TP.HCM: Dự báo ngập ở 40 tuyến đường vào mùa mưa

Tại TP.HCM, mùa mưa năm nay có thể sẽ gây ngập ở 40 tuyến đường, trong khi triều dâng cao có thể gây ngập ở 9 tuyến đường.

TP.HCM: Dự báo ngập ở 40 tuyến đường vào mùa mưa - 1

Đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) là một “điểm đen” ngập nước ở TP.HCM.

Những ngày gần đây, TP.HCM liên tục có những cơn mưa vào đầu giờ chiều khiến nhiều người lo lắng tình trạng ngập nước có thể xảy ra. Thực tế là cơn mưa không lớn nhưng kéo dài khoảng 2 giờ vào chiều 27.6 đã khiến một đoạn của đường Lương Định Của (Q.2) bị ngập nặng.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 678 tuyến đường trục chính, và dự báo 40 tuyến đường trong số đó có thể bị ngập khi mưa.

Cụ thể, những trận mưa có vũ lượng từ 40 đến 50mm dự kiến sẽ gây ngập sâu từ 0,1 đến 0,2m tại 23 tuyến đường: Mai Thị Lựu, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư, Tân Hương, Mai Hắc Đế, Lê Thành Phương, Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Công Định, Bàu Cát, Ba Vân, An Dương Vương, Quốc lộ 13, Hồ Học Lãm, Huỳnh Tấn Phát, Tân Quý, Lưu Hữu Phước 2, Mễ Cốc 2, Kinh Dương Vương, Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Xí và Ung Văn Khiêm.

Trong trường hợp mưa có vũ lượng lớn hơn 50mm, dự kiến sẽ gây ngập thêm 17 tuyến đường với độ ngập sâu từ 0,1 đến 0,3m, gồm: Phan Anh, Bạch Đằng, Lương Định Của, Lê Đức Thọ, Quốc lộ 1A, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tôn Thất Hiệp, Lương Văn Can, Gò Dưa, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Cao Văn Lầu, Lê Quang Sung, Hậu Giang và thêm nhiều khu vực khác ở Quốc lộ 13.

Tình trạng ngập nước tại TP.HCM không chỉ xảy ra khi mưa mà còn do triều cường. Theo đó, khi đỉnh triều đạt từ +1,5m trở lên, TP.HCM sẽ có 9 tuyến đường bị ngập. Trong đó có 2 tuyến đường ngập nặng là Lương Định Của và Huỳnh Tấn Phát; còn lại 7 tuyến đường ngập nhẹ là Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10 và Đường 26.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM) cho biết thêm, thông thường, những cơn mưa vào đầu mùa và cuối mùa có khả năng gây ngập cao hơn bởi mưa kết hợp với triều dâng và gió một chiều. Hiện, TP.HCM đang bước vào giữa mùa mưa nên khó xảy ra hiện tượng ngập, trừ một số tuyến đường đang thi công.

Về một số tuyến đường ngập “truyền kỳ” gây không ít khó khăn cho người dân thời gian qua, như Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), Quốc Hương (Q.2), ông Long khẳng định, đường Kinh Dương Vương đã thi công xong hệ thống thoát nước, sau khi hoàn thành nâng đường vào đầu tháng 7thì sẽ không còn ngập. Trong khi đó, đường Quốc Hương đang trong quá trình lập dự án, dự kiến bắt đầu triển khai chống ngậptừ đầu năm sau.

Theo ông Long, tùy vào từng dự án, hệ thống thoát nước được triển khai với tầm nhìn hàng chục năm, thậm chí lên đến 100 năm. “Các hệ thống thoát nước được triển khai dựa vào số liệu dự báo biến đối khí hậu. Nếu số liệu dự báo nhỏ hơn thực tế đã xảy ra thì lấy số liệu cao nhất từng xảy ra. Ngược lại, sẽ lấy thông số dự báo để triển khai hệ thống thoát nước đảm bảo đáp ứng được cho tương lai”, ông Long nói.

“Chống ngập cho thành phố là câu chuyện chưa có hồi kết và còn kéo dài. Đặc biệt các khu vực vùng ven chưa có cống thoát nước, có thể cũng sẽ bị ngập trong tương lai khi mà các công trình “mọc” lên ngày càng nhiều và dân cư cũng dần đông hơn”, ông Long nói thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN