TQ "bắt nạt" Nhật Bản như với Philippines?

Sau khi lấn lướt đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines, Trung Quốc định áp dụng chiến lược này với nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật kiểm soát.

Ngày 8/8, Trung Quốc đã xua tàu công vụ ra vùng biển gần nhóm đảo Senkaku tranh chấp với Nhật Bản và trụ lại đây trong thời gian kỷ lục là 28 tiếng đồng hồ với mục đích được cho là lặp lại chiến lược giành giật biển đảo bằng sự hiện diện ngày càng tăng của các lực lượng trên biển.

Ngày 9/8, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển mới được thành lập của Trung Quốc đã lởn vởn trong vùng biển do Nhật Bản quản lý trong thời gian lâu nhất kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku hồi năm ngoái. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã triệu tập một quan chức ngoại giao Trung Quốc để “phản đối mạnh mẽ” động thái này.

TQ "bắt nạt" Nhật Bản như với Philippines? - 1

Tàu công vụ Trung Quốc trụ lại ngày càng lâu hơn ở vùng biển xung quanh Senkaku

Đây chính là chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng thành công sau khi chiếm được quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough trên Biển Đông từ tay Philippines. Những động thái này được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ngân sách quốc phòng với tham vọng trở thành một cường quốc trên biển trong khu vực.

Ông Chiaki Akimoto, giám đốc Viện Hoàng gia về Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Nhật Bản cho rằng chiến lược này được Trung Quốc áp dụng giống nhau ở Philippines và Nhật Bản: “Mục tiêu của họ là làm leo thang tình hình từng chút một. Đồng thời, họ muốn thử xem Nhật Bản phản ứng như thế nào.”

Hồi tháng 6, Philippines đã phản đối cái mà họ gọi là “sự hiện diện dày đặc của tàu quân sự và tàu bán vũ trang Trung Quốc” xung quanh những hòn đảo mà họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Hồi tháng 1, Philippines đã đề nghị Liên Hiệp Quốc đứng ra phân xử tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: “Rõ ràng nhóm đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản cả về phương diện lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Sự xâm phạm của tàu công vụ Trung Quốc vào lãnh hải Nhật Bản trong thời gian dài nhất từ trước tới nay là hành động cực kỳ đáng tiếc và chúng tôi không chấp nhận điều đó.”

TQ "bắt nạt" Nhật Bản như với Philippines? - 2

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc tiến vào vùng biển xung quanh Senkaku

Cảnh sát biển Nhật Bản cho hay bốn tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến vào vùng biển chỉ cách đảo Minami Kojima 5 km và ở lại đó trong suốt 28 giờ đồng hồ, và chỉ rời đi vào trưa ngày hôm nay.

Về phần mình, đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố trên website của mình rằng tàu công vụ Trung Quốc đã xua đuổi các “nhà hoạt động cánh hữu” Nhật Bản ra khỏi vùng biển xung quanh nhóm đảo tranh chấp và đòi tàu Nhật Bản ngay lập tức rời khỏi “vùng lãnh thổ” này.

Tình hình ngày càng leo thang chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến 2 vào ngày 15/8 tới đây, một sự kiện nhạy cảm đối với các quốc gia châu Á từng bị Nhật Bản xâm lược hồi đầu thế kỷ 20.

Các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ những người lính Nhật chết trong chiến tranh, trong đó có cả những nhân vật bị phe Đồng minh coi là tội phạm chiến tranh. Còn Thủ tướng Abe sẽ không đến thăm ngôi đền này để tránh gây thêm căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi trông thấy kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku và ảnh hưởng đến hoạt động giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Số liệu thống kê cho thấy lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật đã giảm 2% so với năm ngoái, và là lần sụt giảm thứ 6 liên tiếp.

Từ tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã thường xuyên cho tàu công vụ ra vùng biển xung quanh nhóm đảo tranh chấp Senkaku. Tháng 12/2012, lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện một máy bay do thám Trung Quốc bay trên không phận Nhật Bản gần nhóm đảo này. Hồi tháng trước, Nhật Bản xác nhận tàu chiến Trung Quốc đã lần đầu tiên đi qua eo biển phía bắc nước này.

Theo các nhà phân tích, những động thái này của Trung Quốc đều nhằm một mục đích, đó là ép Nhật Bản phải thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với nhóm đảo này.

Giáo sư Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nhận định: “Giống như ở Scarborough, Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một hiện trạng mới ở Hoa Đông. Điểm khác là Trung Quốc đang tìm cách thể hiện rằng họ phản đối sự kiểm soát của Nhật Bản đối với nhóm đảo này chứ không tìm cách chiếm giữ chúng.”

Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc phải cải thiện khả năng bảo vệ quyền lợi hàng hải của mình trong khi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và nhấn mạnh “Không đời nào Trung Quốc từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Sự hiện diện trong thời gian kỷ lục của tàu tuần tra Trung Quốc tại Senkaku diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Nhật Bản ra mắt chiến hạm lớn nhất của mình kể từ sau Thế chiến 2. Ngày 8/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra tuyên bố cho rằng các quốc gia châu Á cần phải cảnh giác với sự tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản sau khi chiến hạm Izumo này được hạ thủy.

TQ "bắt nạt" Nhật Bản như với Philippines? - 3

Tàu sân bay trực thăng mới hạ thủy Izumo của Nhật Bản

Tuy nhiên, chính Trung Quốc cũng đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng của nước này thêm 10,7% trong năm nay sau khi hạ thủy tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh vào hồi năm ngoái. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013 đạt mức 121 tỉ USD, hơn gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản (51,7 tỉ USD).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN