trẻ tử vong vì sởi, Bộ Y tế sẽ phải giải trình trước QH
“Tôi nghĩ rằng, kỳ họp Quốc hội sắp tới (dự kiến khai mạc tháng 5/2014) các đại biểu Quốc hội sẽ nêu vấn đề này ra và Bộ Y tế phải giải trình”, lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
Báo cáo hỏa tốc của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính Phủ ngày 17/4 cho biết, đã có 112 ca tử vong do sởi. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 8.521 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó ghi nhận 3.136 trường hợp dương tính với sởi. Số trẻ mắc bệnh và tử vong do sởi lớn nhất từ trước đến nay, khiến nhiều người trong đó có các chuyên gia y tế và đại biểu QH phải giật mình. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dịch bệnh bùng phát hiện nay chính là sự cảnh báo đến Nhà nước, Chính phủ phải quan tâm đầy đủ đến y tế dự phòng.
Theo Phó Chủ nhiệm, Quốc hội có quy định dành 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng nhưng hầu hết không đạt được tỷ lệ này. Đây cũng là một trong những lý do làm chất lượng tiêm chủng không đạt như ý muốn.
Cùng với đó, từ thông tin dư luận về một số ca tai biến sau tiêm vắc xin, người dân lo sợ không cho trẻ đi tiêm. Trong khi đó, điều kiện khí hậu thời thiết hiện nay, nhất là ở miền Bắc đang nóng ẩm, bệnh dịch phát sinh nhiều. Đó cũng là lý do số ca tử vong đều ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc, chưa có trường hợp trẻ tử vong tại khu vực phía Nam.
Trước con số người nhiễm sởi và tử vong cao, lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận xét: “Dù ngành y tế có nhiều giải pháp phòng chống sởi nhưng hiệu quả đem lại chưa thật tốt”.
Ông cũng cho biết, trong báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội gửi Quốc hội sắp tới sẽ có vấn đề về bệnh sởi, tiêm chủng, thuốc chống lao... đây là vấn đề nổi lên về y tế hiện nay.
Tất cả giường bệnh của khoa đều chật cứng, nhiều giường phải ghép 3-4 cháu nằm chung
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chuẩn bị có cuộc họp toàn thể. Trong đó, sẽ có buổi thảo luận về Luật Bảo hiểm y tế và thảo luận về kinh tế xã hội. Tại phiên họp này, sẽ có sự tham dự của Bộ Y tế.
“Chắc chắn trong phiên thảo luận, các đại biểu sẽ nêu vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế, trong đó có vấn đề bệnh sởi. Bộ Y tế sẽ báo cáo lại sự việc, đưa ra kiến nghị của mình trước Ủy ban”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Tiên cũng cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, tại kỳ họp Quốc hội sắp tới (khai mạc tháng 5/2014) các đại biểu Quốc hội sẽ nêu vấn đề, Bộ Y tế phải giải trình trước Quốc hội”.
Bà Nguyễn Thị Khá (ĐBQH tỉnh Trà Vinh) Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng “giật mình” trước con số trẻ tử vong do sởi và biến chứng. Bởi công tác phòng bệnh sởi cũng có từ lâu, thậm chí tiêm vắc xin sởi nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng nay số trẻ tử vong vì sởi nhiều.
“Trước đây, khi xảy ra việc 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin tại Quảng Trị, Bộ Y tế đã phải giải trình trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội”, Bà Nguyễn Thị Khá (ĐBQH tỉnh Trà Vinh) Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Bà Khá cho rằng, qua sự việc có thể thấy, công tác tuyên truyền về tiêm chủng chưa đạt. Bà nói: “Tình hình tiêm chủng có vấn đề nên người dân vừa muốn nhưng cũng sợ tiêm chủng”.
Theo nữ đại biểu, tỷ lệ sai xót trong tiêm chủng có thể khó tránh khỏi. Tuy nhiên, rủi ro phải đến từ nguyên nhân khách quan, chứ không phải từ chủ quan như kỹ thuật hay sai xót chuyên môn, quy trình, y đức... như vậy người dân sẽ yên tâm, công tác tiêm chủng sẽ tốt.
Bà nhấn mạnh, tiêm chủng là một trong biện pháp phòng bệnh tốt nhất, đặc biệt là trẻ em. Bây giờ, Bộ Y tế cần tuyên truyền sâu rộng và thận trọng hơn trong tiêm chủng.
Tuy vậy, đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không nên chỉ nghĩ rằng trách nhiệm trong công tác tiêm chủng của riêng Bộ Y tế. Trong đó, còn có trách nhiệm của các địa phương.
Bà nói: “Từng địa phương để xảy ra dịch nhiều phải kiểm tra công tác tiêm chủng của mình đến đâu, đạt bao nhiêu phần trăm? Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung, nhưng làm như thế nào còn phải do địa phương”.
Theo bà, cả Bộ Y tế và các địa phương cũng phải vào cuộc một cách đồng bộ. Ngành y tế cần có giải pháp hiệu quả hơn, các địa phương cũng phải có phản ứng kịp thời.