Video đồ họa: Toàn cảnh ý tưởng xây đường hầm cao tốc ngầm kết hợp chống ngập dọc sông Tô Lịch
Theo đề xuất này, một đường hầm khổng lồ sẽ được tạo ra chạy dọc sông Tô Lịch nhằm mục đích thiết kế đường cao tốc ngầm và hệ thống chống ngập cho Thủ đô.
Ngày 19/2, JVE Group đã đề xuất lên Hà Nội dự án Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch”.
Dự án này mục đích vừa chống ngập vừa giải quyết bài toán ùn tắc cho nội đô Hà Nội. Kinh phí thực hiện được tài trợ bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản.
Hệ thống chống ngập và hầm cao tốc được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc sông Tô Lịch.
Hệ thống đường cao tốc ngầm 2 tầng hoạt động hai chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô.
Các nút giao thông lên xuống cao tốc ngầm được thiết kế riêng, có biển báo để nhận biết.
Đường cao tốc ngầm được chia làm 3 làn, với 2 làn cho phép xe chạy tốc độ tối đa 80 và 60km/h; làn còn lại là làn dừng khẩn cấp.
Tuyến đường cao tốc ngầm khi đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của chặng Đường Vành đai 3 trên cao - Võ Chí Công trong giờ cao điểm từ 45 phút xuống còn khoảng 15 phút cũng như góp phần làm giảm lưu lượng ô tô đi trên trục đường hiện nay.
Đặc biệt, người dân sẽ không phải trả phí khi đi trên cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch.
Hệ thống chống ngập sẽ được bố trí 9 giếng thu nước khổng lồ dọc sông để thu nước khi có mưa bão.
Khi xảy ra mưa bão, nước trên sông Tô Lịch sẽ tràn qua máng thu dọc sông Tô Lịch.
Nước tiếp tục chảy vào hầm ngầm thoát nước, cuối cùng chảy về bể điều áp đặt phía cuối hệ thống. Bể điều áp thiết kế với dung tích chứa được hàng triệu m3 nước, đáp ứng được các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm.
Nước được tích trữ trong bể điều áp khổng lồ sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống bơm khổng lồ với công suất lên tới 200m3/giây.
Hạ tầng đường cao tốc ngầm bố trí đầy đủ hệ thống kỹ thuật thông gió, chiếu sáng, hệ thống cảnh báo cháy-chữa cháy... Khi xảy ra sự cố cháy nổ trong đường hầm, trung tâm điều khiển sẽ nhận được tín hiệu tự động báo về từ cảm biến và camera giám sát trên toàn bộ tuyến. Hệ thống chữa cháy tự động sẽ phun nước để kiểm soát kịp thời đám cháy, hạn chế tối đa thương vong và thiệt hại về tài sản.
Hệ thống cầu thang bộ và thang máy được xây dựng đồng bộ giúp các kỹ sư có thể tiếp cận nhanh chóng, khắc phục sự cố tai nạn hoặc cháy nổ trong hầm cũng như giảm thời gian trong công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ.
Nguồn: [Link nguồn]
Một hệ thống đường cao tốc và hầm chống ngập được thiết kế làm ngầm dài khoảng 11,65km chạy dọc theo sông Tô Lịch.