Trạm thu phí BOT lắm tai tiếng: Làm dối, ăn thật

Nhiều dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường liên tỉnh chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp, trong khi người tham gia giao thông vẫn phải trả phí.

"Chẳng biết làm đường kiểu gì mà mau hư như đường làng, phí thì thu không sót ngày nào" - anh Trần Văn Toàn, tài xế chuyên chở hàng Nam - Bắc, phàn nàn về dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 1 phía Bắc tỉnh Quảng Bình.

Than trời đường ngàn tỉ

Dự án nâng cấp, mở rộng QL 1 phía Bắc tỉnh Quảng Bình dài 30 km, đi qua các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, do Công ty CP Tasco Quảng Bình làm chủ đầu tư với số vốn 2.004 tỉ đồng. Sau khi thông xe vào tháng 6-2015, một trạm thu phí không dừng được đặt tại xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) với thời gian thu phí kéo dài 22 năm.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm khai thác, tuyến QL ngốn 66 tỉ đồng/km này nhanh chóng xuống cấp. Điển hình là ở đoạn qua các địa phương như thị trấn Hoàn Lão, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn)…, nhiều điểm hằn lún bánh xe 2-3 cm, tạo nên những "sống trâu". Đặc biệt, ở đoạn qua cầu Gianh (huyện Bố Trạch) xuất hiện nhiều vết lún sâu, từ 4-5 cm. Do mặt đường hẹp và xấu, khu vực này trở thành "điểm đen" giao thông, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người.

Dự án mở rộng, nâng cấp QL 1 đoạn qua tỉnh Bình Định cũng tương tự. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.800 tỉ đồng, được chia thành 3 dự án thành phần: dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (từ Km 1153 đến Km 1212+400, dài 60,6 km); dự án BOT Bắc Bình Định (từ Km 1125 đến Km 1153, dài 28,6 km); dự án BOT Nam Bình Định (từ Km 1212+400 đến Km 1265, dài 40,6 km - giáp với tỉnh Phú Yên).

Dự án BOT Bắc Bình Định có tổng mức đầu tư khoảng 1.644 tỉ đồng, do liên danh Công ty Vinaconex PVC, Công ty Long Trung Sơn, Công ty CP Bắc Ái, Tổng Công ty Thành An làm chủ đầu. Còn dự án BOT Nam Bình Định có tổng mức đầu tư khoảng 2.045 tỉ đồng, do liên danh Công ty CP Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn và Công ty CP Kiến Hoàng làm chủ đầu tư. Giữa năm 2016, 2 dự án BOT Nam Bình Định và Bắc Bình Định bắt đầu thu phí, các trạm đặt tại thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Vậy nhưng, chỉ sau khoảng 3-4 tháng thu phí, cả 2 dự án BOT này xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, sau các trận mưa lũ vừa qua, mặt đường càng xấu hơn. Không chỉ vậy, trên toàn tuyến, nhiều tấm lưới chống lóa tại dải phân cách bị tháo dỡ, hệ thống đan cống thoát nước hư hỏng đã không được chủ đầu tư khắc phục kịp thời. Theo phản ánh của giới tài xế, dù phải trả phí để qua 2 trạm nhưng chất lượng mặt đường QL 1 qua Bình Định nhiều chỗ còn tệ hơn trước khi có dự án.

Trạm thu phí BOT lắm tai tiếng: Làm dối, ăn thật - 1

Mặc dù đường thường xuyên hư hỏng, xuống cấp nhưng trạm BOT Nam Bình Định chưa một ngày dừng thu phí Ảnh: Anh Tú

Một trong những dự án BOT lắm tai tiếng khác là dự án cải tạo, nâng cấp tuyến QL 19, nối Bình Định với Gia Lai. Dự án có tổng chiều dài 73,248 km, vốn đầu tư 2.045 tỉ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài 55,726 km, trong đó đoạn qua Bình Định 33,082 km và đoạn qua Gia Lai 22,644 km, đã hoàn thành và thông xe vào ngày 15-1-2016 với 2 trạm thu phí được lập ở 2 địa phương ngay sau đó. Giai đoạn 2 được đầu tư bổ sung dài 17,552 km, nằm ở đoạn giữa các đoạn tuyến của giai đoạn 1.

Đáng nói là hiện nay, trong khi giai đoạn 2 đang triển khai, đường đi lởm chởm thì cả 2 tuyến của giai đoạn 1 xuống cấp sau chưa đầy 2 năm thông xe. Qua giám sát mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai kết luận tuyến dự án cải tạo, nâng cấp QL 19 qua tỉnh Gia Lai không được sửa chữa kịp thời, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và gây mất an toàn giao thông.

"Chúng tôi phải 2 lần trả phí để đi trên quãng đường vài chục cây số mà hư tan tành như thế là không công bằng" - tài xế Vũ Văn Trường (tỉnh Kon Tum) bày tỏ thất vọng.

Mặc sức "hốt bạc"

Trải dài từ Nam chí Bắc, từ miền Trung đến Tây Nguyên, phần lớn dự án BOT giao thông có điểm chung là đường sá sau khi nâng cấp đều mau xuống cấp, trong khi nhà đầu tư mặc sức thu phí.

Như chúng tôi từng đề cập, mức thu phí tại trạm thu phí Bến Thủy I và II thuộc vào diện cao trên cả nước, với giá vé xe tải có tải trọng dưới 2 tấn là 40.000 đồng/lượt. Mức thu phí cao nhưng chất lượng tuyến đường BOT mà người dân đang sử dụng là đường tránh TP Vinh và tuyến QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh lại không tương xứng.

Theo ghi nhận, dọc tuyến đường tránh TP Vinh dài 24 km, mặt đường nhiều chỗ bị bong tróc, gồ ghề, hằn lún theo vệt bánh xe. Nguy hiểm nhất là rất nhiều đoạn trên tuyến đường này vạch kẻ làn đường không có, người đi đường không thể phân biệt được đâu là làn đường cho ô tô, xe máy và xe thô sơ. Những năm gần đây, trên cung đường tránh TP Vinh đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người chết và bị thương. Còn tuyến QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh do Cienco4 làm chủ đầu tư với số vốn trên 2.400 tỉ đồng dù mới đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng mặt đường cũng đã hư hỏng nặng.

Tương tự, dù đặt sai vị trí, thu phí cao nhưng trong một thời gian dài, tuyến đường tránh TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa trở thành nỗi ám ảnh của người dân và phương tiện mỗi khi đi qua. Đưa vào sử dụng năm 2009, chỉ sau 2 năm, tuyến tránh này sụt lún nghiêm trọng, ổ gà, ổ voi đầy trên bề mặt. Công ty BOT Đường tránh Thanh Hóa đã cho khắc phục, sửa chữa nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn thì tuyến đường lại hư hỏng.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ lại là điển hình khác cho câu chuyện "làm dối ăn thật". Đáng chú ý là trước khi thực hiện dự án này, Bộ Tài chính đã có văn bản nêu rõ việc đặt trạm thu phí trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thu phí khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hợp đồng dự án ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư đã thống nhất việc thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1. Sau đó, Bộ Tài chính đã chấp thuận và ban hành thông tư thu phí theo đề nghị của Bộ GTVT. Tại kết luận mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ phương án thu phí như trên chưa đúng nguyên tắc. "Dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân" - TTCP khẳng định. 

Buông lỏng quản lý chất lượng

Theo báo cáo của đoàn giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều dự án BOT giao thông chất lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc quản lý chất lượng công trình thời gian qua bị buông lỏng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, nghiệm thu, giám sát, chất lượng một số dự án còn chưa tốt, thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt chưa nghiêm. Hệ quả là người dân vẫn phải trả phí cho một số đoạn đường BOT xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào vận hành khai thác.

Nhiều nhà đầu tư thiếu năng lực

Kết luận thanh tra của TTCP cho biết với hơn 70 dự án BOT và BT (xây dựng - chuyển giao) đã thực hiện từ trước đến nay trong lĩnh vực giao thông, Bộ GTVT không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu; 100% đều là chỉ định thầu, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa bảo đảm năng lực dẫn tới việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, quản lý vốn mắc sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện dự án cũng như chủ trương đầu tư chung. Cũng theo TTCP, công tác lập và phê duyệt tổng mức đầu tư còn nhiều nội dung chưa đúng chế độ; chưa phù hợp thực tế về áp dụng đơn giá tiền lương, vật liệu, định mức máy móc, thiết bị, chi phí dự phòng…

BOT Cai Lậy: Lộ thêm nhiều tình tiết khó hiểu!

Dù Bộ GTVT cho phép thu phí trở lại nhưng sáng 21-8, trạm thu phí Cai Lậy vẫn còn xả trạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm Phóng viên (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN